Tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ bất ngờ vọt lên mức 3,8%, dù số việc làm mới cao hơn dự đoán
Tháng 8 vừa qua, nền kinh tế Mỹ đã tạo ra nhiều việc làm mới hơn dự kiến. Đây là dấu hiệu cho thấy thị trường lao động vẫn bền bỉ bất chấp áp lực từ chiến dịch tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Cụ thể, theo báo cáo do Cục Thống kê Lao động công bố vào ngày 1/9, Mỹ đã tạo thêm 187.000 việc làm trong tháng 8, cao hơn ước tính của các nhà kinh tế Dow Jones là 170.000.
Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp đạt 3,8%, tăng đáng kể so với tháng 7 và là mức cao nhất kể từ tháng 2/2022. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động vọt lên 62,8%, mức cao nhất kể từ tháng 2/2020.
Thu nhập trung bình hàng giờ của người Mỹ tăng 0,2% so với tháng 7 và đi lên 4,3% so với cùng kỳ năm trước. Cả hai đều thấp hơn dự báo tương ứng là 0,3% và 4,4%, theo CNBC.
Theo báo cáo, chăm sóc sức khoẻ là lĩnh vực tạo nhiều việc làm nhất với con số 71.000. Các lĩnh vực cũng có đóng góp lớn là giải trí và khách sạn (40.000), công tác xã hội (26.000) và xây dựng (22.000).
Trong khi đó, vận tải và kho bãi mất 34.000 việc làm và lĩnh vực thông tin giảm 15.000 lao động.
Dù tăng trưởng việc làm tiếp tục vượt kỳ vọng của các nhà kinh tế, số liệu của những tháng trước đã được điều chỉnh xuống thấp hơn. Cụ thể, tháng 7 giảm 30.000 xuống còn 157.000.
Tháng 6 được điều chỉnh xuống 105.000, giảm 80.000 việc làm so với ước tính ban đầu. Kết quả là, tháng 6 đã trở thành tháng ghi nhận tăng trưởng việc làm thấp nhất kể từ tháng 12/2020.
Tỷ lệ thất nghiệp tháng 8 bất ngờ vọt lên do số người thất nghiệp tăng thêm 514.000. Số hộ gia đình có việc làm tăng 222.000.
Theo CNBC, tháng 8 thường là một trong những tháng biến động nhất về mức tăng trưởng việc làm trong năm và cũng dễ gây bất ngờ trong các đợt điều chỉnh sau này.
Mặc dù ước tính ban đầu và số liệu cuối cùng của tháng 8/2022 không thay đổi mấy, kết quả cuối cùng của tháng 8/2021 lại tăng gấp đôi so với dữ liệu ban đầu.
Báo cáo mới của Cục Thống kê Lao động xuất hiện tại một thời điểm khá then chốt, khi các quan chức Fed đang tìm cách vạch rõ lộ trình chính sách cho giai đoạn tiếp theo.
Loạt dữ liệu gần đây đã vẽ nên một bức tranh hỗn hợp về hướng đi của nền kinh tế. Trong khi sức mạnh của người tiêu dùng giúp tăng trưởng tiếp tục ổn định, thì thị trường lao động lại bắt đầu nới lỏng sau giai đoạn thắt chặt.
Chẳng hạn, vào tháng 7, số vị trí đang tuyển dụng tại Mỹ đã giảm xuống còn 8,83 triệu. Con số này vẫn cao hơn nhiều so với thời điểm trước đại dịch nhưng lại là mức thấp nhất kể từ tháng 3/2021.
Đồng thời, lạm phát đang có dấu hiệu tiếp tục hạ nhiệt, dù vẫn còn khá cao so với mức mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương Mỹ.
Báo cáo khác vào giữa tuần này cho thấy, trong tháng 7, chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCEPI), thước đo lạm phát ưa thích của Fed, tăng 0,2% so với tháng trước và 3,3% so với cùng kỳ.
Khi loại trừ giá năng lượng và thực phẩm dễ biến động, PCEPI lõi tăng 0,2% so với tháng trước và 4,2% so với cùng kỳ.
Chi tiêu tiêu dùng đi lên trong tháng 7 (cụ thể là tăng 0,6% sau khi đã điều chỉnh cho lạm phát), dù thu nhập khả dụng thực tế của người dân giảm 0,2%.
Các hộ gia đình Mỹ đã sử dụng thẻ tín dụng và tiền tiết kiệm để tiếp tục chi tiêu. Tỷ lệ tiết kiệm cá nhân tụt xuống 3,5% vào tháng 7, giảm mạnh so với mức 4,3% của tháng 6.
Báo cáo khác chỉ ra, GDP của Mỹ đã tăng 2,1% trong quý II (tốc độ đã chuẩn hoá theo năm). Con số này thấp hơn so với ước tính ban đầu là 2,4%, nhưng vẫn cao hơn mức mà Fed coi là xu hướng tăng trưởng không kích thích lạm phát.
Fed chi nhánh Atlanta dự đoán GDP quý III sẽ tăng 5,6% - hoàn toàn trái ngược với dự báo suy thoái từ các nhà kinh tế.
Theo dữ liệu từ CME Group, thị trường hiện kỳ vọng Fed sẽ không tăng lãi suất tại cuộc họp cuối tháng 9. Song, các nhà đầu tư cho rằng Fed có thể sẽ tăng lãi suất lần cuối vào tháng 10, xác suất là khoảng 47%.