Tác giả ‘Cha giàu, cha nghèo’ nói Warren Buffett và Michael Burry đều đang chờ chứng khoán Mỹ sụp đổ, lý do là gì?
Ông Robert Kiyosaki, tác giả cuốn sách “Cha giàu, cha nghèo” nổi tiếng, cho rằng cả huyền thoại đầu tư Warren Buffett và thiên tài bán khống Michael Burry đều đang chờ thị trường chứng khoán Mỹ lao dốc và các món hời lộ diện.
Trên chương trình của Fox Business, ông Kiyosaki bình luận: “Warren Buffett đang đứng bên lề thị trường với 147 tỷ USD, ông để tiền vào tín phiếu và trái phiếu Kho bạc ngắn hạn. Còn Michael Burry nổi tiếng trong 'The Big Short' thì đang bán khống thị trường.
Tôi thấy rằng hai người đàn ông này đang chờ đợi thị trường sụp đổ rồi quay trở lại. Họ đang để rất nhiều tiền bên ngoài thị trường”.
Warren Buffett không phát tín hiệu rằng thị trường chứng khoán Mỹ sẽ sụp đổ. Nhưng trong quý vừa qua, Berkshire Hathaway đã bán ròng gần 8 tỷ USD cổ phiếu. Đây không phải con số quá lớn đối với Warren Buffett, nhưng là động thái đáng chú ý giữa lúc thị trường đang trên đà tăng.
Tính chung trong cả ba quý gần nhất, Berkshire đã bán ròng 33 tỷ USD cổ phiếu, khối tiền mặt của tập đoàn tăng thêm 38 tỷ USD, tờ Markets Insider cho biết.
Giờ đây Warren Buffett có sẵn rất nhiều hỏa lực để nhắm vào các cổ phiếu giá rẻ và thực hiện các thương vụ mua lại nếu thị trường thực sự đi xuống. Đây chính là những gì Warren Buffett đã làm trong cuộc Đại Suy thoái năm 2008, khi ông đạt được thỏa thuận với Goldman Sachs, General Electric và nhiều ông ty khác.
Michael Burry, nhà đầu tư nổi tiếng được khắc họa trong bộ phim “The Big Short”, có vẻ cũng đang chuẩn bị cho ván cược lớn. Trong quý II, quỹ đầu cơ Scion Asset Management của Burry đã mua các quyền chọn bán chống lại hai quỹ ETF chuyên mô phỏng chỉ số S&P 500 và Nasdaq 100 với tổng giá trị ẩn lên đến hơn 1,6 tỷ USD.
Burry từng cảnh báo về bong bóng lịch sử trong thị trường chứng khoán Mỹ và dự đoán các nhà đầu tư sẽ chứng kiến “vụ sụp đổ lớn nhất mọi thời đại”. Giống như Buffett, Burry là nhà đầu tư giá trị chuyên tìm kiếm các cổ phiếu bị định giá thấp và tìm cách kiếm lời từ các đợt bán tháo.
Vị thế bán khống mới nhất của Burry làm dấy lên hồi chuông cảnh báo trên thị trường, bởi ông là một trong số ít người lường trước được sự đổ vỡ của thị trường nhà đất Mỹ năm 2008 và lãi đậm từ sự kiện này.
Trái với hai huyền thoại trên, hầu hết các nhà quản lý quỹ hiện nay đều có cái nhìn tích cực hơn đối với cổ phiếu.
Theo khảo sát tháng 8 của Bank of America, tâm lý bi quan của các nhà quản lý quỹ đang ở mức thấp nhất kể từ tháng 2/2022. Tỷ lệ tiền mặt giảm từ 5,3% xuống 4,8%, đồng nghĩa rằng họ đang đem tiền đi đầu tư thay vì giữ chặt trong ví.
