|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Sau đợt điều chỉnh, tăng trưởng GDP quý II của Mỹ xuống thấp hơn nhưng ‘động cơ của nền kinh tế’ vẫn bền bỉ

21:12 | 30/08/2023
Chia sẻ
Tăng trưởng GDP quý II của Mỹ đã được điều chỉnh giảm do hoạt động đầu tư của doanh nghiệp yếu hơn báo cáo ban đầu, nhưng một thước đo khác vẫn cho thấy sức mạnh đáng nể.

 

(Ảnh minh hoạ: Getty Images).

Dữ liệu do Cục Phân tích Kinh tế Mỹ công bố vào ngày 30/8 cho thấy, sau đợt điều chỉnh, tăng trưởng GDP quý II của nước này đã đi xuống so với ước tính ban đầu.

Nguyên nhân là do chi tiêu của doanh nghiệp cho hàng tồn kho và trang thiết bị yếu hơn số liệu trước đó, vượt qua tác động tích cực từ chi tiêu của người tiêu dùng.

Cụ thể, GDP quý II tăng 2,1% (tốc độ đã chuẩn hoá theo năm), thấp hơn ước tính ban đầu là 2,4%. Chi tiêu của các hộ gia đình, động cơ của nền kinh tế Mỹ, được điều chỉnh tăng lên 1,7%.

Ngoài ra, Cục Phân tích Kinh tế Mỹ cũng cho biết thêm rằng tổng thu nhập quốc nội đã tăng 0,5% sau khi giảm trong hai quý trước.

Trước khi bản cập nhật được công bố, các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Reuters cho rằng tăng trưởng GDP quý II sẽ không thay đổi.

Nền kinh tế Mỹ đã tăng trưởng với tốc độ 2% trong quý I và vẫn tiếp tục mở rộng bất chấp việc Cục Dự trữ Liên bang (Fed) tăng lãi suất tổng cộng 525 điểm cơ bản từ tháng 3 năm ngoái.

Nhờ sức mạnh của thị trường lao động và người tiêu dùng, Mỹ vẫn đang tăng trưởng với tốc độ cao hơn nhiều mức mà các quan chức Fed coi là không kích thích lạm phát đi lên - khoảng 1,8%.

Song, sự bền bỉ của nền kinh tế đang làm tăng nguy cơ Fed sẽ duy trì lãi suất ở mức cao trong một khoảng thời gian dài.

Dù vậy, lạm phát hạ nhiệt đang tiếp thêm lạc quan cho công chúng rằng ngân hàng trung ương Mỹ có thể thực hiện cú “hạ cánh mềm”, tức là hạ gục lạm phát mà không khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng cao.

Hiện tại, hầu hết các nhà kinh tế đều đã lùi hoặc loại bỏ dự báo suy thoái kinh tế trong năm nay, theo CNBC.

Mặc dù thị trường lao động đang chậm lại và số vị trí trống trong tháng 7 đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần hai năm rưỡi, các doanh nghiệp vẫn đang cố giữ chân nhân công sau những khó khăn trong quá trình tuyển dụng thời đại dịch.

Điều này giúp cho tiền lương của người lao động tiếp tục tăng, thúc đẩy chi tiêu của người tiêu dùng. Doanh số bán lẻ đã tăng mạnh trong tháng 7, trong khi hoạt động xây dựng nhà ở cho một gia đình cũng khá khả quan.

Các nhà phân tích đã nâng ước tính tăng trưởng GDP quý III lên mức 5,9%, dù con số này có vẻ đang phóng đại sức khoẻ của nền kinh tế Mỹ.

 

Báo cáo mới của Cục Phân tích Kinh tế Mỹ cũng bao gồm ước tính đầu tiên của chính phủ về lợi nhuận doanh nghiệp trong quý II.

Cụ thể, lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp đã giảm 0,4% trong giai đoạn tháng 4 đến tháng 6, cho thấy sự sa sút của các công ty tài chính. So với một năm trước đó, thước đo này sụt 6,5%.

Một thước đo về biên lợi nhuận doanh nghiệp đã đi lên. Lợi nhuận sau thuế so với tổng giá trị gia tăng của các công ty phi tài chính, một thước đo lợi nhuận tổng hợp, đã tăng từ mức 13,8% lên 14,3% trong quý II.

Trong khi đó, thước đo lạm phát ưa thích của Fed đã được điều chỉnh giảm. Cụ thể, chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân không bao gồm giá lương thực và năng lượng (PCEPI lõi) đã tăng 3,7% trong quý II, mức thấp nhất trong hơn hai năm.

Khả Nhân