Khách du lịch '0 đồng' Trung Quốc trở lại, đặt ra nhiều thách thức cho điểm đến
Theo Bloomberg, trước đại địch COVID, bà Zhao Ling đã dành phần lớn thời gian để giúp du khách Trung Quốc tới Thái Lan và các quốc gia Đông Nam Á khác một cách tiết kiệm. Bà đã tổ chức những chuyến du lịch trọn gói rẻ tiền, đưa lượng lớn khách du lịch qua tới những cửa hàng, nhà hàng được liên kết, đồng thời hướng khách hàng tránh xa những doanh nghiệp địa phương.
Các chuyến đi này thường được gọi với cái tên “du lịch 0 đồng” bởi phần lớn số tiền được chi tiêu trước khi du khách rời Trung Quốc, và không hỗ trợ cho nền kinh tế địa phương.
Những người chỉ trích cho rằng du lịch "0 đồng” đang làm quá tải bãi biển, đền thờ và những địa điểm nổi tiếng, từ khu giải trí Patong của Phuket, Thái Lan cho tới quần thể đền Angkor Wat của Campuchia.
Theo dữ liệu của Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc, người dân nước Trung Quốc trong những năm gần đây đã trở thành động lực chính cho ngành du lịch toàn cầu.
Vào năm 2019, du khách nước này đã thực hiện 155 triệu chuyến đi ra ngoài Trung Quốc đại lục. Theo Natixis SA, du khách Trung Quốc chiếm 16% chi tiêu du lịch toàn cầu trong năm 2019, gấp đôi so với 2010.
Tuy nhiên, ngày càng có nhiều lời chỉ trích rằng sự phụ thuộc lớn vào du khách Trung Quốc không xứng đáng với những xáo trộn mà đám đông chi tiêu thấp này đã tạo ra.
Khi Trung Quốc phong tỏa biên giới vào năm 2020, doanh nghiệp du lịch khắp châu Á đã phải đóng cửa, nhiều nhân viên thất nghiệp. Khi Trung Quốc mở cửa trở lại, các quốc gia châu Á vốn dựa vào du lịch đang đối mặt với lựa chọn khó khăn: Sau nhiều năm không có bất cứ du khách Trung Quốc nào, liệu họ có sẵn sàng cản bước những đoàn khách “0 đồng” quay trở lại không?
Ông Paul Pruangkarn, Chánh Văn phòng Hiệp hội Du lịch Châu Á Thái Bình Dương ở Bangkok, cho biết: “Trong khi nhiều người trong ngành muốn du lịch bền vững, có trách nhiệm, thì những người khác lại cho rằng ‘chúng tôi chỉ cần khách du lịch quay trở lại, chúng tôi cần tiền’”.
Myanmar
Vào năm ngoái, tại Myanmar, chỉ có 23.000 người Trung Quốc đến thăm xứ sở chùa tháp, giảm từ 1,4 triệu người vào năm 2019. Chủ tịch Liên đoàn Du lịch Myanmar cho biết khoảng một nửa doanh nghiệp tập trung phục vụ du khách nước ngoài của quốc gia này đã phải đóng cửa.
Ông Sandar Kyaw, CEO của Oriental Rose Travel & Tours, có trụ sở tại Yangon và tập trung chủ yếu vào các tour du lịch trọn gói, cho biết: “Một số người dân địa phương lo ngại sẽ không được hưởng lợi ích từ các tour du lịch Trung Quốc. Nhưng trên thực tế, có còn hơn không”.
Trung Quốc vào ngày 6/2 đã bắt đầu cho phép các tour du lịch tới 20 quốc gia, bao gồm Thái Lan và 6 nước khác ở Đông Nam Á. Các nhà kinh tế Alicia Garcia Herrero và Gary Ng của Natixis đã nhận định: “Hiệu ứng lan tỏa tích cực từ du lịch nước ngoài của Trung Quốc sẽ chỉ là vấn đề thời gian”.
Việt Nam
Vào năm 2019, khoảng 5,8 triệu người Trung Quốc, tương đương 1/3 tổng lượng khách quốc tế, đã tới Việt Nam. Chủ tịch Hiệp hội Du lịch, ông Vũ Thế Bình cho biết Việt Nam nên xóa bỏ các tour du lịch “0 đồng” nhằm chống gian lận kinh doanh.
Ông cho rằng người Trung Quốc không nghèo, và ngành du lịch Việt Nam cần cung cấp cho khách Trung Quốc những dịch vụ tương tự như người Mỹ, Nhật Bản hay Tây Âu để tăng chi tiêu.
Hana Travel, một doanh nghiệp lữ hành chuyên về du lịch Đà Nẵng và Nha Trang, cho biết biết các tour giá rẻ của Trung Quốc từng chiếm gần như toàn bộ hoạt động kinh doanh của công ty.
Chi phí trung bình cho một tour 5 ngày, bao gồm vé máy bay, khách sạn, ăn uống chỉ khoảng 8 triệu đồng (340 USD). Trong khi đó, du khách Trung Quốc chi trung bình 4 triệu đồng tại các cửa hàng được liên kết với công ty lữ hành.