Đâu là nguyên nhân khiến các nhà quản lý quỹ thấy lạc quan? Chỉ số S&P 500 đã tăng gần 17% kể từ đầu năm, còn chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composit thì cao hơn 30% so với đầu năm 2023. Người tiêu dùng Mỹ tiếp tục chi tiêu, tỷ lệ thất nghiệp thấp, lạm phát đang đi xuống và Cục Dự trữ Liên bang (Fed) có thể sẽ sớm ngừng chiến dịch tăng lãi suất.
Vậy Warren Buffett và Michael Burry nhìn thấy dấu hiệu cảnh báo nào mà chúng ta không nhận ra? Dưới đây là 4 yếu tố có thể là nguyên nhân khiến hai nhà đầu tư sợ hãi, theo tờ CNN.
Nền kinh tế Trung Quốc suy yếu
Sức khỏe của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã trở thành nỗi lo ngại của giới đầu tư Mỹ. Họ lo sợ điểm yếu của nền kinh tế Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến triển vọng toàn cầu.
Các chỉ tiêu tiêu dùng, sản lượng công nghiệp và đầu tư cho tài sản cố định của Trung Quốc đều tiếp tục chậm lại trong tháng 7. Gần đây, Trung Quốc cũng ngừng công bố tỷ lệ thất nghiệp của giới trẻ hàng tháng sau khi số liệu này liên tục lập kỷ lục.
Trong khi đó, căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc lại tiếp tục leo thang trong bối cảnh hai quốc gia bất đồng về hàng loạt vấn đề, từ chính sách thương mại cho đến công nghệ.
Tác động của chiến sự Nga-Ukraine đến lạm phát
Giao tranh giữa Nga và Ukraine tiếp tục làm dấy lên nỗi sợ về nguy cơ giá hàng hóa tăng cao, nền kinh tế và an ninh toàn cầu rơi vào bất ổn.
- TIN LIÊN QUAN
-
Thoả thuận ngũ cốc của Nga và Ukraine đổ vỡ, ai có thể cứu thế giới khỏi khủng hoảng lương thực? 04/08/2023 - 15:35
Ông Jamie Dimon, CEO JPMorgan Chase, đã nhiều lần bày tỏ rằng cuộc chiến giữa Nga và Ukraine là nỗi lo lớn nhất của ông.
Trong cuộc phỏng vấn gần đây, ông nói với CNBC rằng thế giới đang chứng kiến mức độ “phổ biến vũ khí hạt nhân và đe dọa bằng hạt nhân” nghiêm trọng.
Ông nói rằng đây là lần đầu tiên kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai tình hình địa chính trị lại hỗn loạn đến vậy. Ông nhấn mạnh: “Thế giới không an toàn như chúng ta nghĩ”.
Nền kinh tế Mỹ giảm tốc
Lạm phát đang đi xuống ổn và tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục ở mức thấp, nhưng nền kinh tế Mỹ cũng đồng thời cho thấy dấu hiệu giảm tốc.
Người tiêu dùng đã thắt chặt ví để đối phó với giá cả và chi phí vay gia tăng, tập trung cho những hàng hóa thiết yếu thay vì mua những món đồ không thực sự cần thiết như quần áo và đồ nội thất.
Dữ liệu từ một số nhà bán lẻ cho thấy nhu cầu đang suy yếu, và điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến lợi nhuận của họ.
Các ngân hàng vẫn là rủi ro
Nỗi lo vẫn chưa biết mất hoàn toàn sau cuộc khủng hoảng ngân hàng toàn cầu hồi tháng 3. Quỹ đầu cơ của Michael Burry đã thoái vốn khỏi một số ngân hàng khu vực, bán ra cổ phiếu của First Republic Bank, Huntington Bank, PacWest và Western Alliance.
Các ngân hàng lớn cũng có thể đang ở trong ghế nóng. Fitch Ratings cảnh báo rằng hàng chục ngân hàng Mỹ có nguy cơ bị hạ xếp hạng tín nhiệm, bao gồm cả những ông lớn như JPMorgan Chase hay Bank of America.