|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Dow Jones giảm gần 200 điểm khi giá dầu lên cao, VinFast lùi hai bậc trong danh sách các hãng xe lớn nhất do vốn hoá tụt mạnh

07:21 | 06/09/2023
Chia sẻ
Cả ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đều giảm điểm trong phiên giao dịch ngày 5/9 sau khi giá dầu lên mức cao nhất kể từ tháng 11 năm ngoái.

Theo CNBC, trong phiên giao dịch ngày 5/9, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones đã giảm 196 điểm, tương đương 0,56% và đóng cửa với 34.642 điểm. Chỉ số S&P 500 mất 0,42%, chốt phiên với 4.497 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tụt 0,08%, kết phiên ở mức 14.021 điểm. 

Dow Jones giảm gần 200 điểm sau khi giá dầu tăng mạnh.

Cổ phiếu VinFast (VFS) tiếp tục đà giảm sang phiên thứ 5 liên tiếp, mất 11,41% và đóng cửa với mức giá 26,13 USD/cp. Khối lượng giao dịch trong phiên đạt gần 6,3 triệu đơn vị, thấp hơn mức trung bình là 8,1 triệu đơn vị.

Vốn hóa của VinFast chỉ còn khoảng 61 tỷ USD. Theo đó, VinFast đã tụt xuống vị trí thứ 8, sau BMW và Volkswagen trong bảng xếp hạng các hãng xe có vốn hóa cao nhất. Đầu tuần trước, có lúc vốn hóa của VinFast đạt hơn 200 tỷ USD, tiến sát với Toyota - hãng ô tô giá trị thứ hai trên thế giới. 

VinFast rớt xuống vị trí thứ 8 trong bảng xếp hạng những hãng xe có vốn hóa cao nhất.

Giá dầu đã bật tăng sau khi Arab Saudi và Nga gia hạn các đợt cắt giảm sản lượng tự nguyện. Hợp đồng tương lai dầu WTI đã tăng hơn 1%, có lúc vợt trên 87 USD/thùng - mức cao nhất kể từ tháng 11/2022. 

Tin tức trên đã giúp giá cổ phiếu năng lượng trong S&P 500 đi lên thêm 0,5%. Cổ phiếu của Halliburton và Occidental Petroleum tăng hơn 2%, trong khi EOG Resources tăng 1,8%.

Trong khi đó, nhóm hàng không và du lịch lại chịu áp lực từ giá dầu mỏ. Cổ phiếu của American Airlines, United Airlines, Delta Air Lines và Carnival đều giảm hơn 2%. 

Giá dầu đã phục hồi mạnh mẽ trong những tháng gần đây. 

Lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã tăng khoảng 9 điểm cơ bản (bps) lên mức 4,27%, gây áp lực lên những tài sản rủi ro như chứng khoán. 

Ông Keith Lerner, đồng Giám đốc đầu tư tại Truist Advisory Services, cho hay: “Giá dầu tăng sẽ tạo thêm áp lực lạm phát, khiến công việc của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trở nên khó khăn hơn”. Ông nói có một ranh giới mong manh giữa khả năng Fed đưa nền kinh tế “hạ cánh mềm” và rủi ro suy thoái. 

Một lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề khác là cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ. S&P 500 Small Cap 600 mất gần 3%, ghi nhận phiên tồi tệ nhất kể từ tháng 2. S&P 500 Midcap 400 giảm khoảng 2,3%, Russell 2000 giảm 2,1%.

 

Goldman Sachs vừa hạ xác suất nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái xuống 15%, cũng như dự báo rằng Fed sẽ tạm ngừng nâng lãi suất trong cuộc họp chính sách vào cuối tháng 9. Dù thông báo này là tin tốt, các nhà đầu tư vẫn sẽ phải đối mặt với hiệu ứng mùa vụ trong tháng 9 - khoảng thời gian thị trường chứng khoán yếu nhất trong năm. 

Một số chỉ báo kỹ thuật đã mang lại hy vọng cho nhà đầu tư trong những ngày gần đây. Cả ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đều vượt lên đường bình quân trượt 50 ngày (MA 50) vào tuần trước. Ông Adam Turnquist, chiến lược gia trưởng về phân tích kỹ thuật tại LPL Financial, nhận định: “Đà tăng trong năm nay cho thấy tháng 9 có thể không tệ như các tin tức gợi ý”. 

Tuy nhiên, trong một cuộc phỏng vấn trên Bloomberg Wealth, nhà đầu tư nổi tiếng với khả năng dự đoán thị trường gấu (thị trường giá xuống), ông Jeremy Grantham lại ngày càng tin vào khả năng Mỹ sẽ suy thoái. Ông cho biết suy thoái kinh tế có thể đến trong năm nay. 

Ông Grantham cho biết: “Chúng ta đang đi xuống từ bong bóng năm 2021. Theo sau mọi bong bóng đều là một cuộc suy thoái. Tôi nghĩ AI rất quan trọng, nhưng có lẽ đã quá muộn để cứu chúng ta khỏi suy thoái”.

Minh Quang

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.