|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Thân thế người được dự báo làm Thủ tướng Trung Quốc sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình đắc cử nhiệm kỳ ba

14:51 | 10/03/2023
Chia sẻ
Cựu Bí thư Thành ủy Thượng Hải Lý Cường được cho là sẽ nắm giữ cương vị Thủ tướng mới của Trung Quốc. Ông Lý được đánh giá là người ủng hộ doanh nghiệp và có thể ảnh hưởng tới Chủ tịch Tập Cận Bình.

Chủ tịch Tập Cận Bình tái đắc cử

Theo Reuters, vào ngày 10/3, ông Tập Cận Bình đã tái đắc cử Chủ tịch Trung Quốc nhiệm kỳ thứ ba. Gần 3.000 đại biểu Quốc hội Trung Quốc (NPC) đã cùng tín nhiệm bầu cho ông Tập. 

Ông Tập Cận Bình tham gia bỏ phiếu vào ngày 10/3. (Ảnh: Mark R. Cristino/Reuters).

Ông Tập sẽ có bài phát biểu vào ngày 13/3, trước khi kỳ họp Quốc hội kế thúc. Ngoài ra, Chủ tịch Tập còn được bầu lại vào vị trí Chủ tịch Quân ủy Trung ương cũng như Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Trung Quốc.

Quốc hội cũng bầu ông Triệu Lạc Tế, 66 tuổi, giữ chức Chủ tịch Quốc hội; ông Hàn Chính, 68 tuổi, giữ chức Phó Chủ tịch nước. 

Thủ tướng mới của Trung Quốc sẽ là ai?

Trong những ngày tới, Trung Quốc sẽ chọn ra những vị trí hàng đầu trong nội các, bao gồm cả Thủ tướng, người có trọng trách lèo lái nền kinh tế thứ hai thế giới.

Theo AP, ông Lý Cường, 63 tuổi, dự kiến sẽ được chọn làm Thủ tướng tiếp theo của Trung Quốc vào ngày 11/3. Trong nhiệm kỳ mới, ông sẽ phải đối mặt với sự giảm tốc của nền kinh tế thế lớn thứ hai thế giới, nhu cầu hàng hóa yếu, rào cản thuế quan của Mỹ, lực lượng lao động suy giảm và dân số già hóa.

Vào tháng 10 năm ngoái, ông Lý Cường đã được bầu làm Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc khóa XX.

Chủ tịch Tập Cận Bình (phải) nói chuyện với ông Vương Hỗ Ninh (giữa) và ông Lý Cường trong kỳ họp Quốc hội. (Ảnh: Ng Han Guan/AP).

Ông Lý từng giữ chức Bí thư Thành phố Thượng Hải cũng như Tỉnh trưởng Chiết Giang. Vào năm 2013, trong một cuộc phỏng vấn với Caixin, ông cho rằng các quan chức không nên can thiệp quá sâu vào hoạt động của doanh nghiệp.

Ông cũng đã khẳng định những doanh nhân Triết Giang là tài nguyên quý giá nhất của tỉnh, nêu lên tấm gương tỷ phú Jack Ma. Ông Lý cũng nhấn mạnh nỗ lực hạn chế thủ tục quan liêu của chính quyền.

Tuy nhiên, vị cựu Bí thư Thành ủy Thượng Hải cũng từng triển khai những biện pháp chặt chẽ để kiểm soát đại dịch COVID, khiến hoạt động kinh tế bị đình đốn.

Nhà lãnh đạo ủng hộ doanh nghiệp

Ông Lý Cường sinh ra tại tỉnh Chiết Giang. Ông theo học ngành tự động hóa nông nghiệp. Đến năm 2003, ông Lý theo học chương trình thạc sỹ tại Đại học Bách khoa Hong Kong. 

Mối quan hệ của ông Lý với Chủ tịch Tập bắt đầu vào những năm 2000, khi ông Tập được bổ nhiệm làm Bí thư thành ủy Chiết Giang. Sau khi ông Tập chuyển tới Bắc Kinh và được bổ nhiệm làm Tổng Bí thư, ông Lý đã được thăng chức Tỉnh trưởng Chiết Giang vào năm 2013.

