|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Chứng khoán Mỹ giảm điểm khi nỗi sợ Fed tăng lãi suất quay trở lại, cổ phiếu VinFast về gần mức chào sàn

07:24 | 07/09/2023
Chia sẻ
Cả ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đều đi xuống trong phiên giao dịch ngày 6/9 khi lợi suất trái phiếu tăng lên và nỗi lo Fed nâng lãi suất quay trở lại.

Theo CNBC, trong phiên giao dịch ngày 6/9, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones đã giảm 198 điểm, tương đương 0,57% và đóng cửa ở mức 34.443 điểm. Chỉ số S&P 500 mất 0,7%, chốt phiên với 4.465 điểm. Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite giảm 1,06% còn 13.872 điểm. 

Lợi suất trái phiếu tăng vọt lại tiếp tục tạo áp lực lên các tài sản rủi ro. Trong phiên 6/9, lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn hai năm đã tăng khoảng 6 điểm cơ bản (bps) lên hơn 5%. 

Nasdaq Composite ghi nhận chuỗi giảm điểm kéo dài 3 ngày. 

Trong khi đó, cổ phiếu VinFast (VFS) kéo dài đợt giảm điểm sang phiên thứ 6 liên tiếp, đi xuống 6,24% và đóng cửa ở mức giá 24,5 USD/cp. Khối lượng giao dịch trong phiên tiếp tục thấp hơn mức trung bình, đạt 5,5 triệu đơn vị. Giá cổ phiếu VinFast hiện đã xuống gần mức chào sàn ngày 15/8 là 22 USD/cp. 

Vốn hóa VinFast tụt thêm khoảng 4 tỷ USD và hiện chỉ nhỉnh hơn Ferrari gần 10 triệu USD. Nếu giảm điểm thêm một phiên nữa, có khả năng VinFast sẽ rời khỏi danh sách 10 nhà sản xuất ô tô có vốn hóa cao nhất thế giới. 

Giá cổ phiếu VinFast đã giảm liên tục trong 6 phiên. 

Chịu áp lực từ lợi suất trái phiếu, cổ phiếu công nghệ đã đi xuống và Nasdaq Composite ghi nhận ngày giảm điểm thứ ba liên tiếp. Những cái tên tụt dốc nhiều nhất bao gồm Nvidia và Apple, mỗi cổ phiếu giảm hơn 3%. Amgen và Boeing sụt khoảng 2%, gây áp lực lên chỉ số Dow Jones. 

Lợi suất trái phiếu Kho bạc đi lên vào ngày 6/9 cùng lúc với thông báo về dữ liệu kinh tế mạnh hơn dự kiến, làm dấy lên lo ngại rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục tăng lãi suất. Các số liệu gần đây trong lĩnh vực sản xuất và dịch vụ của Mỹ đều cho thấy giá cả đang đi sai hướng. 

Ông Adam Crisafulli của Vital Knowledge nhận định: “Viện Quản lý Cung ứng (ISM) đang củng cố tất cả những lo ngại đã gây khó khăn cho thị trường chứng khoán trong nhiều tuần qua: lợi suất cao làm giảm giá cổ phiếu, tăng trưởng mạnh và lạm phát gây áp lực lên Fed, tăng trưởng lành mạnh tạo thêm lực đẩy cho dầu thô”.

 

Thành phần giá trong chỉ số PMI dịch vụ của ISM đã tăng 2,1 điểm% lên 58,9% trong tháng 8. Trước đó, thành phần giá trong chỉ số PMI sản xuất cũng tăng 5,8 điểm % lên 48,4%. 

Sau báo cáo của ISM, khả năng Fed nâng lãi suất trong cuộc họp tháng 11 đã tăng lên. Theo công cụ FedWatch của CME Group, thị trường dự đoán xác suất Fed nâng lãi suất vào tháng 11 là 40,8%, trong khi khả năng giữ nguyên lãi suất là 56,5%. Với cuộc họp tháng 9, các nhà giao dịch dự đoán khả năng Fed duy trì lãi suất là 93%. 

Chiến lược gia cấp cao của CFRA Research, ông Sam Stovall cho hay: “Chúng ta vẫn nghe rằng [nền kinh tế] sẽ chỉ giảm tốc đôi chút chứ không phải suy thoái. Tuy nhiên, khi càng nhận được nhiều tin tức tiêu cực về nền kinh tế thì mọi người sẽ càng lo lắng rằng nước Mỹ thực sự có thể rơi vào suy thoái”. 

 

Trong báo cáo Beige Book mới nhất của Fed, các doanh nghiệp cho biết người tiêu dùng đang chi nhiều hơn cho du lịch và đi lại, trong khi chi tiêu cho những lĩnh vực khác đã chậm lại trong những tháng hè. 

Về việc làm, các doanh nghiệp báo cáo khó khăn trong việc tuyển dụng những vị trí còn trống, nhưng dự báo rằng xu hướng tăng lương sẽ giảm dần trong năm nay. 

Về lạm phát, sản xuất và tiêu dùng hàng hóa có dấu hiệu chậm lại, trong khi tại “nhiều khu vực” chứng khiến chi phí bảo hiểm tài sản “tăng mạnh”.

Trước đó, Chủ tịch Fed chi nhánh Boston, bà Susan Collins cho biết ngân hàng trung ương có thể “thận trọng” trong việc tăng lãi suất hơn nữa. Tuy nhiên bà cũng nhấn mạnh rằng “sẽ cần phải thắt chặt thêm”, tùy thuộc vào dữ liệu kinh tế.

Minh Quang