Chứng khoán Mỹ đối mặt với tuần mới đầy thử thách sau gần một tháng rực đỏ
Thông tin từ gã khổng lồ công nghệ
Các nhà đầu tư vẫn đang choáng váng với tuần tiêu cực nhất của thị trường chứng khoán Mỹ kể từ tháng 2 và họ sẽ phải theo sát những sự kiện quan trọng trong vài ngày tới. Thị trường có thể sẽ phải trải qua thử thách lớn hơn cả bài phát biểu của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell.
Đầu tiên, các nhà đầu tư sẽ nhìn vào báo cáo kết quả kinh doanh của Nvidia vào ngày 23/8. Hồi tháng 5, nhà sản xuất chip này đã đưa ra dự báo chấn động rằng doanh thu quý II sẽ tăng vọt, thúc đẩy chỉ số S&P 500 đi lên.
Sau đó, ông Powell sẽ kết thúc tuần với bài phát biểu tại hội nghị thường niên ở Jackson Hole, Wyoming. Kể từ năm 2000, bài phát biểu hàng năm của Chủ tịch Fed thường là chất xúc tác tích cực với cổ phiếu.
Dữ liệu do Bloomberg Intelligence tổng hợp cho thấy trung bình chỉ số S&P 500 tăng 0,4% trong tuần tiếp theo. Nhưng sau khi ông Powell cảnh báo sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ để dập tắt lạm phát tại hội nghị năm ngoái, chứng khoán Mỹ đã sụt 3,2% trong tuần kế tiếp.
Rủi ro lần này là ông Powell sẽ ủng hộ việc tiếp tục thắt chặt chính sách trong năm nay. Điều này sẽ ảnh hưởng xấu đến kỳ vọng về tăng trưởng đúng lúc các thị trường đang lo lắng về Trung Quốc. Kịch bản này cũng sẽ gây rủi ro cho các dự báo lợi nhuận của Phố Wall, đặc biệt là đối với các cổ phiếu công nghệ được yêu thích.
Bà Stephanie Lang, Giám đốc đầu tư tại Homrich Berg, nói với Bloomberg: “Các nhà đầu tư đang hy vọng lạm phát sẽ được kiểm soát và Fed có thể tuyên bố chiến thắng, nhưng những điều này vẫn chưa xảy ra trong thực tế. Đây chính là rủi ro lớn nhất đối với thị trường chứng khoán”.
Bà nói thêm: “Đà tăng của thị trường từ đầu năm đến nay sẽ khó có thể tiếp diễn trừ khi Nvidia có thể chuyển hóa sức mạnh của AI sang tăng trưởng lợi nhuận”.
Nguy cơ bán tháo tiếp diễn
Tuy nhiên, về lâu dài, lộ trình chính sách của Fed có tầm quan trọng hơn tất thảy. Ngân hàng trung ương Mỹ còn ba cuộc họp khác trong năm 2023. Trên thị trường lãi suất, các nhà đầu tư đang nghiêng về khả năng Fed giữ nguyên lãi suất vào tháng tới và tăng chưa đến 0,125 điểm % lãi suất vào tháng 11.
Trong tháng này, báo cáo chỉ số giá tiêu dùng cho thấy lạm phát tháng 7 đã được kiềm chế. Nhưng doanh số bán lẻ mạnh mẽ cũng thể hiện rằng người tiêu dùng vẫn rất kiên cường, do đó Fed có thể thấy cần phải theo đuổi chính sách quyết liệt hơn để ngăn lạm phát bám rễ vào nền kinh tế.
Chỉ số S&P 500 vừa trải qua ba tuần giảm điểm liên tiếp đầu tiên kể từ tháng 2. Các nhà đầu tư trên thị trường phái sinh đang ngày càng quan tâm đến các quyền chọn cho phép họ đặt cược vào sự sụt giảm của chứng khoán Mỹ.
Theo dữ liệu do Bloombeg tổng hợp, hơn 25 triệu quyền chọn bán đã được sang tay trên các sàn giao dịch của Mỹ vào ngày 17/8 - mức cao nhất kể từ khủng hoảng ngân hàng khu vực vào tháng 3. Trong khi đó, nhu cầu dành cho các quyền chọn mua vẫn ở mức trung bình.
Chỉ số S&P 500 đã giảm 4,8% kể từ đầu tháng 8 và sắp sửa ghi nhận tháng tồi tệ nhất trong năm 2023. Chỉ số VIX - thước đo biến động dự kiến của S&P 500 - đang ở gần mức cao nhất kể từ tháng 5. Tuy sự suy yếu của chứng khoán Mỹ chưa gây ra hoảng loạn, các nhà giao dịch phái sinh rõ ràng đang chú ý tới khả năng chuỗi bán tháo sẽ kéo dài.
Tình huống trên càng khiến hội nghị Jackson Hole trở nên đáng chú ý. Ông Dennis Debusschere, Giám đốc của công ty nghiên cứu 22V Research, dự đoán: “Đừng nghĩ rằng Chủ tịch Powell sẽ giáng búa tạ lên thị trường như trong năm 2022.
Chúng tôi dự kiến ông Powell sẽ giữ nguyên lập trường, nhấn mạnh các quyết định của Fed sẽ phụ thuộc vào dữ liệu, và phát biểu này sẽ không bị coi là diều hâu trong bối cảnh lợi suất trái phiếu gia tăng và giá các tài sản rủi ro đang sụt giảm”.