|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Thị trường lao động Mỹ chững lại nhưng không suy yếu, Fed được dịp thở phào

08:00 | 03/09/2023
Chia sẻ
Tuy số việc làm phi nông nghiệp tăng vượt dự kiến trong tháng 8, thị trường lao động Mỹ vẫn đang tiếp tục hạ nhiệt. Câu hỏi đặt ra là liệu xu hướng này có kéo dài hay không, tờ Barron’s cho hay.

Báo cáo việc làm tháng 8 là một thông tin đáng khích lệ đối với Chủ tịch Fed Jerome Powell và các đồng nghiệp. (Ảnh minh hoạ: Fox Business/Getty Images).

Những thông tin đáng khích lệ

Báo cáo mới nhất từ Cục Thống kê Lao động Mỹ cho thấy, nền kinh tế số một thế giới đã tạo thêm 187.000 việc làm trong tháng 8.

Đây là tốc độ tăng trưởng việc làm mạnh nhất trong mùa hè năm nay, sau khi số liệu của tháng 6 và tháng 7 được điều chỉnh giảm đáng kể.

Trong ba tháng qua, trung bình mỗi tháng Mỹ có thêm 150.000 việc làm. Để so sánh, trong một năm tính đến tháng 2/2020, tức trước khi đại dịch bùng phát, trung bình mỗi tháng Mỹ tạo thêm 190.000 việc làm.

Mặt khác, thị trường lao động đã có dấu hiệu hạ nhiệt. Tỷ lệ thất nghiệp tăng lên mức 3,8%, cao hơn nhiều so với con số 3,5% của tháng 7. Trước đó, các nhà kinh tế được FactSet khảo sát dự đoán thước đo này sẽ không thay đổi.

Tỷ lệ thất nghiệp tăng được coi là tin tốt, bởi nó phản ánh việc tỷ lệ tham gia lực lượng lao động tăng 0,2 điểm %. Nó cũng cho thấy những nút thắt trên thị trường lao động đã nới lỏng phần nào.

Tăng trưởng tiền lương cũng có dấu hiệu chững lại, một thông tin đáng mừng khác cho thấy lạm phát trong lĩnh vực dịch vụ đã xuống thấp hơn.

Thu nhập trung bình hàng giờ của người lao động Mỹ tăng 4,3% so với cùng kỳ, thấp hơn mức 4,4% ghi nhận vào tháng 7 cũng như dưới dự báo 0,1 điểm %.

Ở khía cạnh khác, tốc độ tăng trưởng việc làm không giảm quá nhiều, là một chiến thắng cho Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Mức trung bình trong ba tháng qua vẫn cao hơn nhiều so với con số 100.000 mà các nhà kinh tế cho là cần thiết để bắt kịp tốc độ tăng trưởng dân số và giữ cho nền kinh tế hoạt động ổn định.

 

Kết quả Fed muốn thấy

Nhìn chung, báo cáo việc làm tháng 8 phù hợp với kết quả mà Fed mong muốn thấy từ lâu khi họ cố gắng làm chậm nền kinh tế và khống chế lạm phát thông qua các đợt tăng lãi suất.

Hay nói cách khác, Fed muốn việc làm và tiền lương tiếp tục tăng trưởng nhưng không được quá nóng, đồng thời ngày càng nhiều người đi làm hoặc tìm kiếm việc làm, theo Barron’s.

Báo cáo khác vào đầu tuần cho thấy số cơ hội việc làm tại Mỹ - một thước đo khác cho nhu cầu lao động - đã giảm đáng kể. Kết hợp với số liệu mới đây, công chúng có thể thấy rằng thị trường lao động đang hạ nhiệt nhưng không sụp đổ.

Dựa theo những báo cáo trên, các quan chức Fed nhiều khả năng sẽ giữ nguyên lãi suất ở phạm vi 5,25 - 5,5% tại cuộc họp chính sách vào ngày 19 - 20/9 tới.

Theo công cụ FedWatch của CME Group, các nhà đầu tư cho rằng xác suất Fed tăng lãi suất vào cuối tháng 9 là khoảng 7%, giảm so với con số 12% ghi nhận một ngày trước đó.

Bà Tiffany Wilding, Giám đốc cấp cao tại Pimco, nhận định: “Đối với Fed, báo cáo việc làm tháng 8 là một kết quả đáng mơ ước. Thị trường lao động hạ nhiệt nhưng không tụt dốc và sự chững lại đó có khả năng sẽ tiếp tục khi nền kinh tế phải đối mặt với nhiều lực cản trong nửa cuối năm 2023”.

Ngân hàng trung ương Mỹ sẽ có thêm một báo cáo lạm phát khác trước khi các nhà hoạch định chính sách nhóm họp.

Nếu dữ liệu bất ngờ tăng lên, các quan chức có thể buộc phải tăng lãi suất. Nếu không, Fed có vẻ sẽ giữ nguyên lãi suất trong một thời gian nhằm đánh giá tác động của chính sách lên nền kinh tế.

Chiến lược gia Ian Lyngen của BMO đánh giá: “Tác động của chính sách tiền tệ thể hiện tương đối rõ ràng. Tôi nghĩ Fed đang ngày càng khó kiếm ra lý do để nâng lãi suất trong quý IV”.

Giới chức Fed dự kiến sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản nữa trong năm nay, nhưng diễn biến này có thể xảy ra trong cuộc họp tháng 11 hoặc tháng 12, thay vì tháng 9.

 

Câu hỏi quan trọng lúc này

Theo Barron’s, câu hỏi đặt ra bây giờ là liệu thị trường lao động sẽ tiếp tục cân bằng, tăng tốc hay suy yếu hơn nữa.

Trước khi báo cáo tháng 8 được công bố, một số nhà kinh tế cũng nhấn mạnh yếu tố mùa vụ. Họ cho biết số liệu cuối cùng của tháng 8 thường tăng mạnh so với ước tính ban đầu, ít nhất là trong một thập kỷ qua. Điều đó đồng nghĩa rằng báo cáo mới đây có thể đang đánh giá thấp sức mạnh của thị trường lao động.

Tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt cũng có thể chỉ là thoáng qua. Thước đo này từng tăng 0,3 điểm % vào mùa xuân, giữa tháng 4 và tháng 5, sau đó giảm về mức 3,5% hai tháng sau đó.

Ông Aaron Terrazas, nhà kinh tế trưởng của nền tảng việc làm Glassdoor, cho hay: “Chúng tôi từng nghĩ thị trường lao động đang yếu đi, nhưng đó không hẳn là những gì chúng tôi thấy trong những con số của tháng 8”.

“Với 187.000 việc làm mới, nền kinh tế Mỹ có thể vẫn đang trên đà hạ cánh mềm, dù hành trình đã trở nên khó khăn hơn dự kiến”, ông Terrazas nhận định.

Một số nhà kinh tế khác lại nói rằng báo cáo tháng 8 cho thấy thị trường lao động đã bắt đầu xuất hiện vết nứt và hoạt động tuyển dụng sẽ tiếp tục chậm lại.

Chẳng hạn, trong suốt năm nay, lĩnh vực dịch vụ đã cắt giảm bớt những nhân công thời vụ. Lĩnh vực này đôi khi được coi là một chỉ báo sớm, bởi các nhà tuyển dụng có xu hướng sa thải nhân viên thời vụ trước khi cắt giảm việc làm trên diện rộng.

Yên Khê