|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Lý do Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng thấp nhất trong hai thập kỷ

12:11 | 06/03/2023
Chia sẻ
Theo các nhà phân tích, mục tiêu tăng trưởng GDP "khoảng 5%" thể hiện nhu cầu thúc đẩy tăng trưởng một cách chất lượng hơn của Trung Quốc trong dài hạn.

Trong bản báo cáo ngày 5/3, Thủ tướng Lý Khắc Cường cho biết Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2023 ở mức “khoảng 5%”. Mục tiêu này thấp hơn nhiều dự báo, cũng như kỳ vọng của năm 2022, thời điểm mà Trung Quốc đang phải đương đầu với đại dịch COVID. 

Tuy nhiên, mức tăng trưởng “khoảng 5%” vẫn cao hơn tốc độ trung bình thực tế trong ba năm vừa qua. Mục tiêu trên cũng cao hơn tốc độ tăng trưởng trung bình 4,8% cần thiết để Trung Quốc đạt mục tiêu trở thành một quốc gia thịnh vượng trong 15 năm tới.

Mục tiêu tăng trưởng 5% là thấp nhất trong khoảng hai thập kỷ.

South China Morning Post (SCMP) dẫn lời bà Iris Pang, nhà kinh tế trưởng khu vực Đại Trung Hoa của ING Bank nhận định: “[Mục tiêu GDP năm 2023] không quá lạc quan và cũng không tập trung quá nhiều vào tăng trưởng. Mục tiêu này tập trung nhiều hơn vào những thách thức tăng trưởng dài hạn”.

Ông Zhao Xijun, giáo sư tài chính tại Đại học Nhân dân Trung Quốc cho rằng Bắc Kinh đang tìm cách thúc đẩy tăng trưởng chất lượng hơn, chú trọng vào sự ổn định.

“Tốc độ mở rộng như vậy là hợp lý vì Trung Quốc chú trọng nhiều hơn vào việc cải thiện khả năng cạnh tranh và đổi mới”, ông nói. “[Mục tiêu trên] cũng là kết quả của những thách thức trong nước và quốc tế hiện nay”.

Tăng trưởng chất lượng hơn

Theo Economist, khi chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế, họ thường phải đối mặt với một tình thế tiến thoái lưỡng nan.

Một mục tiêu cao có thể mang lại niềm tin cho doanh nghiệp, giúp đạt được tốc độ tăng trưởng nhanh một cách dễ dàng hơn. Tuy nhiên, mục tiêu đầy tham vọng cũng có nguy cơ không thể đạt được, và làm giảm uy tín của chính phủ.

Năm ngoái, chính phủ Trung Quốc đã không đạt mục tiêu tăng trưởng 5,5%, GDP thực tế chỉ đi lên 3%. Năm nay, Trung Quốc dường như đang đánh giá cao sự tín nhiệm hơn là sự tự tin trong nền kinh tế. 

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường báo cáo trước Quốc hội tại Đại lễ đường Nhân dân ngày 5/3. (Ảnh: Getty Images).

Bắc Kinh đang hy vọng rằng Trung Quốc sẽ tạo ra khoảng 12 triệu việc làm tại khu vực đô thị trong năm nay. Dù mục tiêu tăng trưởng thấp đi, kỳ vọng về việc làm của Bắc Kinh lại tăng lên (12 triệu việc làm so với 11 triệu của năm 2022).

Chính phủ đang kỳ vọng vào một cuộc phục hồi mạnh mẽ trên thị trường việc làm, khi các ngành dịch vụ sử dụng nhiều lao động, như bán lẻ và ăn uống, trở lại sau đại dịch. Bắc Kinh cũng muốn việc làm bắt kịp với con số kỷ lục 11,58 triệu sinh viên dự kiến sẽ tốt nghiệp cao đẳng và đại học năm 2023.

Ông Zhou Hao, nhà kinh tế trưởng tại Guotai Junan International, nhận định mục tiêu việc làm năm nay “minh họa rõ ràng rằng chính phủ đang quan tâm nhiều hơn đến chất lượng tăng trưởng". Mục tiêu năm nay “có nghĩa là chính quyền Bắc Kinh nhìn thấy tầm quan trọng của tiêu dùng, giúp giải phóng tiềm năng phát triển dài hạn”, ông nói.

Bà Jacqueline Rong, phó kinh tế trưởng khu vực Trung Quốc tại BNP Paribas, cho rằng đợt phục hồi kinh tế lần này của Trung Quốc sẽ được thúc đẩy bằng tiêu dùng trong nước, “đặc biệt là lĩnh vực dịch vụ”. 

Trong những chu kỳ phục hồi trước đây, tăng trưởng thường được dẫn dắt bởi xuất khẩu và đầu tư. Tuy nhiên, theo bà Rong, giờ đây những lĩnh vực sử dụng nhiều hàng hóa như bất động sản, xuất khẩu hay ô tô đều đang đối mặt với các thách thức ngắn hạn.

Mục tiêu tăng trưởng mới cũng không tạo thêm áp lực nào để tiếp tục kích thích nền kinh tế. So với năm ngoái, báo cáo của ông Lý đã có ít lời kêu gọi chính quyền địa phương thúc đẩy nền kinh tế hơn.

Thay vào đó, ông nhấn mạnh việc phải ngăn chặn sự tích tụ của những khoản nợ mới. Thủ tướng Trung Quốc lưu ý: “Sự mất cân đối ngân sách của một số địa phương là rất lớn”. 

Nợ của chính quyền địa phương Trung Quốc đang ngày càng phình to ra, trong khi nợ của Bắc Kinh vẫn tương đối ổn định.

Năm nay, Bắc Kinh dự kiến hạn ngạch phát hành trái phiếu “đặc biệt” trị giá 3.800 tỷ USD (550 tỷ USD), được cho là nhằm tài trợ các dự án cơ sở hạ tầng tạo doanh thu. Con số này nhỉnh hơn một chút so với năm 2022. Tuy nhiên trên thực tế, chi tiêu chính quyền địa phương năm ngoái đã được bổ sung một khoản tiền từ năm 2021.

Ông Li Qilin, nhà kinh tế trưởng tại Hongta Securities cho biết mục tiêu 5% “dành chỗ cho tăng trưởng chất lượng cao”, có nghĩa là chính phủ sẽ không dựa vào bất động sản và nợ để thúc đẩy nền kinh tế nếu xuất khẩu gặp khó.

Ông Li cho biết việc nới lỏng tiền tệ trên diện rộng có thể ít xảy ra hơn, đồng thời thị trường có thể sẽ hạ thấp kỳ vọng về việc cắt giảm lãi suất, hoặc tỷ lệ dự trữ bắt buộc.

Trong báo cáo của Thủ tướng Lý đã không có những cụm từ như “tận dụng chức năng cơ cấu và tổng hợp của các công cụ chính sách tiền tệ” hoặc “mở rộng quy mô các khoản vay mới”. Ông Li cho biết việc không còn những cụm từ trên thể hiện mong muốn giữ ổn định mức nợ chung của nền kinh tế.

Tuy nhiên, ông Bruce Pang, nhà kinh tế trưởng khu vực Đại Trung Hoa của Jones Lang Lasalle lại cho rằng mục tiêu khiêm tốn “không có nghĩa là kích thích tài khóa sẽ không được tăng cường”. Ông nhắc đến kỳ vọng tỷ lệ thâm hụt trên GDP của năm 2023 là 3%, cao hơn mục tiêu 2,8% vào năm ngoái, cho thấy chính sách tài khóa có thể sẽ được tăng cường hơn nữa. 

Minh Quang