|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Trung Quốc gặp rủi ro gì khi dùng lại chiến lược cũ để kích thích tăng trưởng?

16:38 | 24/02/2023
Chia sẻ
Việc chính phủ phê chuẩn các dự án cơ sở hạ tầng được tài trợ bằng vốn vay, thay vì dồn lực cho lĩnh vực công nghiệp, có thể sẽ khiến Trung Quốc phải trả giá đắt trong tương lai.

Công nhân tại một nhà máy công nghiệp ở Trung Quốc. (Ảnh: China Daily). 

Thay đổi chóng mặt

Năm ngoái, nhiều tổ chức dự báo chuyên nghiệp từng liên tục đưa ra nhận định là nền kinh tế Trung Quốc sẽ yếu đi đáng kể sau đại dịch. Giới phân tích cược rằng tăng trưởng của Trung Quốc sẽ đi xuống trong dài hạn và khó có thể gượng dậy.

Nhưng sau khi các biện pháp chống dịch hà khắc được dỡ bỏ, các dự báo tăng trưởng đã được nâng lên đáng kể trong bối cảnh hoạt động công nghiệp hồi phục. Làm thế nào mà Trung Quốc có thể chuyển mình nhanh đến vậy?

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã nâng dự báo tăng trưởng của Trung Quốc trong năm 2023 lên 5,2%. Goldman Sachs cũng thực hiện điều chỉnh tương tự, nhưng cho rằng tốc độ tăng GDP của Trung Quốc trong năm nay sẽ đạt 6,5%.

Đây là sự thay đổi nhanh chóng so với các dự báo ảm đạm và tăm tối chỉ vài tháng trước đó, khi Trung Quốc báo cáo tốc độ tăng trưởng chậm nhất trong hàng chục năm.

Theo tờ Bloomberg, những thay đổi trong hoạt động công nghiệp của Trung Quốc – từ các công ty xây dựng cho đến các nhà sản xuất thiết bị hạng nặng – cho thấy Bắc Kinh đang vận lại chiến lược cũ.

Các dự án công nghiệp và cơ sở hạ tầng – từ sản xuất ethylene cho đến các tuyến vận chuyển đường sắt – đang được khẩn trương tiến hành.

Số dự án nhà nước trong giai đoạn thiết kế đã tăng lên đáng kể trong nửa cuối năm 2022. Thâm Quyến khởi động 266 dự án sản xuất vào tháng 1, còn Trùng Khánh có kế hoạch cho hơn 1.100 công trình lớn.

 

Nhiều khả năng các công ty xây dựng và kỹ thuật sẽ hưởng lợi lớn từ sự bùng nổ này. Nguồn lao động đã trở nên dồi dào hơn nhờ việc chấm dứt chính sách Zero COVID và doanh nghiệp có thể bắt tay vào các đơn hàng tồn đọng trị giá khoảng 71.600 tỷ nhân dân tệ (khoảng 10.400 tỷ USD), theo ước tính của S&P Global Ratings.

Hoạt động xây dựng cũng giúp hâm nóng kỳ vọng dành cho cho các nhà sản xuất máy đào, xe bơm bê tông và máy trộn.

Tín dụng là thành phần chủ chốt tạo ra cơn sốt xây dựng trên. Khoảng 4.900 tỷ nhân dân tệ các khoản vay mới đã được gia hạn trong tháng 1. Trong số đó, 3.500 tỷ nhân dân tệ nợ vay dài hạn là để dành cho các dự án cơ sở hạ tầng của các doanh nghiệp được nhà nước hậu thuẫn.

Tăng trưởng cho vay ngân hàng tăng lên mức cao nhất trong 10 tháng. Tổng tài trợ vốn mới trong toàn xã hội đã đạt gần 6.000 tỷ nhân dân tệ - con số cao thứ hai trong lịch sử.

 

Hậu quả tiềm tàng 

Trong quá khứ, Trung Quốc đã trải qua nhiều chu kỳ tăng trưởng phụ thuộc vào cơ sở hạ tầng và đòn bẩy. Mỗi chu kỳ như vậy khiến nền kinh tế chịu thêm gánh nặng nợ nần và bảng cân đối của doanh nghiệp yếu đi.

