|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Ông Tập đặt cược tương lai Trung Quốc vào 'những gã khổng lồ tí hon'

09:00 | 24/01/2022
Chia sẻ
Tại Trung Quốc ngày nay, những đại gia khổng lồ như Alibaba và Tencent không còn được lòng giới lãnh đạo, nhưng những "gã khổng lồ tí hon" thì được đãi ngộ đặc biệt.
Ông Tập đặt cược tương lai Trung Quốc vào 'những gã khổng lồ tí hon' - Ảnh 1.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: Shutterstock).

Thế hệ startup mới đang được chọn lựa dưới một chương trình tham vọng của chính phủ nhằm nuôi dưỡng ngành công nghệ đủ sức cạnh tranh với Thung lũng Silicon. Những công ty này đã chứng tỏ sản phẩm của họ sáng tạo và độc đáo, nhắm vào những ngành quan trọng về tầm chiến lược như robot, máy tính lượng tử và chất bán dẫn.

Ông Wu Ganshan giành danh hiệu gã khổng lồ tí hon cho startup xe tự lái sau khi chính phủ xem xét công nghệ do công ty Uisee của ông phát triển. Nhờ vậy công ty đã nhận được nhiều nhiều lợi ích tài chính và tiếng tăm. Năm ngoái, Uisee huy động hơn 1 tỷ nhân dân tệ (157 triệu USD), bao gồm tiền từ quỹ đầu tư nhà nước. Uisee cũng trở thành "kỳ lân" với định giá ít nhất 1 tỷ USD.

Theo Bloomberg, cái mác khổng lồ tí hon đã trở thành thước đo cho sự công nhận của chính phủ, báo hiệu tới nhà đầu tư và nhân viên rằng những công ty này miễn nhiễm với sự trừng phạt của các nhà quản lý. Đích thân Chủ tịch Tập Cận Bình đã lên tiếng ủng hộ chương trình này.

Ông Lee Kai-Fu, Giám đốc sáng lập công ty đầu tư mạo hiểm Sinovation cho biết: "Danh hiệu khổng lồ tí hon giúp ích cho startup về nhiều mặt: Đó là tiền trợ cấp, sự hỗ trợ, niềm vinh dự. Đó là dấu hiệu của sự chấp thuận".

Chương trình startup khổng lồ tí hon là trọng tâm trong chiến lược tái định vị ngành công nghệ của Trung Quốc. Trong hai thập kỷ, Trung Quốc chủ yếu học theo mô hình Thung lũng Silicon của Mỹ, cho phép doanh nhân theo đuổi tham vọng với rất ít sự quản lý từ chính phủ. Nhờ vậy hàng loạt thành công khổng lồ đã được sinh ra, từ người tiên phong thương mại điện tử Alibaba cho đến đế chế mạng xã hội Tencent.

Nhưng năm ngoái, Bắc Kinh đã làm rõ rằng ngành công nghệ phải tổ chức lại để phù hợp với ưu tiên của chính phủ. Alibaba và Tencent bị buộc phải loại bỏ các hành vi chống cạnh tranh, các công ty game phải giới hạn giờ chơi của trẻ vị thành niên. Nói rộng hơn, chính phủ đã báo hiệu rằng các dịch vụ Internet mềm đã không còn được biệt đãi.

Thay vào đó, Bắc Kinh nhắm tới việc chuyển nguồn lực cho những công nghệ chiến lược quan trọng như chip và phần mềm doanh nghiệp. Kể từ năm 2019, Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc đã trao 4.762 danh hiệu gã khổng lồ tí hon, nhiều công ty trong số đó thuộc ngành chất bán dẫn, máy móc và dược phẩm.

Danh hiệu này thường đi kèm với các ưu đãi đáng kể từ chính quyền trung ương hoặc cấp tỉnh, bao gồm cắt giảm thuế, tiền vay hào phóng và chính sách thu hút nhân tài thuận lợi.

Ông Tập đặt cược tương lai Trung Quốc vào 'những gã khổng lồ tí hon' - Ảnh 2.

Các chính phủ từ Mỹ đến châu Phi đều thành lập chương trình để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, nhưng nỗ lực của Trung Quốc có quy mô, nguồn lực và tham vọng lớn hơn hẳn. Ông Tập đã thiết lập các chương trình sẽ phân bổ tổng cộng hàng nghìn tỷ USD để theo đuổi sức mạnh kinh tế, ổn định xã hội và độc lập công nghệ.

