|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Bloomberg: Chiến lược bán dẫn của Mỹ đang dồn Trung Quốc vào chân tường

20:00 | 10/01/2023
Chia sẻ
Bắc Kinh đang tìm kiếm một chiến lược mới để thoát khỏi những chính sách kiềm chế ngành bán dẫn Trung Quốc của Washington.

Không mua được bằng tiền

Chính phủ Trung Quốc đang chi tiêu mạnh tay để hỗ trợ các nhà sản xuất chip trong nước, ngay tại thời điểm nhu cầu chất bán dẫn suy yếu và gây khó khăn cho các công ty chip trên toàn cầu.

Tuy nhiên, ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với một thách thức mà không đối thủ nào gặp phải: sự đối chọi không dứt từ chính phủ Mỹ.

Bắc Kinh có thể vung tiền để giải quyết bế tắc, nhưng trong lĩnh vực sản xuất bán dẫn tiên tiến, có những thứ mà ngay cả tiền không thể mua được, tờ Bloomberg nhấn mạnh.

Ngành công nghiệp chip của Trung Quốc vốn luôn đi sau Mỹ. Hơn nữa, Bắc Kinh từ lâu đã phải dựa vào công nghệ phương Tây để có chất bán dẫn, thiết bị và chuyên môn sản xuất chip tiên tiến nhất.

Sau nhiều năm căng thẳng gia tăng, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã dành phần lớn thời gian của năm 2022 để tìm cách cắt đứt nguồn cung công nghệ đó của Trung Quốc.

Mục tiêu của Washington là làm chậm bước tiến của Bắc Kinh trong lĩnh vực chip, ứng dụng trí tuệ nhân tạo và công nghệ quân sự.

Cách làm của Mỹ có thể khiến ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc “đóng băng tại chỗ”, bà Reva Goujon, Giám đốc của hãng tư vấn Rhodium Group, cho hay. Bà nói: “Về cơ bản, Mỹ đang xây dựng một chiến thuật mới”.

 

(Ảnh minh hoạ: Getty Images, Reuters).

 

Trước khi Washington công bố các chính sách mới, một số doanh nghiệp Trung Quốc đã bắt đầu thu hẹp khoảng cách với các gã khổng lồ trong ngành.

Chẳng hạn, Yangtze Memory Technologies, một mắt xích quan trọng trong kế hoạch xây dựng ngành bán dẫn quy mô toàn cầu của Trung Quốc, đang đàm phán để cung ứng chip cho Apple.

Nếu thành công, thoả thuận trên sẽ là một sự xác nhận cho sức mạnh ngày càng lớn của Yangtze, theo Bloomberg.

Song, vào tháng 10, Mỹ đã công bố các hạn chế xuất khẩu có thể ngăn cản nhiều công ty Trung Quốc tiếp cận máy móc sản xuất chip. Yangtze là một trong những doanh nghiệp chịu ảnh hưởng.

Sau đó, vào ngày 15/12, Yangtze trở thành một trong 36 công ty được thêm vào danh sách đen thương mại của Mỹ. Bất kỳ ai muốn cung cấp công nghệ bán dẫn của Mỹ cho Trung Quốc phải có giấy phép từ Washington.

Động thái nói trên về cơ bản đã giết chết cơ hội trở thành nhà cung ứng cho Apple của Yangtze.

Cố gắng chống đỡ

Nỗ lực của chính quyền ông Biden đã làm gia tăng áp lực lên chính phủ của Chủ tịch Tập Cận Bình trong việc xây dựng năng lực sản xuất chất bán dẫn của Trung Quốc.

Giáo sư Barry Naughton của Đại học California nhận định: “Trung Quốc thực sự quan ngại về lệnh cấm vận chip của Mỹ. Trong dài hạn, Trung Quốc sẽ cố gắng nuôi dưỡng ngành công nghiệp bán dẫn của riêng mình”.

Ông Tập đã kêu gọi toàn dân giúp sức. Vị chủ tịch đã khuyến khích các doanh nghiệp nhà nước, viện nghiên cứu và startup trong khu vực tư nhân cùng phát triển các công nghệ thay thế.

Hiện tại, Bắc Kinh đang thúc đẩy một nỗ lực nhằm gây dựng cơ sở hạ tầng bán dẫn mới, chương trình có tên RISC-V. Công trình này sẽ giúp thay thế các bản thiết kế chip do công ty bán dẫn Arm của Anh làm ra.

Theo Bloomberg, công nghệ mà Arm đang nắm trong tay hiện được sử dụng trong hầu hết điện thoại thông minh và các loại thiết bị điện tử khác.

Trung Quốc cũng đang rót vốn vào các chipset được gọi là công nghệ chip thế hệ thứ ba, dựa trên việc sử dụng các vật liệu mới như silicon carbide gallium nitride mà nước ngoài chưa thống trị.

Một số giám đốc đang tập trung vào nghiên cứu công nghệ đóng gói chip tiên tiến, hứa hẹn tạo ra những chất bán dẫn mới bằng cách kết hợp các con chip cũ theo cách mới.

Một nhà đầu tư mạo hiểm tại Trung Quốc bình luận: “Mỹ có thể gây khó khăn cho chúng tôi trong 3 hoặc 4 năm. Nhưng Mỹ đang tham bát bỏ mâm, họ sẽ mất thị trường Trung Quốc”.

Cuộc đua đường dài

Trung Quốc đã cố gắng xây dựng ngành bán dẫn tiên tiến trong nhiều năm qua và đã vấp ngã nhiều lần trên đường đi.

Chính phủ đã rót hàng tỷ USD cho lĩnh vực này. Nhiều khoản đầu tư đã dẫn đến những cuộc điều tra tham nhũng đối với các quan chức và giám đốc có ảnh hưởng trong ngành.

Trong đó, các vụ điều tra liên quan đến ông Ding Wenwu, cựu Chủ tịch Quỹ Đầu tư Công nghiệp Vi mạch Tích hợp Quốc gia (Big Fund) và ông Zhao Weiguo, cựu Chủ tịch gã khổng lồ ngành chip trong nước Tsinghua Unigroup là ồn ào nhất.

Các cuộc điều tra chống tham nhũng đó sẽ kéo dài sang năm 2023. Chính quyền ông Tập đang nghiên cứu hỗ trợ ngành bán dẫn nhưng với ít trợ cấp hơn, một phần vì dịch bệnh đã gây thiệt hại nặng nề cho tình hình tài chính của chính phủ.

Suy cho cùng, cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc trên địa hạt bán dẫn sẽ là một cuộc chơi đọ sức bền.

Mỹ sẽ phải giữ vững lập trường cứng rắn trong thời gian dài, đồng thời phải thuyết phục Nhật Bản, Hà Lan và các đồng minh quan trọng khác đồng hành cùng mình, Bloomberg nhấn mạnh.

Trong khi đó, Trung Quốc nhìn chung vẫn đang cho thấy khả năng bám sát kế hoạch dài hạn rất tốt, ngay cả khi họ vấp phải nhiều khó khăn. Theo Bloomberg, ông Tập tin rằng Trung Quốc có đủ kiên nhẫn để đi đường dài.

 

Khả Nhân

Dragon Capital: Tiến trình nâng hạng, triển khai KRX sẽ thu hút thêm sự quan tâm của NĐT chứng khoán
Theo Dragon Capital, dù các yếu tố bên ngoài vẫn tiềm ẩn rủi ro nhưng các động lực tăng trưởng nội tại của Việt Nam và nỗ lực hiện đại hóa của Chính phủ lại cho thấy triển vọng thị trường chứng khoán tích cực.