Trung Quốc có đủ khả năng để hoàn thành hàng nghìn dự án theo kế hoạch – xây một nhà máy 400.000 m2 chỉ trong vòng 10 tháng với hơn 300 công nhân. Câu hỏi quan trọng là Bắc Kinh sẽ làm gì với chúng và lợi nhuận từ những khoản đầu tư khổng lồ đó sẽ là bao nhiêu. 

Trong những năm gần đây, Bắc Kinh đã nhấn mạnh rằng cả nước cần gia tăng chất lượng tăng trưởng kinh tế, tăng cường đầu tư và chi tiêu cho công nghệ công nghiệp. Chính phủ dồn tiền cho xe điện, trạm phát sóng 5G, tấm pin mặt trời, tua-bin gió và thiết bị tự động hóa nhà máy, từ bỏ sự phụ thuộc nặng nề vào các lĩnh vực kinh tế cũ như than và công nghiệp nặng.

Trung Quốc đạt được nhiều tiến bộ về pin, xe điện và thậm chí có thể xuất khẩu các sản phẩm này. Năm ngoái, sản xuất công nghệ cao đã tăng trưởng hơn 22%. Do đó, việc Trung Quốc quay lại con đường cũ là kích thích cơ sở hạ tầng bằng nợ vay có nguy cơ sẽ làm sao lãng nguồn vốn và chính sách của chính phủ khỏi mục tiêu tăng trưởng chất lượng cao trong các khu vực chiến lược.

Đầu tháng này, các nhà chức trách Trung Quốc ra thông báo kêu gọi doanh nghiệp nhà nước tập trung vào các dự án lớn của quốc gia, cơ sở hạ tầng và củng cố chuỗi công nghiệp. Những nơi khác cũng đang nỗ lực “hồi sinh” nền kinh tế truyền thống để thúc đẩy hoạt động và việc làm hậu COVID-19.

Một trong những vấn đề lớn là tín dụng không còn hữu hiệu với tăng trưởng như trước nữa, tức là hiệu quả của mỗi một nhân dân tệ tiền vay kém xa so với trước đây. Trong khi đó, nhu cầu quốc tế dành cho hàng hóa Trung Quốc lại đang suy yếu.

Các đối thủ toàn cầu đang rót tiền vào đổi mới công nghệ công nghiệp để chuẩn bị cho nền kinh tế trong kỷ nguyên mới, càng gây áp lực buộc Bắc Kinh tiến lên trong chuỗi giá trị. Chỉ giữ cho nền kinh tế mở rộng thôi là không đủ, Trung Quốc cần tập trung vào chất lượng và hiệu quả tăng trưởng.

 

Nếu tiếp tục sa vào cách tiếp cận “xây đã rồi thành quả sẽ đến”, Trung Quốc có nguy cơ đánh mất những thành quả công nghiệp đạt được gần đây.

Tâm lý phấn khích có thể thúc đẩy doanh nghiệp chi tiêu quá mức dù triển vọng lợi nhuận tương lai khá hạn chế. Chiến dịch thúc đẩy cơ sở hạ tầng cũng sẽ làm đảo lộn các biện pháp giảm đòn bẩy mà doanh nghiệp đã thực hiện trong 5 năm qua.

Hơn nữa, Bắc Kinh không còn có sẵn vốn như trong quá khứ. Doanh thu tài khóa năm ngoái của chính phủ không đạt chỉ tiêu đề ra bởi COVID-19 và khủng hoảng bất động sản. Chi tiêu cho y tế, việc làm và an sinh xã hội cũng lấy mất nguồn lực. Số tiền còn lại từ năm ngoái có thể sẽ sớm cạn kiệt. 

Các lĩnh vực công nghiệp của Trung Quốc có vẻ sắp bước vào chu kỳ tăng trưởng thường kéo dài từ 36 đến 40 tháng. Nếu Bắc Kinh quyết định ưu tiên cho chiến lược kích thích kiểu cũ, thay vì tập trung cho sản xuất công nghệ cao, thì có lẽ các dự báo bi quan trước đây của IMF và Goldman Sachs sẽ thành sự thực.

Giang