Hô thị trường sập, cách kiếm tiền của những nhà dự báo như Michael Burry
Các chuyên gia hô sập
“Không sớm thì muộn, thị trường cũng sẽ lao dốc, và vụ sụp đổ có thể sẽ rất kinh hoàng”. Lời dự báo bâng quơ như thế này sẽ khó mà thu hút được sự chú ý trong năm 2023.
Tuy nhiên, vào năm 1929, chỉ vài tuần trước Ngày thứ Ba Đen tối, nó đã gây chấn động lớn và thị trường chứng khoán Mỹ từng ngã quỵ trong một khoảng thời gian ngắn. Sự kiện này được gọi là “Cú đổ vỡ Babson”, theo tên người đã đưa ra dự báo.
Không lâu sau, Mỹ chìm vào Đại Khủng hoảng. Song, cây bút Roger Babson lại trở nên nổi tiếng và kiếm đậm từ dự đoán đúng lúc của mình, thậm chí ông còn thành lập một trường đại học và ra tranh cử tổng thống. Một vài người còn nhớ rằng ông cũng đã dự đoán về biến động xảy ra trong năm 1927 và 1928.
Theo tờ Wall Street Journal (WSJ), mỗi lần thị trường sụp đổ hay rơi xuống đáy đều có một người như ông Babson: kiếm bộn tiền từ một lần đoán trúng.
Năm 1987, bà Elaine Garzarelli phát đi cảnh báo về sự sụp đổ của thị trường chỉ vài ngày trước Ngày thứ Hai Đen tối. Bà trở thành chuyên gia được trả lương cao nhất trên Phố Wall trong một khoảng thời gian rồi sau đó đứng ra vận hành một quỹ tương hỗ nhưng thành tích khá kém.
Năm 1982, nhà phân tích Robert Prechter sử dụng lý thuyết Sóng Elliot để báo trước về một thị trường giá lên sau khi chứng khoán Mỹ mắc kẹt trong vũng lầy suốt 16 năm. Ông Prechter cũng cảnh báo về nguy cơ thị trường sụp đổ nhưng chúng không bao giờ thành hiện thực.
Cả ông lẫn bà Garzarelli vẫn đang kiếm tiền trong ngành phân tích và bình luận thị trường dù họ từng đưa ra những dự báo sai lầm trong hàng thập kỷ.
Cái tên mới nhất
Ông Michael Burry là nhà tiên tri mới nhất với thành tích chung không mấy ấn tượng. Dự đoán chính xác về sự đổ vỡ của bong bóng thị trường nhà đất Mỹ năm 2007-2008 đã biến ông thành người giàu có. Bộ phim “The Big Short” giúp ông thành người nổi tiếng.
Nhưng Burry cũng đã đưa ra ít nhất 5 dự đoán cực kỳ bi quan về chứng khoán Mỹ trong 4 năm qua với những bình luận như “có thể tồi tệ hơn 2008” và “bong bóng đầu cơ lớn nhất mọi thời đại”.
Thay vì nghe lời ông Burry, nhà đầu tư rót tiền vào chỉ số S&P 500 đã kiếm được lãi mỗi 6 tháng sau khi vị chuyên gia bán khống lừng danh này công khai quan điểm.
Tỷ suất sinh lời trung bình được chuẩn hóa theo năm của chỉ số S&P 500 trong khoảng thời gian này là 34% - gấp 4 lần tỷ suất sinh lời dài hạn. Lời cảnh báo mới nhất của ông là dòng tweet ngắn gọn hồi tháng 1 tới 1,4 triệu người theo dõi tài khoản Cassandra BC: “BÁN”.
Một lần nữa dự đoán của ông Burry không thành hiện thực, nhưng quỹ đầu cơ Scion Asset Management của ông Burry vẫn thu hút sự chú ý lớn.
Theo Factiva, các tờ báo in đã nhắc đến Burry 264 lần chỉ trong tháng qua, sau khi báo cáo mới nhất về hoạt động của Scion được công bố. Cụ thể, trong quý II, Scion đã mua các quyền chọn bán đặt cược rằng các cổ phiếu công nghệ và thị trường chứng khoán Mỹ sẽ suy giảm.
Tài khoản Twitter của ông Burry để tên là Cassandra, nữ tư tế thành Troy luôn đưa ra dự đoán đúng nhưng không bao giờ được ai tin tưởng. Nhưng ông Burry có vẻ là trường hợp trái ngược với Cassandra.
Dù vây, tiểu thuyết gia Paulo Coelho có câu nói nổi tiếng “Không có gì là hoàn toàn sai, ngay cả đồng hồ chết cũng đúng hai lần mỗi ngày”. Ông Burry hoàn toàn có thể sẽ đúng lần nữa.
Khác với hầu hết những nhà bình luận chứng khoán khác, ông Burry bỏ tiền túi của mình vào canh bạc thị trường nhà đất Mỹ và đã có nhiều lựa chọn cổ phiếu thành công, WSJ cho hay.