Trung Quốc có thể hoàn thành những việc không tưởng, nhưng tại sao vẫn dậm chân với chất bán dẫn và đội tuyển bóng đá quốc gia?
Nhiều nước trên khắp thế giới từng kinh ngạc trước cách Trung Quốc huy động các nguồn lực quốc gia và hoàn thành những việc lớn tưởng chừng như không thể làm được.
Chẳng hạn, Trung Quốc đã xây dựng xong hệ thống đường sắt cao tốc lớn nhất thế giới - với độ dài gần 38.000 km - chỉ trong vòng một thập kỷ, tờ Bloomberg nêu ví dụ.
Tuy nhiên, Trung Quốc và cả những quốc gia ngưỡng mộ họ cũng sẽ dễ dàng nhận ra những sai lầm lớn không kém của đất nước này.
Trong khá nhiều trường hợp, các nhà lãnh đạo ở Bắc Kinh đã xác định rõ những ưu tiên hàng đầu của quốc gia và quyết tâm theo đuổi. Song, cũng nhiều lần, nỗ lực “toàn dân” này lại dẫn đến lãng phí, vấn nạn hối lộ và thất bại.
Kết cục của hai chiến lược lớn mà Trung Quốc từng theo đuổi có thể minh hoạ cho nhận định trên của Bloomberg, đó là việc chế tạo chất bán dẫn tiên tiến và phát triển đội bóng đá quốc gia đủ điều kiện tham dự World Cup.
Chậm chân với chất bán dẫn
Việc Trung Quốc thiếu thành công trong cuộc đua phát triển chip bán dẫn cao cấp là điều hầu như ai cũng biết, tờ Bloomberg nhấn mạnh.
Quỹ Đầu tư Quốc gia về mạch tích hợp (hay còn gọi là Big Fund) đã huy động được 45 tỷ USD kể từ năm 2014 và tài trợ cho nhiều dự án quan trọng.
Chỉ riêng trong năm 2020, các công ty bán dẫn của Trung Quốc đã nhận được 35 tỷ USD đầu tư từ các nguồn chính thức và tư nhân, theo dữ liệu từ Bloomberg.
Song, cho đến nay, các nhà sản xuất chip Trung Quốc vẫn đi sau các đối thủ phương Tây và Đông Á nhiều năm, thậm chí là hàng thập kỷ. Các biện pháp hạn chế xuất khẩu công nghệ của phương Tây có nguy cơ làm chậm tiến độ của Trung Quốc hơn nữa.
Đáng ngại hơn là nhiều quan chức chính phủ được giao nhiệm vụ giúp Trung Quốc tự chủ về công nghệ bán dẫn dường như đã dính chàm. Năm ngoái, nhiều giám đốc cấp cao của Big Fund đã bị bắt giữ vì nghi ngờ tham những.
Mất hút trên bản đồ bóng đá
Hành trình tìm kiếm vinh quang trên sân bóng của Trung Quốc có thể là chuyện còn buồn hơn khi giấc mơ mãi không thành hiện thực.
Đội tuyển quốc gia Trung Quốc chỉ đủ điều kiện tham dự World Cup một lần, vào năm 2002, và thường xuyên trở thành trò cười ngay trên cả các phương tiện truyền thông chính thống.
Năm 2015, Chủ tịch Tập Cận Bình đã kêu gọi phát triển đội bóng đá Trung Quốc “trở thành một trong những đội bóng giỏi nhất thế giới”.
Tuy nhiên, hàng tỷ USD mà Trung Quốc đã chi kể từ đó để thu hút các tài năng và huấn luyện viên nước ngoài dường như không tạo ra sự khác biệt nào. Tình hình của đội tuyển quốc gia Trung Quốc ngày càng tồi tệ hơn.
Năm 2016, đội tuyển này đã thua Syria với tỷ số 0 - 1 và không thể giành quyền tham dự World Cup. Năm 2022, đội tuyển lại thua nặng trong vòng loại, mất cơ hội đi tiếp.
