|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Phần bù rủi ro (Risk premium) là gì? Công thức xác định phần bù rủi ro

23:11 | 02/02/2020
Chia sẻ
Phần bù rủi ro (tiếng Anh: Risk premium) là phần chênh lệch giữa tỉ lệ lợi tức yêu cầu của một khoản đầu tư thông thường với tỉ lệ lợi tức phi rủi ro danh nghĩa.
Phần bù rủi ro (Risk premium) là gì? Công thức xác định phần bù rủi ro - Ảnh 1.

Hình minh họa

Phần bù rủi ro (Risk premium)

Định nghĩa

Phần bù rủi ro trong tiếng Anh là Risk premiumPhần bù rủi ro là phần chênh lệch giữa tỉ lệ lợi tức yêu cầu của một khoản đầu tư thông thường với tỉ lệ lợi tức phi rủi ro danh nghĩa.

Công thức xác định phần bù rủi ro

Phần bù rủi ro = Tỉ lệ lợi tức yêu cầu - Tỉ lệ lợi tức phi rủi ro danh nghĩa (NRFR)

Trong đó:

- Tỉ lệ lợi tức yêu cầu là tỉ lệ lợi tức thấp nhất mà nhà đầu tư có thể chấp nhận từ khoản đầu tư nhằm bù đắp việc trì hoãn tiêu dùng.

Lưu ý:

- Sự khác nhau của việc xác định tỉ lệ lợi tức yêu cầu của các nhà đầu tư một phần là do sự xác định phần bù rủi ro khác nhau.

- Một khoản đầu tư phi rủi ro được định nghĩa là khoản đầu tư trong đó nhà đầu tư chắc chắn về số tiền và thời gian thu được. Một nhà đầu tư thông thường không hoàn toàn chắc chắn về lợi tức có thể nhận được. Các khoản đầu tư có thể rất khác nhau về mức độ chắc chắn, từ khoản đầu tư phi rủi ro cơ bản nhất như tín phiếu kho bạc cho đến loại mang tính chất đầu cơ như cổ phiếu thường của các công ty nhỏ có độ rủi ro cao.

- Phần lớn các nhà đầu tư yêu cầu tỉ lệ lợi tức cao để bù đắp cho rủi ro phải gánh chịu.

Nghiên cứu dựa trên các giả định: tất cả các nhà đầu tư đều có kiến thức và muốn tối đa hóa lợi nhuận; nhà đầu tư đều muốn nắm giữ một danh mục đầu tư được đa dạng hóa bằng toàn bộ các tài sản rủi ro và họ sẽ vay thêm vốn hoặc đầu tư để đạt tới một mức rủi ro phù hợp với mức độ ưa thích rủi ro của họ.

Với các giả định trên, rủi ro của một tài sản được đo lường bằng sự biến động lợi tức của tài sản đó với lợi tức của danh mục đầu tư thị trường.

Hệ số biến động được đo bằng hiệp phương sai của tài sản đó với danh mục đầu tư thị trường và được gọi là rủi ro hệ thống của tài sản đó.

Ngoài ra, rủi ro tổng thể của một tài sản bao gồm cả rủi ro hệ thống và rủi ro phi hệ thống, được đo lường bằng sự biến động lợi tức của riêng tài sản đó. Sự biến động này được đo lường bằng phương sai của lợi tức tài sản. Tuy nhiên, lợi ích của sự đa dạng hóa là loại trừ đi các rủi ro phi hệ thống.

Vì vậy, dưới giả định này, phần bù rủi ro cho một tài sản riêng lẻ là một hàm của rủi ro hệ thống của tài sản đó với toàn bộ danh mục đầu tư các tài sản rủi ro trên thị trường.

Đại lượng đo rủi ro hệ thống của tài sản này được gọi là hệ số bê ta (β)

Phần bù rủi ro = f (Rủi ro có hệ thống của thị trường)

Một nhà đầu tư cá nhân có thể xác định phần bù rủi ro cho một tài sản bằng cách:

Phần bù rủi ro = f (Rủi ro có hệ thống và rủi ro phi hệ thống)

hoặc 

Phần bù rủi ro = f (rủi ro kinh doanh, rủi ro tài chính, rủi ro lãi suất, rủi ro sức mua, rủi ro chính trị, rủi ro tỉ giá, rủi ro thanh khoản)

 (Tài liệu tham khảo: Giáo trình Phân tích đầu tư chứng khoán, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân)

Minh Lan