|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Nhà máy vắng lao động giá rẻ, lợi thế sản xuất của Trung Quốc lung lay

15:56 | 19/02/2023
Chia sẻ
Còn ám ảnh với các đợt phong toả và bất ổn hồi năm ngoái, lao động nhập cư tại Trung Quốc đang ngần ngại quay trở lại các trung tâm sản xuất lớn làm việc. Lợi thế là nhà sản xuất hàng hoá giá rẻ của Trung Quốc có thể sẽ bị lung lay.

Trung Quốc tin rằng nền kinh tế nước nhà sẽ sớm trở lại đúng quỹ đạo sau ba năm miệt mài theo đuổi chính sách chống dịch hà khắc.

Tuy nhiên, cái bóng của Zero COVID vẫn đang che mờ các trung tâm sản xuất của Trung Quốc, gây nghi ngờ về triển vọng phục hồi của nền kinh tế tỷ dân.

Thực trạng tại “chợ thời trang" Quảng Châu

Tại thành phố Quảng Châu, nơi có các chợ buôn bán hàng may mặc lớn nhất đất nước, các chủ nhà máy và doanh nghiệp tuyển dụng cho biết công nhân không muốn quay lại làm việc.

Nhiều người vẫn còn sợ hãi các đợt phong toả kéo dài, làm việc không lương và ám ảnh bởi nhiều vấn đề khác trong thời gian Trung Quốc cố gắng dập tắt làn sóng COVID-19 hồi năm ngoái.

Một số chủ doanh nghiệp giơ biển tuyển dụng chào mời người lao động, trong khi những người khác chạy theo ứng viên tiềm năng, xin vài phút để trao đổi về điều kiện làm việc và phúc lợi, Bloomberg cho hay.

Công nhân tại một xưởng may tại Quảng Châu. (Ảnh: Bloomberg).

Tang Ning, một nhân viên tuyển dụng ở quận Haizhu, địa phương từng bị phong toả một tháng vào cuối năm ngoái, cho biết cô không tuyển được người nào trong tuần này.

Trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, xưởng may mà Tang đã làm việc hơn 10 năm qua có hơn 30 nhân viên. Sau Tết, chỉ khoảng 10 người trở lại. Cô nói, việc họ ngần ngại quay lại làm là điều dễ hiểu.

“Thử tưởng tượng bạn đang xa nhà, ở một thành phố lớn làm lụng mà lương cả đời cũng không đủ để mua nhà. Bạn phải sống trong một căn trọ cũ nát, chung nhà vệ sinh với nhiều người khác và làm việc 12 tiếng một ngày. Mục đích duy nhất là kiếm và tiết kiệm thật nhiều tiền”, Tang cho hay.

“Nhưng rồi, thành phố phải phong toả. Bạn không biết mình sẽ phải làm việc không công trong bao lâu”, cô chia sẻ trong cuộc phỏng vấn cùng Bloomberg hồi đầu tháng 2 năm nay.

Những hệ luỵ lâu dài

Việc người lao động nhập cư ngần ngại quay trở lại các trung tâm công nghiệp lớn đang làm trầm trọng thêm những vấn đề mang tính cơ cấu và dài hạn của thị trường lao động Trung Quốc.

Trước đại dịch, lực lượng lao động của Trung Quốc đã thu hẹp đáng kể do dân số già và ngày càng nhiều người trẻ không muốn làm việc trong những ngành nghề vất vả, lương bèo bọt.

Ông Bruce Pang, kinh tế trưởng của Jones Lang LaSalle tại Trung Quốc, đánh giá: “Ngày càng nhiều lao động nhập cư quyết tâm ở lại quê nhà sau khi trải qua nhiều bất ổn trong giai đoạn phong toả chống COVID”.

“Cơ sở hạ tầng được cải thiện và các chính sách hỗ trợ của chính quyền tại khu vực nông thôn đã khuyến khích nhiều lao động tìm việc ngay tại quê nhà”, vị kinh tế trưởng nói thêm.

Chủ doanh nghiệp và nhà tuyển dụng đổ ra phố tìm công nhân. (Ảnh: Bloomberg).

Theo một cuộc khảo sát được thực hiện bởi website tuyển dụng Zhaopin, gần 40% người lao động về quê ăn Tết mong muốn tìm việc gần nhà. Trong đó, khoảng 15% đã bắt tay vào tìm việc.

Theo Bloomberg, Trung Quốc từng có khoảng 296 triệu lao động nhập cư, giúp sản xuất hơn 30% sản lượng hàng hoá của thế giới và giữ cho nền kinh tế xuất khẩu của Trung Quốc hoạt động trơn tru.

