Trung Quốc không gặp khủng hoảng ngân hàng như phương Tây nhưng cũng có rắc rối khó gỡ
Khó khăn của doanh nghiệp
Bất chấp những tuyên bố mạnh mẽ về quyết tâm phục hồi kinh tế hậu đại dịch và những thay đổi sâu rộng trong cấp lãnh đạo cao nhất ở Bắc Kinh, rắc rối lớn nhất của Trung Quốc vẫn là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME).
Để đảm bảo đất nước đạt được mục tiêu tăng trưởng 5% trong năm nay, SME sẽ phải đóng vai trò to lớn. Hiện tại, các doanh nghiệp SME đang chiếm một phần lớn trong lĩnh vực công nghiệp, sản xuất và xuất khẩu, đồng thời đóng góp khoảng 60% GDP.
Bắc Kinh đã bắt đầu thảo luận chính sách để giúp đỡ các doanh nghiệp SME vào tháng 1 năm nay. Chủ tịch Tập Cận Bình thúc giục họ đẩy mạnh sản xuất hàng hóa, hứa hẹn rằng chính phủ sẽ ra tay trợ giúp.
Song, các doanh nghiệp SME vẫn chưa thoát khỏi tình trạng ảm đạm. Tính đến tháng 2, thước đo hoạt động hiện tại của doanh nghiệp SME vẫn ở gần mức thấp nhất trong hàng chục năm. Thước đo này được xây dựng dựa trên nhiều yếu tố như sản lượng, đơn hàng mới, đầu tư, hàng tồn kho và khả năng sinh lời.
Trước đại dịch, doanh nghiệp SME – chủ yếu là các nhà sản xuất trong các ngành mang tính chu kỳ - vốn đã ở trong trạng thái yếu ớt. COVID-19 khiến cho sức khỏe của nhóm doanh nghiệp này càng tệ đi. Một trong những vấn đề rắc rối nhất là hoàn trả nợ vay.
Để giữ cho dây chuyền sản xuất tiếp tục hoạt động theo ý muốn của chính phủ, các ngân hàng đang cấp tiền vay cho doanh nghiệp với tốc độ nhanh nhất trong một năm rưỡi, vượt quá những khoản vay cấp cho hộ gia đình.
Tài sản của các nhà băng nhỏ cấp khu vực đang tăng trưởng với tốc độ nhanh gần bằng tại các ngân hàng nhà nước, vốn thường phục vụ doanh nghiệp lớn.
Các doanh nghiệp nhỏ ốm yếu nhất rất khát vốn nhưng lại không đủ điều kiện được cấp tín dụng. Một lần nữa, họ quay sang góc khuất của hệ thống tài chính: các ngân hàng bóng tối.
Các khoản vay rủi ro đang tăng lên. Bên cho vay là các công ty ủy thác, kiếm lời bằng cách biến những khoản vay này thành sản phẩm quản lý tài sản. Tương tự, các khoản vay ủy thác – tức hợp đồng cho vay được ký kết giữa doanh nghiệp thông qua bên trung gian là ngân hàng – cũng đi lên.
Dẫu quy mô của những hoạt động trên chưa bằng với đỉnh điểm trong năm 2017, sự trở lại của các ngân hàng bóng tối vẫn là rủi ro đáng ngại với hệ thống tài chính.
Điểm yếu của ngân hàng
Trong khi đó, tình cảnh của các ngân hàng thương mại thành phố và ngân hàng nông nghiệp cũng không khá khẩm gì hơn giới doanh nghiệp SME.
Theo tờ Bloomberg, các ngân hàng nhỏ thường bị coi là kho chứa tài sản xấu. Bộ đệm vốn của ngân hàng nhỏ cũng yếu, hạn chế khả năng đối phó với rủi ro khi những khoản vay gặp rắc rối. Biên lợi nhuận ròng (NIM) thì thấp và đang trên đà giảm.
Trong nhiều trường hợp, cách quản trị của những ngân hàng này chịu nhiều sự chi phối của chính quyền địa phương và rủi ro tín dụng không phải ưu tiên hàng đầu. Trung Quốc chưa có biện pháp nào để cải tổ những ngân hàng nhỏ theo cách có hệ thống và loại bỏ tận gốc vấn đề.
Trong tháng 2, Bắc Kinh đã đề xuất các biện pháp phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế để giúp ngân hàng phân loại tài sản theo loại rủi ro và quy mô doanh nghiệp.
Trọng tâm của những quy định trên là xác định năng lực hoàn trả nghĩa vụ nợ tổng thể của người vay, chứ không chỉ là một khoản vay đơn lẻ. Đây là dấu hiệu cho thấy các cơ quan quản lý lo ngại về sức khỏe tài chính của doanh nghiệp, chứ không chỉ là bảng cân đối của các ngân hàng.
Tuy nhiên, khủng hoảng của ngành ngân hàng toàn cầu trong những ngày qua cho thấy chỉ biết về rủi ro thôi là chưa đủ. Dưới hệ thống lãnh đạo cấp cao mới của Trung Quốc, nếu các ngân hàng bị buộc phải thực sự giải quyết các khoản vay có vấn đề thì họ cũng khó lòng mà hấp thụ chúng.
Khi nhìn vào hệ thống ngân hàng toàn cầu đang chao đảo, Bắc Kinh sẽ không muốn thực hiện bất kỳ động thái nào có thể làm tổn hại lòng tin của người gửi tiền. Các biện pháp dự thảo trên phải đến năm sau mới có thể được áp dụng.
Trong năm 2023, Bắc Kinh muốn có nhiều SME hơn nữa. Chính phủ kỳ vọng sẽ tạo ra được 150.000 doanh nghiệp nhỏ “đổi mới” và hơn 10.000 “gã khổng lồ tí hon” vào cuối năm nay.
Tuy nhiên, vòng lặp tai hại trên sẽ khiến doanh nghiệp mới khó có thể cất cánh còn doanh nghiệp cũ khó lòng sống sót. Nếu không có những thay đổi bước ngoặt, số phận của các ngân hàng và SME sẽ không sớm thay đổi.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/