Ba năm sau, ông Lý được bổ nhiệm làm Bí thư Giang Tô, một tỉnh có nền kinh tế quan trọng ở phía đông Trung Quốc. Năm 2017, ông được bổ nhiệm làm Bí thư Thượng Hải.

Khi làm việc tại Thượng Hải, ông Lý theo đuổi các chính sách ủng hộ doanh nghiệp. Năm 2018, Tesla tuyên bố sẽ xây dựng nhà máy đầu tiên bên ngoài nước Mỹ tại thành phố này.

Nửa năm sau, Tesla trở thành nhà sản xuất ô tô có 100% vốn nước ngoài đầu tiên ở Trung Quốc. Theo Tân Hoa Xã, ngay cả trong thời gian phong tỏa COVID nghiêm ngặt vào năm ngoái, nhà máy vẫn có thể khôi phục sản xuất sau khoảng 20 ngày tạm dừng.

Phó Chủ tịch Tesla Tao Lin cho biết chính quyền đã làm việc gần như suốt ngày đêm để giúp doanh nghiệp hoạt động. 

Nhà máy Tesla tại Thượng Hải. (Ảnh: Qilai Shen/Bloomberg).

Tuy nhiên, không phải lúc nào những nỗ lực của ông Lý cũng được chính phủ Trung Quốc chấp thuận. Ông Joerg Wuttke, Chủ tịch Phòng Thương mại EU tại Trung Quốc, cho biết ông Lý từng thúc đẩy một thỏa thuận giữa các công ty Trung Quốc và châu Âu nhằm sản xuất vắc xin mRNA, nhưng Bắc Kinh đã không ủng hộ. 

Để phòng chống COVID, Thượng Hải đã thực hiện phong tỏa có chọn lọc thay vì những biện pháp kiểm soát hàng loạt như các thành phố khác. Khi biến thể Omicron tấn công Thượng Hải, ông Lý đã chọn cách tiếp cận vừa phải cho đến khi Bắc Kinh can thiệp và buộc phong tỏa cả thành phố. 

Đợt phong tỏa kéo dài hai tháng vào năm ngoái đã khiến 25 triệu người phải ở trong nhà và làm gián đoạn nghiêm trọng hoạt động kinh tế. Ông Lý đã phải đối mặt với những chỉ trích khi thực thi lệnh phong tỏa kéo dài tại trung tâm tài chính của Trung Quốc.

Sức ảnh hưởng tới Chủ tịch Tập

Một số nhà phân tích cho rằng ông Lý Cường sẽ có ảnh hưởng đến Chủ tịch Tập Cận Bình hơn người tiền nhiệm. 

"Chủ tịch Tập không phải lo lắng về việc ông Lý nắm quá nhiều quyền lực", ông Ho Pin, một nhà báo kỳ cựu và nhà quan sát chính trị Trung Quốc nhận xét. "Sự tin tưởng giữa họ cho phép ông Lý làm việc chủ động hơn, chia sẻ những lo lắng, cung cấp cho ông Tập nhiều thông tin và đề xuất".

Tuy vậy, bà Iris Pang, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc của ING coi ông Lý như người thực thi ý chí của Chủ tịch Tập, hơn là người có ảnh hưởng. Bà Pang cho rằng ông Lý từng ủng hộ doanh nghiệp vì yêu cầu công việc.

Minh Quang

Nhà đầu tư chứng khoán thận trọng trước hai luồng thông tin trái chiều
Thị tường chứng khoán tuần qua chỉ giao dịch trong 2 ngày, nhưng đã cho thấy sự thận trọng của giới đầu tư khi chỉ số tăng, trong bối cảnh thanh khoản ở mức thấp. Giới phân tích cho rằng, thị trường chứng khoán đang chịu tác động từ 2 luồng thông tin trái chiều.