Hiện giờ, không có dữ liệu chính thức nào về số lượng lao động nhập cư từ chối quay trở lại nhà máy sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

Song, các cuộc phỏng vấn của Bloomberg với nhân viên và quản lý nhà máy đã chỉ ra những thách thức mà một số ngành nghề đang gặp phải. Nhiều công ty đã buộc phải tăng lương để níu kéo người lao động.

Cùng với việc tăng lương, một số trung tâm sản xuất đang trải thảm đỏ chào mời công nhân. Hồi cuối tháng 1, thành phố Phật Sơn ở Quảng Đông đã cử đoàn công tác đến tỉnh Quý Châu để tuyển dụng lao động.

Một số công ty còn thuê máy bay charter và tàu hoả để đưa đón công nhân. Giới chức ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Chiết Giang và Phúc Kiến thậm chí còn triển khai các khoản trợ cấp tiền mặt để doanh nghiệp nối lại sản xuất.

Các mẫu tin tuyển dụng dán kín trên tường. (Ảnh: Bloomberg).

Tuy nhiên, chia sẻ với Bloomberg, nhiều người lao động tại trung tâm dệt may Quảng Châu cho biết mong mỏi chính của họ là sự ổn định, lương thấp hơn cũng chấp nhận.

Một công nhân họ Zhang nói, người lao động hiện giờ không còn muốn đánh đổi thời gian bên gia đình để theo đuổi tiền bạc nữa.  

Anh đang tìm một công việc với mức lương hàng tháng khoảng 7.000 - 8.000 nhân dân tệ (khoảng 1.000 - gần 1.200 USD), thấp hơn mức Zhang từng kiếm được trước kia.

Zhang cho hay, anh muốn công việc bớt nặng nhọc hơn, ông chủ đáng tín cậy hơn và môi trường làm việc ít bất ổn hơn.

Một người phụ nữ 50 tuổi tên Chen cho biết bà sẽ bám trụ Quảng Châu thêm một năm nữa để xem tình hình có cải thiện hay không.

Bà thường kiếm được khoảng 7.000 nhân dân tệ mỗi tháng, 1.000 tệ sẽ chi trả tiền nhà và các khoản khác.

Nhưng công việc đột ngột bị đình trệ vào năm ngoái khi COVID-19 bùng phát và Quảng Châu phải phong toả. Đơn hàng chững lại và lương của bà Chen bị giảm hơn một nửa trong vài tháng liền.

Nếu trở về quê nhà ở tỉnh Hồ Bắc, chi phí sinh hoạt của bà Chen sẽ thấp hơn. Vừa đồng áng vừa làm một công việc bán thời gian khác, chẳng hạn như trong siêu thị, bà Chen có thể tiết kiệm được số tiền ngang ngửa khi ở Quảng Châu.

 

Nhìn xa hơn, việc doanh nghiệp nâng lương để thu hút người lao động có thể làm tổn hại đến lợi thế lâu nay của Trung Quốc: một nhà cung ứng lao động chi phí thấp của thế giới.

Đó là nhận định của ông Joerg Wuttke, Chủ tịch Phòng Thương mại Liên minh châu Âu tại Trung Quốc. Theo vị chủ tịch, các nước như Bangladesh, Việt Nam và Indonesia sẽ được hưởng lợi khi Trung Quốc mất đi lợi thế trên.

“Trong một khoảng thời gian rất ngắn, Trung Quốc sẽ đánh mất mọi cơ hội mà họ từng có được...”, ông Wuttke nói. “Nếu Trung Quốc muốn duy trì lợi thế cạnh tranh, họ phải quan tâm đến lao động nhập cư”.

Mặt khác, việc người lao động nhập cư e ngại quay trở lại các thành phố lớn làm việc còn cho thấy triển vọng kinh tế của Trung Quốc còn vẫn khó đoán, dù Bắc Kinh đang nỗ lực xoá bỏ những hệ luỵ của chính sách Zero COVID.

Niềm tin của người tiêu dùng Trung Quốc hiện vẫn ở gần mức thấp kỷ lục, doanh số bán các mặt hàng lâu bền như ô tô vẫn tiếp tục đi xuống và lĩnh vực bất động sản vẫn là một lực cản lớn.

Trong khi đó, những lĩnh vực như ăn uống và du lịch đã khởi sắc trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, chi tiêu của người dân vẫn nằm dưới mức trước đại dịch, Bloomberg liệt kê.

Khả Nhân

SHS: VN-Index có thể điều chỉnh mạnh từ 15 - 20% trước khi tăng trưởng ổn định trở lại
Theo các nhà phân tích của Chứng khoán SHS, năm 2025 giá cổ phiếu cơ bản tốt đang ở nền giá cao trong khi các nhóm cổ phiếu khác lại kinh doanh suy yếu tạo khó khăn trong việc lựa chọn cơ hội đầu tư có định giá tốt với cổ phiếu cơ bản.