Bí quyết giúp Trung Quốc liên tục thoát khỏi khủng hoảng tài chính, trái ngược hoàn toàn với Mỹ
Hơn một năm trước, Evergrande Group, nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc, có nguy cơ sụp đổ với khối nợ 300 tỷ USD. Đã có nhiều cảnh báo về một cuộc vỡ nợ làm chấn động nền kinh tế Trung Quốc, thậm chí gây ra suy thoái toàn cầu.
Trung Quốc được cho là đã đối mặt với “khoảnh khắc Lehman”, ý nói đến sự sụp đổ của ngân hàng đầu tư Lehman Brothers tại Mỹ, châm ngòi cho suy thoái toàn cầu năm 2008.
Tuy nhiên, sự sụp đổ của Evergrande đã không xảy ra sau khi chính phủ Trung Quốc can thiệp, giúp tái cấu trúc đa số nợ của tập đoàn này. Khủng hoảng Evergrande không phải là lần đầu tiên thế giới được nghe những lời dự báo về thảm họa tài chính Trung Quốc.
Cứ vài năm một lần, những dự báo tai ương này lại xuất hiện. Tuy nhiên, Phố Wall, truyền thông phương Tây và các nhà kinh tế vẫn lặp lại sai lầm khi áp dụng quy luật thị trường thuần túy với nền kinh tế Trung Quốc.
Theo New York Times, hiện Trung Quốc vẫn không hoàn toàn là một nền kinh tế thị trường, bất chấp việc quốc gia này đã gia nhập Tổ chức Thương mại Quốc tế (WTO) năm 2001, trải qua nhiều thập kỷ cải cách kinh tế và quá trình hội nhập lâu dài vào hệ thống tài chính toàn cầu.
- TIN LIÊN QUAN
-
Mỹ đau đầu vì trần nợ công, Trung Quốc cũng khổ sở vì nợ chính quyền địa phương 28/02/2023 - 16:51
Tất nhiên, Trung Quốc không thể mãi mãi thách thức quy luật kinh tế, và nợ của nước này cũng đang ở mức đáng báo động. Tuy vậy, những dự báo về thảm họa kinh tế của truyền thông phương Tây thường bị thổi phồng quá mức.
Sức mạnh khổng lồ của Bắc Kinh
Bắc Kinh có sức mạnh gần như vô hạn trong việc ngăn chặn thảm họa bằng cách điều tiết nguồn lực, phân bổ gánh nặng. Trung Quốc thường yêu cầu các ngân hàng và bên cho vay chấp nhận lỗ vì đại cục, trước khi tình hình trở nên mất kiểm soát.
Evergrande là một ví dụ rõ ràng. Khi Evergrande chính thức vỡ nợ vào tháng 12/2021, chính phủ đã làm việc để thuyết phục các giám đốc, chủ nợ và người mua tiềm năng bắt đầu quá trình tái cấu trúc. Cuối cùng, người cho vay trong nước đã chấp nhận cho Evergrande thêm thời gian để trả nợ. Một thỏa thuận để giải quyết khoản nợ nước ngoài của Evergrande cũng được cho là sắp xảy ra.
Vào năm 2008, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Bộ Tài chính cũng đã hỗ trợ hoạt động tái cấu trúc của những tổ chức gặp khó khăn. Tuy nhiên, quyền lợi của chủ nợ, nhà đầu tư và rủi ro chính trị từ việc giải cứu ngân hàng đã hạn chế những gì mà các nhà quản lý Mỹ có thể làm.
Tại Trung Quốc, tầm ảnh hưởng của nhà nước với các tổ chức tài chính lớn hơn nhiều. Tài sản cốt lõi nhất tại Trung Quốc là đất đai đang được sở hữu hoặc kiểm soát bởi chính phủ. Tỷ giá của đồng nhân dân tệ được chính phủ điều tiết.
Đa số những doanh nghiệp lớn và quyền lực nhất của Trung Quốc, bao gồm cả các ngân hàng top đầu, đều thuộc sở hữu nhà nước. Tất cả đều nhằm phục vụ ưu tiên tuyệt đối là duy trì ổn định xã hội.
Cơ cấu nợ tại Trung Quốc cũng đang hỗ trợ cho các cơ quan quản lý. Vào tháng 9/2022, tỷ lệ nợ/tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc là gần 300%, tương đương 52.000 tỷ USD. Tỷ lệ này tại Mỹ chỉ là 257%.
Tuy nhiên, chưa đến 5%, tương đương 2.500 tỷ USD, nợ của Trung Quốc là nợ nước ngoài, bằng 1/10 so với Mỹ. Khi gần như mọi khoản vay đều ở trong nước, các cơ quan quản lý Bắc Kinh có khả năng kiểm soát các vấn đề về nợ ở một mức độ mà những người đồng cấp phương Tây chỉ có thể mơ tới.
Ngoài vụ việc của Evergrande, các cơ quan quản lý cũng đã liên tục sử dụng quyền lực của mình nhằm ngăn chặn họa tài chính.
Vào năm 1999, khi tỷ lệ nợ xấu tại các ngân hàng thương mại Trung Quốc lên tới 30%, các nhà chức trách đã thành lập doanh nghiệp quản lý tài sản để tiếp quản khối nợ này. Trong cuộc khủng hoảng năm 2008, chính phủ đã tung ra một gói kích thích khổng lồ để bảo vệ nền kinh tế.
Năm 2014, khi một nhà sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời Trung Quốc vỡ nợ trái phiếu, một số người lại cho rằng "khoảnh khắc Bear Stearns" của Trung Quốc đã đến. Bear Stearns là một ngân hàng của Mỹ sụp đổ vào năm 2008, vài tháng trước khi Lehman Brothers phá sản. Trong thực tế, Trung Quốc đã không rơi vào khủng hoảng, và giờ đây chẳng còn ai nhớ tới tên doanh nghiệp sản xuất pin mặt trời này.
Dù vậy, New York Times cảnh báo rằng thay vì đưa ra những cải cách để thiết lập một nền kinh tế thị trường lành mạnh, trong đó các doanh nghiệp kém hiệu quả được phép phá sản, những biện pháp can thiệp của Trung Quốc chỉ có thể xoa dịu khủng hoảng trong ngắn hạn và tạo nên hậu quả lâu dài.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/