Chiến tranh thương mại với Mỹ đã củng cố quyết tâm của giới lãnh đạo Bắc Kinh trong việc xây dựng ngành công nghệ độc lập. Điểm yếu của Trung Quốc lộ rõ khi chính quyền Tổng thống Donald Trump đưa các quán quân công nghệ nước này như Huawei và SMIC vào danh sách đen, ngăn cản chúng mua phần mềm và chip từ Mỹ, gây tê liệt hoạt động.

Khái niệm gã khổng lồ tí hon xuất hiện ít nhất là từ năm 2005. Nhưng phải đến khi thương chiến bùng nổ năm 2018 thì Bắc Kinh mới nghiêm túc thúc đẩy chương trình. Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc công bố kế hoạch tạo ra 600 gã khổng lồ tí hon để phát triển công nghệ cốt lõi.

Kế hoạch đầy rủi ro

Kể từ đó, Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc đã mở rộng chương trình ra hàng nghìn doanh nghiệp, với khoảng 1.000 "gã khổng lồ tí hon được ưu tiên" ở đầu hệ thống thứ bậc. Thành viên của câu lạc bộ danh giá này nhận tài trợ trực tiếp từ chính phủ.

Tháng 1, Bộ Tài chính Trung Quốc dành riêng ít nhất 10 tỷ nhân dân tệ với mục tiêu tạo ra 10.000 gã khổng lồ tí hon từ nay đến 2025.

Kế hoạch của Bắc Kinh có không ít rủi ro. Thành công của ngành công nghệ Trung Quốc trong thập kỷ qua đến từ việc cho phép các doanh nhân như Jack Ma sự tự do để xây dựng công ty. Giáo sư Barry Naughton của Đại học California nhận xét việc đảo lộn mô hình để tập trung vào ưu tiên của chính phủ có nguy cơ dẫn đến lãng phí và thất bại.

"Những công ty nhỏ này được nuôi dưỡng vì chúng có thể trở thành nhà cung cấp thay thế cho Mỹ. Làm sao để bạn nuôi dưỡng chúng? Bạn ném tiền vào chúng", ông nói.

Các gã khổng lồ tí hon trở thành mục tiêu ưa thích cho giới đầu tư mạo hiểm. Ông Zhang Hui, đồng sáng lập Guizhou Changtong Electric, được trao danh hiệu gã khổng lồ tí hon vào năm ngoái. Startup của ông nhanh chóng nhận được hơn 100 triệu nhân dân tệ từ các quỹ do nhà nước hậu thuẫn và những nhà đầu tư khác ồ ạt xin gặp mặt để đề nghị rót thêm vốn.

Ông Hui tự tin: "Dĩ nhiên là các nhà đầu tư mạo hiểm sẽ theo đuổi những gã khổng lồ tí hon. Tôi sẽ ngạc nhiên nếu họ không làm vậy".

Ông Tập đặt cược tương lai Trung Quốc vào 'những gã khổng lồ tí hon' - Ảnh 3.

Đầu tư mạo hiểm ở Trung Quốc lập kỷ lục trong năm ngoái bất chấp sự siết chặt quản lý từ chính phủ. Giá trị các thương vụ tăng 50% lên 130,6 tỷ USD, theo hãng nghiên cứu Preqin.

Chính phủ Trung Quốc cũng đang giúp các startup này dễ lên sàn hơn, tạo thêm động lực khác cho các doanh nhân và nhà đầu tư mạo hiểm. Trung Quốc mở sàn giao dịch chứng khoán chuyên biệt tại Bắc Kinh năm ngoái để giúp doanh nghiệp nhỏ huy động vốn.

Bà Guan Yaxin là Giám đốc điều hành ForwardX Robotics, một trong những startup được nhận danh hiệu khổng lồ tí hon từ chính phủ. Bà coi sự hỗ trợ của chính phủ là lợi ích lớn cho những gã khổng lồ tí hon cố gắng tăng trưởng.

"Nhiều trong số những startup này chỉ quy mô rất nhỏ khi so với những công ty đa quốc gia. Nhưng chính phủ nhận thấy tiềm năng trong tương lai cũng có thể trở thành những người khổng lồ thực thụ".


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Giang

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.