|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Loạt ngân hàng sụp đổ đang giúp sức cho cuộc chiến chống lạm phát, các ngân hàng trung ương có thể sớm dừng nâng lãi suất

18:01 | 22/03/2023
Chia sẻ
Khủng hoảng ngân hàng có thể đang khiến điều kiện tài chính trở nên thắt chặt hơn, qua đó giúp đỡ các ngân hàng trung ương trong cuộc chiến kiểm soát giá cả.

Theo Reuters, điều kiện tài chính thắt chặt do cuộc khủng hoảng trong ngành ngân hàng có thể đã làm giúp công việc của các ngân hàng trung ương, thúc đẩy khả năng sớm chấm dứt các đợt tăng lãi suất.

Trong chưa đầy hai tuần, cổ phiếu ngành ngân hàng Mỹ tụt gần 20%, trong khi chi phí đi vay của những công ty yếu đã tăng vọt, đồng thời, phần bù rủi ro của trái phiếu do ngân hàng Mỹ phát hành đã lên mức cao nhất kể từ 5/2020.

Theo ước tính của một số nhà kinh tế, những tác động như vậy tương đương với nhiều đợt tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Cuộc khủng hoảng cũng khiến các nhà đầu tư giảm kỳ vọng vào các đợt tăng lãi suất tiếp theo.

Vào ngày 22/3, thị trường dự kiến Fed sẽ nâng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản (bps), so với kỳ vọng 50 bps vào đầu tháng này. Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde cho rằng những biến động hiện nay có thể đang làm giúp công việc của ECB nếu chúng làm giảm nhu cầu và lạm phát.

Việc nâng lãi suất cơ bản thêm 25 bps sẽ đưa giới hạn trên của lãi suất mục tiêu của Fed lên mức 5%.

Điều kiện tài chính phản ánh sự sẵn có của nguồn vốn trong nền kinh tế, quyết định đến chi tiêu, tiết kiệm và kế hoạch đầu tư của doanh nghiệp cũng như hộ gia đình. Các ngân hàng trung ương đã cố gắng thắt chặt hoạt động kinh tế bằng cách nâng lãi suất, nhằm làm chậm tốc độ tăng giá cả.

Kể từ khi Silicon Valley Bank (SVB) sụp đổ và Credit Suisse bị đối thủ mua lại, các điều kiện tài chính đã thắt chặt đáng kể.

Ông Torsten Slok, nhà kinh tế trưởng tại Apollo Global Management, nhận định rằng quy mô của đợt thắt chặt vừa qua tương đương với việc Fed nâng lãi suất thêm 1,5 điểm phần trăm (tức 150 bps).

“Điều kiện tài chính đang ở mức thắt chặt nhất kể từ khi Fed bắt đầu nâng lãi suất”, ông nhận định. Nhà kinh tế này chỉ ra rằng một chỉ số của Bloomberg, bao gồm những yếu tố như thị trường tiền tệ, nợ doanh nghiệp và xu hướng thị trường chứng khoán, đang ở ngưỡng thắt chặt nhất từ tháng 3/2020.

Các thị trường đang đầy rẫy những dấu hiệu của sự thắt chặt. Kể từ ngày 9/3, chênh lệch lợi suất (phần lợi suất cao hơn lợi suất phi rủi ro) của trái phiếu doanh nghiệp xếp hạng “rác” tại Mỹ đã tăng thêm 88 bps.

Chỉ số Stoxx 600 Bank bao gồm cổ phiếu các ngân hàng tại châu Âu, còn KBW là chỉ số cổ phiếu ngân hàng ở Mỹ.

Kể từ ngày 9/3 đến 21/3, chỉ số về cổ phiếu ngân hàng Mỹ và châu Âu đã giảm khoảng 12%. So với đầu năm, cổ phiếu ngành ngân hàng Mỹ đã suy giảm 18%. Cổ phiếu ngành ngân hàng châu Âu đã tăng nhẹ so với đầu năm, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức đỉnh hồi cuối tháng 2.

Phần bù rủi ro của trái phiếu được ngân hàng và các tổ chức tài chính tại Mỹ phát hành đã tăng 56 bps, trong khi tại châu Âu là 76 bps.

Những biến động và sự không chắc chắn ngày càng cao có thể dẫn đến sự thắt chặt đáng kể trong tiêu chuẩn cho vay tại khu vực đồng euro và Anh, theo Goldman Sachs. Tuy nhiên, sự thắt chặt này sẽ không nghiêm trọng như trong khủng hoảng tài chính năm 2008 hoặc khủng hoảng nợ khu vực đồng euro năm 2011.

Nhà kinh tế cấp cao của ABN AMRO, ông Bill Diviney cho biết: “Ngay cả khi giả định rằng biến động trường sẽ giảm đi trong những ngày tới, chúng tôi nghĩ rằng một số tình trạng thắt chặt tài chính vẫn sẽ còn lưu lại”.

“[Những sự thắt chặt này] sẽ làm giúp phần việc của Fed, bằng cách giảm hoạt động cho vay trong nền kinh tế thực, và nhiều khả năng hạ nhu cầu thắt chặt chính sách trong tương lai”, ông nói thêm.

Ông Diviney cho rằng tình trạng hiện nay có thể là một lý do để Fed bắt đầu hạ lãi suất trong năm 2023. Giá dầu, một nguyên nhân khác gây lạm phát, cũng đã giảm 9% kể từ ngày 9/3.

“Phần nhiều là phỏng đoán”

Goldman Sachs cho biết sự thắt chặt trong hoạt động cho vay của ngân hàng có thể làm giảm từ 0,25 đến 0,5 điểm phần trăm trong tăng trưởng GDP năm 2023 của Mỹ. Mức sụt giảm này tương tự như một đợt tăng lãi suất từ 25 đến 50 bps. Và những tác động từ khủng hoảng hiện nay có nguy cơ còn lớn hơn, ngân hàng này nhận định.

 

Những người khác lại cảnh báo rằng việc sử dụng các chỉ số để giải thích điều kiện tài chính vào thời điểm thanh khoản kém đang thúc đẩy thị trường biến động quá mức. Ông Patrick Saner, người đứng đầu bộ phận chiến lược vĩ mô tại Swiss Re, cho rằng cần xem xét thận trọng các dự báo về lãi suất.

Ông nhận định: "Việc thắt chặt đột ngột các điều kiện tài chính chỉ có ảnh hưởng chừng nào động thái trên được duy trì và diễn ra có trật tự". Ông Saner cũng cho rằng tác động còn phụ thuộc vào việc ngân hàng trung ương có duy trì quyết tâm chống lạm phát hay không.

Ông Dario Perkins, Giám đốc điều hành về vĩ mô toàn cầu tại công ty tư vấn TS Lombard, coi những ước tính về tác động của tình trạng hỗn loạn gần đây với lãi suất chính sách chỉ là "phỏng đoán".

Ông nói: "Các ngân hàng trung ương không còn hiểu rõ về mức độ thắt chặt của chính sách tiền tệ". Ông kỳ vọng những ngân hàng nhỏ hơn sẽ hạn chế cho vay, gây tác động tới doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như giáng một đòn mạnh vào tổng cầu.

"[Kết quả này] giúp các nhà chức trách đánh bại lạm phát, nhưng theo cách không được kiểm soát và khó sửa chữa, có nguy cơ tạo ra những khó khăn không cần thiết", ông cảnh báo.

Minh Quang