|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Thị trường 1,4 tỷ dân vẫn không đủ, doanh nghiệp Trung Quốc cần mở rộng ra nước ngoài

10:29 | 17/02/2023
Chia sẻ
Bloomberg cho rằng với việc tốc độ tăng trưởng tại Trung Quốc đang chậm lại và dân số suy giảm, các doanh nghiệp nước này cần nhanh chóng mở rộng hoạt động ở nước ngoài.

Tencent là doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất Trung Quốc, đứng thứ 2 là công ty sản xuất rượu Quế Châu Mao Đài.

Theo Bloomberg, vào năm nay, Trung Quốc sẽ mất đi ngôi vị quốc gia đông dân nhất thế giới vào tay Ấn Độ. Sự kiện này có thể thúc đẩy các doanh nghiệp lớn nhất của Trung Quốc mở rộng ra nước ngoài.

Tencent, công ty có vốn hóa lớn nhất trên thị trường chứng khoán và là nhà cung cấp trò chơi, mạng xã hội hàng đầu Trung Quốc, dự kiến sẽ có mức doanh thu giảm 1% trong năm 2023. Gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba, với năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2023, kỳ vọng mức tăng trưởng khoảng 2,7% trong 12 tháng.

Năm 2022 là năm tài chính 2022, kết thúc vào tháng 3/2022.

Những con số trên sẽ là kết quả kinh doanh tồi tệ nhất của cả hai công ty. Tất nhiên, các doanh nghiệp công nghệ phương Tây cũng không mấy khá khẩm hơn. Công ty mẹ của Google là Alphabet đã kết thúc năm 2022 với doanh số giảm 7,2%, trong khi Meta (Facebook) giảm 1%.

Tuy vậy, có một sự khác biệt lớn. Cả Alibaba và Tencent đều phụ thuộc vào thị trường nội địa, và phải đối mặt với sự sụt giảm liên tục trong tăng trưởng do đại dịch COVID tại Trung Quốc.

Trong những năm gần, các doanh nghiệp này đã củng cố doanh thu bằng mua lại và đầu tư. Tuy nhiên, chiến lược này có thể khó được triển khai lại khi Bắc Kinh tìm cách hạn chế sức mạnh của các tập đoàn công nghệ lớn.

Ngược lại, những doanh nghiệp ở Mỹ lại có doanh thu đa dạng hơn về mặt đại lý. Meta ghi nhận 57% doanh số từ bên ngoài Bắc Mỹ. Thị trường quốc tế chiếm khoảng 52% doanh thu của Alphabet.

Trong suốt 20 năm qua, sự tập trung vào thị trường nội địa của các doanh nghiệp Trung Quốc mang lại hiệu quả, và được các nhà đầu tư ca ngợi. Tuy nhiên, sự lạc quan vào thị trường Trung Quốc có thể đang phai nhạt.

Doanh số bán lẻ tại quốc gia tỷ dân này đang bắt đầu chững lại. Mới cách đây 5 năm, doanh số bán lẻ tại Trung Quốc tăng trưởng cao gấp 2,5 lần Mỹ. 

Đại dịch COVID đã gây ra thiệt hại vô cùng lớn tới tiêu dùng tại Trung Quốc: người dân không thể mua sắm, không cần mua ô tô hay đổ xăng. Tuy vậy, xu hướng chững lại trong tiêu dùng tại Trung Quốc đã bắt đầu từ trước năm 2020.

Trên thực tế, tăng trưởng doanh số bán lẻ của Trung Quốc đã giảm xuống dưới Mỹ từ năm 2019. Và khi chúng ta đang bước vào giai đoạn giống như suy thoái toàn cầu, Trung Quốc dường như chịu ảnh hưởng sâu sắc hơn Mỹ.

Tốc độ tăng trưởng bán lẻ tại Trung Quốc đã chậm hơn Mỹ từ trước dịch COVID.

