|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Sau biến cố của các ngân hàng phương Tây, sự chú ý đổ dồn sang các nhà băng khu vực của Trung Quốc

14:00 | 30/03/2023
Chia sẻ
Các ngân hàng khu vực của Trung Quốc đang gánh nhiều nợ xấu và sức khoẻ đã đi xuống sau thời gian chống chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc ước tính nước này có 300 ngân hàng đang gặp rủi ro. (Ảnh: Reuters). 

Bắc Kinh chuẩn bị sẵn sàng?

Giống như Mỹ, Trung Quốc cũng đang gặp vấn đề với các ngân hàng khu vực. Các nhà chức trách đã nỗ lực suốt những năm qua để kiểm soát rủi ro. Tuy nhiên, nỗi lo đang xuất hiện trở lại sau khi Silicon Valley Bank (SVB) của Mỹ sụp đổ và một vài ngân hàng lựa chọn không mua lại trái phiếu mà họ đã phát hành.

Các nhà đầu tư thấy lo ngại bởi trước đại dịch, Bắc Kinh đã có lúc từ chối giải cứu các ngân hàng. Năm 2020, Baoshang Bank trở thành ngân hàng Trung Quốc đầu tiên phá sản trong gần hai thập kỷ. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng hiện giờ Trung Quốc sẽ ưu tiên cho sự ổn định hơn là chống lại rủi ro đạo đức bởi chính phủ muốn khôi phục tăng trưởng.

Bà Grace Wu, người đứng đầu bộ phận xếp hạng ngân hàng Trung Quốc tại Fitch Ratings, cho biết: “Điểm khác biệt lớn giữa hệ thống ngân hàng của Trung Quốc và Mỹ hoặc châu Âu là mức độ hỗ trợ của chính phủ. Chắc chắn chúng ta có nhiều bằng chứng và ví dụ về sự can thiệp của các quan chức đại lục hơn là tại những nơi khác trên thế giới”. 

 

Gần đây Trung Quốc cũng đã thực hiện các thay đổi lớn đối với việc giám sát hệ thống tài chính, đặt ngành này dưới sự kiểm soát trực tiếp và chặt chẽ hơn nữa của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Dấu hiệu khác cho thấy Bắc Kinh đang chuẩn bị cho các vụ giải cứu là việc thành lập Quỹ Bình ổn Tài chính trong năm 2022. Quỹ này đã huy động được 64,6 tỷ nhân dân tệ (khoảng 9,4 tỷ USD) trong vòng gây quỹ đầu tiên, theo tờ Bloomberg

Bắc Kinh cũng khuyến khích các chính quyền địa phương phát hành 550 tỷ nhân dân tệ trái phiếu kể từ năm 2020 nhằm mục đích tái cấp vốn cho các ngân hàng nhỏ. Có vẻ Bắc Kinh đang quay trở lại cách tiếp cận những năm 2010, khi các nhà chức trách giải cứu một vài nhà băng nhỏ ở vùng đông bắc.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế phục hồi sẽ giúp các ngân hàng khu vực khôi phục phần nào lợi nhuận. Bắc Kinh cũng đã dành vài năm qua để thanh lọc các ngân hàng địa phương, yêu cầu họ huy động vốn và đã đạt được một số thành quả.

Năm 2021, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) ước tính nước này có 300 ngân hàng rủi ro, thấp hơn con số 420 ngân hàng hồi năm 2018.

 

Dễ bị tổn thương

Các ngân hàng địa phương Trung Quốc có điểm yếu về cả tài sản lẫn nợ. Họ đã cấp nhiều khoản vay cho các doanh nghiệp địa phương có năng lực cạnh tranh kém cũng như cho các dự án không thiết yếu của chính quyền, dẫn đến nợ xấu. Các ngân hàng này ít có khả năng thu hút nguồn tiền gửi ổn định và dựa dẫm vào việc vay mượn trên thị trường vốn.

Đại dịch COVID-19 khiến tình hình của các ngân hàng khu vực càng trở nên bất lợi. Những ngân hàng này chịu rủi ro từ nợ địa phương và các khoản vay dành cho doanh nghiệp nhỏ, và đây lại là hai đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ sự sụp đổ của thị trường địa ốc và chính sách Zero COVID. Biên lợi nhuận của những nhà băng này cũng chịu áp lực vì lãi suất cho vay tương đối thấp.

Bà Shujin Chen, nhà phân tích tại tập đoàn tài chính Jefferies, nhận xét: “Tình hình tài chính của nhiều doanh nghiệp đã xấu đi và có lẽ họ đã thất bại trong việc trả nợ. Do đó, các ngân hàng khu vực nhỏ đã trở nên dễ bị tổn thương hơn”.

Khó khăn của các nhà băng đang dần lộ rõ sau khi một vài ngân hàng trong tháng 3 quyết định không thực hiện quyền mua lại trái phiếu vốn cấp 2, bao gồm Ngân hàng Thương mại Nông thôn Yên Đài và Ngân hàng Thương mại Nông thôn An Huy Thái Hòa. Diễn biến này cộng với những lo ngại của thị trường về chất lượng tài sản đang làm tăng chi phí tài chính cho các ngân hàng địa phương. 

Ông Zhiwu Chen, Giáo sư tài chính tại Trường Kinh doanh Đại học Hong Kong, cảnh báo: “Nếu nền kinh tế không trải qua một đợt bùng nổ tăng trưởng nho nhỏ, thì sẽ có thêm nhiều ngân hàng địa phương bị đặt vào tình thế nguy hiểm và gặp áp lực lớn”.

Các nhà quan sát có thể rút ra cách tiếp cận mới của Bắc Kinh đối với các nhà băng gặp rắc rối từ trường hợp của Ngân hàng Cẩm Châu. Hồi tháng 2, ngân hàng này đã công bố kế hoạch tái cấu trúc tài chính. Ngân hàng Cẩm Châu nằm ở tỉnh Liêu Ninh, một trong những khu vực tăng trưởng chậm nhất tại Trung Quốc.

Gần 5 năm trước, ngân hàng Cẩm Châu cũng đã tiến sát tới bờ vực phá sản. Khi đó ba tổ chức tài chính của nhà nước, bao gồm Ngân hàng Công thương Trung Quốc, đã được điều động để nắm giữ cổ phần trong nhà băng này.

Giang