Tương tự các đồng nghiệp trong Big Fund, các quan chức chịu trách nhiệm giúp Trung Quốc trở thành cường quốc bóng đá cũng vướng bê bối.
Hồi tháng 2, người đứng đầu liên đoàn bóng đá Trung Quốc đã bị bắt giữ với cáo buộc tham nhũng. Cuối tháng 3, các nhà điều tra chống tham nhũng đã bắt giữ hai quan chức cấp cao khác của liên đoàn.
Không ngăn nổi bước chân
Bất chấp những thất bại như vậy, các nhà lãnh đạo Trung Quốc có vẻ vẫn tin rằng khả năng huy động nhân tài và nguồn lực để giải quyết những thách thức cụ thể là tài sản lớn nhất của đất nước, và là một lợi thế rõ ràng so với phương Tây.
Trong báo cáo trước đại hội đảng vào tháng 10 năm ngoái, ông Tập tuyên bố Bắc Kinh sẽ thiết lập một hệ thống khác để tập trung các nguồn lực quốc gia nhằm đối phó với sự kìm kẹp công nghệ của phương Tây.
Theo Bloomberg, công bằng mà nói, chiến lược huy động nguồn lực quốc gia đó đã có hiệu quả trong một số trường hợp nổi tiếng khác, chứ không chỉ việc xây dựng đường sắt cao tốc.
Chiến lược trên từng giúp một Trung Quốc nghèo nàn về kinh tế và lạc hậu về công nghệ chế tạo được bom nguyên tử vào năm 1964 và phóng vệ tinh vào không gian vào năm 1970.
Song, trong tất cả các trường hợp đó, chính phủ đã đề ra mục tiêu cố định và các công nghệ liên quan đều đã được biết đến cũng như không có nhiều thay đổi.
Khả năng tập hợp các nguồn lực và chỉ đạo một cách nhanh chóng của Trung Quốc cũng đóng vai trò quan trọng, Bloomberg đánh giá. Năng lực này cũng giúp chính quyền trung ương loại bỏ bất kỳ nhóm lợi ích nào có thể cản trở các dự án.
Tuy vậy, các điều kiện trên không thể mang đi áp dụng cho những nhiệm vụ khác, bao gồm việc phát triển chất bán dẫn và xây dựng đội bóng đẳng cấp thế giới. Trong những trường hợp này, chính phủ không có mục tiêu cố định.
Công nghệ bán dẫn và kỹ năng của các cầu thủ đều sẽ không ngừng cải thiện. Hơn nữa, công nghệ chip và tài năng bóng đá là thứ nhiều nước cùng có, không quốc gia nào độc quyền.
Trên thực tế, cách chỉ đạo từ trên xuống của Trung Quốc có thể sẽ gây bất lợi, bởi tài năng thường phát triển trong môi trường phi tập trung và năng động, Bloomberg diễn giải.
Một nhóm nhỏ các doanh nghiệp được chính phủ ưu tiên có thể sẽ không gặt hái được thành quả nào vì các quan chức thường thúc đẩy các tay chơi có tiếng, không thích rủi ro và ít quan tâm đến việc hợp tác với những nhân tố mới bên ngoài, vốn bị họ coi là đối thủ tiềm năng.
Ngoài ra, như trong các vụ bê bối gần đây, nguồn vốn hào phóng của chính phủ Trung Quốc cũng dễ bị các quan chức bòn rút, Bloomberg liệt kê thêm.
Song, dẫu cho gặp nhiều thất bại, Trung Quốc vẫn tăng cường chi tiêu để theo đuổi các mục tiêu lớn. Bắc Kinh hiện đang có một khoản ngân sách mới trị giá 143 tỷ USD để đầu tư cho các nhà sản xuất chip.
Liên đoàn bóng đá nhiều tai tiếng cũng đang triển khai một chương trình đào tạo trị giá hàng triệu USD ở hơn chục thành phố lớn.