Xu hướng tiết kiệm cũng đang làm trầm trọng hơn vấn đề tiêu dùng của Trung Quốc. Sau COVID, tỷ lệ tiết kiệm của quốc gia này tăng gần gấp đôi, lên 30%. Người dân nước này đã gửi 2.600 tỷ USD vào ngân hàng.

Xu hướng trên trái ngược với yêu cầu của nền kinh tế Trung Quốc, đó là người tiêu dùng chi nhiều hơn, đặc biệt khi quy mô dân số thu hẹp và người dân ngày càng già nua.

Theo Tổng cục Thống kê nước này, hai trong số các lĩnh vực tăng trưởng mạnh nhất tại Trung Quốc trong năm ngoái là dầu mỏ và thuốc men. Nguyên nhân có thể đến từ cuộc xung đột Ukraine và nhu cầu tích trữ thuốc men khi đại dịch COVID bùng phát. Nếu không có hai lĩnh vực này, doanh số bán lẻ của Trung Quốc có thể còn tụt xuống sâu hơn nữa.

Bài học từ TikTok, Shein

Các doanh nghiệp công nghệ và tiêu dùng của Trung Quốc cũng đang học hỏi từ một loạt công ty khởi nghiệp thành công tại Mỹ.

ByteDance, công ty đứng sau nền tảng TikTok và Douyin, là một ví dụ nổi bật. Theo Financial Times, TikTok - phiên bản quốc tế của Douyin, đã nhắm đến mục tiêu doanh thu 10 tỷ USD vào năm ngoái.

Con số này tương đương với những gì mà Alibaba thu được từ thị trường quốc tế vào năm 2022. Sự khác biệt ở đây là ByteDance là một công ty nhỏ hơn nhiều so với Alibaba nhưng lại có tham vọng toàn cầu lớn.

Ngược lại, gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba giảm tỷ trọng của thị trường quốc tế, từ 9,2% doanh thu vào năm 2014 xuống chỉ còn 7,2% trong năm 2022. Tencent đang làm tốt hơn trong việc mở rộng ra nước ngoài, chủ yếu dưới dạng trò chơi điện tử và các nhà sản xuất trò chơi.

Một ví dụ khác là Shein, công ty khởi nghiệp trong ngành thời trang nhanh tại Nam Kinh, nhiều khả năng đã đạt doanh thu 24 tỷ USD vào năm ngoái, theo Wall Street Journal.

Thị trường Mỹ đang ngày càng tiềm năng hơn so với Trung Quốc.

Thành công của Shein đã truyền cảm hứng cho PDD Holdings, công ty mẹ của nền tảng mua hàng Pinduoduo, thử sức với thị trường Mỹ. Công ty này đã ra mắt ứng dụng mua sắm Temu tại Mỹ vào cuối năm ngoái.

Nhằm đạt được đà phát triển nhanh chóng, PDD đã phát một loạt quảng cáo trong giải Super Bowl năm nay, với khẩu hiệu “Hãy mua sắm như một tỷ phú”.

Tốc độ tăng trưởng của PDD vẫn rất mạnh. Công ty này đã hoạt động rất tốt tại Trung Quốc trong thời kỳ đại dịch, khi người tiêu dùng tìm kiếm những món hời. Doanh thu của công ty này đã tăng gần gấp đôi, và dự kiến mức tăng trưởng 38% trong năm ngoái.

Không có gì đảm bảo rằng PDD sẽ thành công trong việc chiếm lĩnh thị trường bán lẻ đầy cạnh tranh như Bắc Mỹ. Tuy nhiên, với việc tốc độ tăng doanh số bán lẻ của Mỹ đang cao hơn nhiều so với Trung Quốc, công ty đã có một lựa chọn khôn ngoan.

Theo Bloomberg, những gì mà các doanh nghiệp Trung Quốc cần làm là tìm cách thâm nhập thị trường nước ngoài, trước khi sự tăng trưởng ở quê nhà hoàn toàn cạn kiệt.

Minh Quang