Phó Tổng Giám đốc Hana Travel, ông Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, khách du lịch đi lẻ thường sẽ chi tiêu nhiều hơn 50%, và đó là lý do mà công ty này muốn phát triển dịch vụ cho nhóm khách hàng cao cấp hơn.
Tuy nhiên, việc nói không với khách du lịch “0 đồng” sẽ rất khó khăn, sau khi có tới 30% khách sạn tại Đà Nẵng đóng cửa trong đại dịch. Vì vậy, các công ty du lịch, bao gồm cả Hana Travel, đang chuẩn bị chào đón những du khách này.
Thái Lan
Vấn đề du lịch “0 đồng” cũng đã được tranh luận rộng rãi ở Thái Lan, nơi người Trung Quốc chiếm hơn 1/4 trong số 40 triệu du khách năm 2019, đóng góp 17 tỷ USD vào doanh thu du lịch.
Chính phủ Thái Lan đã đưa các công ty điều hành tour du lịch “0 đồng” ra tòa, cáo buộc họ tính phí quá cao, chuyển tiền vào khách sạn, nhà hàng do người Trung Quốc kiểm soát. Tuy nhiên, 13 bị cáo trong vụ án trên đã được tuyên trắng án.
Giờ đây, Thái Lan đang đặt mục tiêu phục hồi ngành du lịch của mình với kế hoạch 5 năm tập trung vào việc thu hút du khách cao cấp bằng cách quảng bá đất nước như một điểm đến chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp.
Mục tiêu là du lịch đóng góp ít nhất 25% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), cao hơn gấp đôi so với năm 2022, với chi tiêu của du khách tăng 5% mỗi năm.
Tăng phí với du khách Trung Quốc
Các nước châu Âu cũng là những điểm đến phổ biến với du khách Trung Quốc. Do khoảng cách địa lý và chi phí đắt đỏ hơn, khách du lịch Trung Quốc tới châu Âu thường sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn so với những người đi nghỉ ở Đông Nam Á.
Cửa hàng Harrods ở London đang đặt mục tiêu du khách Trung Quốc sẽ chiếm 20% doanh thu vào cuối năm nay, so với 11% trong dịp lễ Giáng sinh vừa qua. Cửa hàng này đang mua thêm hàng từ Gucci và các thương hiệu khác mà người tiêu dùng Trung Quốc thường săn đón.
Giám đốc điều hành Michael Ward cho biết cửa hàng chưa bao giờ lấy “tiền nhanh” của các công ty du lịch. Ông nói: “Chúng tôi không muốn mua khách du lịch. Bạn sẽ không bao giờ thu hút được bất kỳ thương hiệu cao cấp nào tham gia”.
Barcelona, thành phố có 1,6 triệu dân, ước tính đón khoảng 13 triệu du khách vào năm 2019, sẽ tăng thuế du lịch thêm 57% trong năm nay, lên 2,75 EUR mỗi người mỗi đêm. Venice, nơi có tới 20 triệu du khách mỗi năm, có kế hoạch thu phí từ 3 đến 10 EUR đối với khách du lịch trong ngày để được vào thành phố bắt đầu từ năm tới.
Ông Simone Venturini, Ủy viên Hội đồng Thành phố dẫn đầu sáng kiến chuyển ngành du lịch địa phương sang chất lượng hơn số lượng, cho biết: “Mục đích của các biện pháp không phải là kiếm tiền mà là để bảo vệ Venice”.
Thái Lan cũng đang tăng phí. Nội các nước này vào ngày 14/2 đã thông qua kế hoạch thu phí 300 baht (8,9 USD) đối với người nước ngoài bay vào Thái Lan.
Khó lòng ngăn cản du lịch "0 đồng"
Những khoản chi phí trên khó có khả năng ngăn cản các chuyến du lịch “0 đồng”. Ông Wirote Sitapraertnand, Chủ tịch Hiệp hội Hướng dẫn viên Du lịch Chuyên nghiệp Thái Lan, cho biết các doanh nhân Trung Quốc ở Thái Lan có thể vẫn sẽ đẩy mạnh các tour du lịch giá rẻ.
Ông Wirote nói: “Chúng tôi từng nói về việc chất lượng du lịch sẽ được cải thiện như thế nào sau đại dịch, nhưng một kịch bản quen thuộc có thể sẽ tái diễn, bởi vì chúng tôi hầu như không có thu nhập từ du lịch trong ba năm qua. Các nhà chức trách có thể sẽ nhắm mắt làm ngơ”.
Một thách thức có thể làm chậm sự quay lại của ngành du lịch “0 đồng” là việc thiếu các chuyến bay. Theo dữ liệu từ FlightAI, số chuyến bay khởi hành từ Trung Quốc vào tháng 2 và tháng 3 thấp hơn 20% so với trước đại dịch.
Ngành du lịch cũng cần hướng dẫn viên và nhân viên khách sạn, những người đã bị sa thải trong thời đại dịch, quay trở lại.