Chiến lược gia JPMorgan cảnh báo chứng khoán Mỹ sẽ tiếp tục giảm điểm, nguyên nhân do đâu?
Người tiêu dùng Mỹ mất đi sức mạnh
Trong một phân tích mới đây, chiến lược gia Marko Kolanovic của JPMorgan Chase cho biết người tiêu dùng Mỹ đã tiêu gần hết số tiền tiết kiệm mà họ tích luỹ trong đại dịch.
Theo vị chuyên gia, do bộ đệm trên đã xẹp, chi tiêu của người tiêu dùng có thể giảm hơn nữa khi nhiều gia đình phải thanh toán nợ vay sinh viên từ tháng 10 tới.
“Sau khi đã tính toán tác động của lạm phát, chúng tôi ước tính khối tiền tiết kiệm của người Mỹ đã cạn kiệt hoàn toàn so với mức cao nhất vào năm 2021 là 2.100 tỷ USD”, ông Kolanovic cho hay.
“Tình hình tài chính của các hộ gia đình có nguy cơ mất cân bằng nếu chi tiêu tiếp tục tăng tốc”, vị chiến lược gia cấp cao của JPMorgan cảnh báo.
Và mặc dù thanh khoản nói chung của các hộ gia đình Mỹ vẫn còn cao, ước tính vào khoảng 1.400 tỷ USD sau khi đã điều chỉnh theo lạm phát, khoản tiền đó cũng có nguy cơ cạn kiệt hoàn toàn vào tháng 5/2024, ông lưu ý.
“Lo ngại của chúng tôi là liệu lượng thanh khoản còn lại có thể hỗ trợ chi tiêu tiêu dùng trong dài hạn hay không. Chúng tôi vẫn giữ quan điểm là các nhóm thu nhập thấp sẽ bị căng thẳng tài chính khi chi phí đi vay không có dấu hiệu giảm xuống”, ông nói.
Một khảo sát gần đây của Morgan Stanley cho thấy phần đông người tiêu dùng Mỹ đang bày tỏ lo lắng về việc phải trả nợ vay sinh viên vào tháng 10 tới. Chính phủ đã tạm dừng việc thanh toán vào tháng 3/2020, như một hình thức hỗ trợ người dân trong đại dịch.
“Chỉ 29% người tiêu dùng có khoản vay sinh viên liên bang tự tin rằng họ có đủ tiền để bắt đầu thanh toán mà không cần phải điều chỉnh chi tiêu”, kết quả khảo sát chỉ ra.
Tuy nhiên, 37% người tham gia khảo sát cho biết họ sẽ phải cắt giảm chi tiêu để thanh toán nợ, trong khi 34% nói họ không thể thanh toán.
Trong trường hợp này, việc chính phủ khởi động lại chương trình trả nợ vay sinh viên sẽ tác động tiêu cực nhất đến các hộ gia đình thu nhập thấp.
Chứng khoán Mỹ sẽ giảm điểm?
Theo báo cáo của JPMorgan, người tiêu dùng yếu đi chỉ là một lý do khiến ông Kolanovic tiếp tục thận trọng về thị trường chứng khoán Mỹ, trong bối cảnh giá cổ phiếu đã giảm 5% trong tháng 8.
Ông còn bày tỏ nỗi lo về việc biên lợi nhuận doanh nghiệp sụt giảm, lãi suất tăng cao và nhiều công ty không muốn mua lại cổ phiếu của chính mình (tức mua cổ phiếu quỹ).
“Giới chuyên gia kỳ vọng tốc độ tăng trưởng EPS năm 2024 là 12%, đây là một rào cản lớn đối với doanh nghiệp trong một chu kỳ kinh doanh già cỗi....
...và trong một môi trường mà chính sách tiền tệ thắt chặt, chi phí huy động vốn gia tăng, chính sách tài khoá nới lỏng, tiết kiệm của người tiêu dùng và thanh khoản của các hộ gia đình thu hẹp, tỷ lệ thất nghiệp thấp và rủi ro suy thoái kinh tế ngày càng lớn”, báo cáo có đoạn.
Ông Kolanovic nhấn mạnh Trung Quốc và Đức là những quốc gia có nguy cơ sẽ xuất hiện suy thoái và JPMorgan vẫn dự đoán Mỹ sẽ rơi vào suy thoái vào đầu năm 2024, theo Markets Insider.
Trong khi đó, biên lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ chịu áp lực “do tác động có độ trễ của chính sách tiền tệ với nhu cầu tiêu dùng”. Sẽ có ngày càng nhiều công ty sử dụng các chương trình khuyến mãi và ưu đãi để kích cầu.
“Quyền định giá của doanh nghiệp suy giảm, kết hợp với việc chi phí lao động và lãi suất cùng gia tăng, sẽ tiếp tục gây áp lực lên biên lợi nhuận của nhiều công ty”, ông cảnh báo.
Vị chiến lược gia của JPMorgan còn cho biết một cơn gió ngược khác đối với thị trường chứng khoán là định giá cổ phiếu quá cao khiến việc mua cổ phiếu quỹ trở nên kém hấp dẫn với những công ty vay nợ nhiều.
Ông Kolanobic dự đoán chỉ số S&P 500 sẽ kết năm 2023 ở mức 4.200 điểm, giảm khoảng 4% so với mức hiện tại.