Rủi ro kinh tế gia tăng, Trung Quốc có nguy cơ không đạt mục tiêu tăng trưởng 5%
Các nhà kinh tế cảnh báo nếu chính quyền Bắc Kinh không có thêm biện pháp kích thích, Trung Quốc sẽ ngày càng khó đạt được mục tiêu tăng trưởng khoảng 5% trong năm 2023.
Đầu tuần này, Trung Quốc đã ngừng công bố tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ sau nhiều tháng cao kỷ lục. Những dữ liệu khác trong tháng 7 cũng mô tả tình trạng kinh tế sa sút trên diện rộng. Tình hình càng xấu đi trong những ngày gần đây bởi rắc rối trên thị trường nhà đất, tờ CNBC cho biết.
Bà Tao Wang, kinh tế trưởng của UBS Investment Bank tại thị trường Trung Quốc, viết trong lưu ý: “Sự suy yếu lâu dài của lĩnh vực xây dựng bất động sản sẽ làm gia tăng áp lực, buộc các công ty công nghiệp phải giảm bớt hàng tồn kho và đè nén nhu cầu tiêu dùng”.
Bà nói tiếp: “Trong trường hợp đó, triển vọng kinh tế có thể sẽ ảm đạm trong phần còn lại của năm 2023 và Trung Quốc có khả năng không đạt được mục tiêu tăng trưởng là khoảng 5%. Khi đó, áp lực giảm phát có thể sẽ kéo dài lâu hơn nữa, và các nhà hoạch định chính sách sẽ cần đến các biện pháp mạnh mẽ hơn nhiều hoặc khác thường để vực dậy nền kinh tế”.
Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đóng góp gần 18% GDP toàn cầu năm 2022, theo dữ liệu của World Bank.
Trong báo cáo mới đây, các nhà kinh tế của ngân hàng Nomura nhận định: “Theo chúng tôi, Bắc Kinh nên đóng vai trò là người cho vay cuối cùng để hỗ trợ một số nhà phát triển bất động sản và tổ chức tài chính lớn đang gặp rắc rối. Bắc Kinh cũng nên đảm nhận vị trí người chi tiêu cuối cùng để nâng tổng cầu”.
Báo cáo còn có đoạn: “Chúng tôi ngày càng thấy nhiều rủi ro cho tăng trưởng GDP quý III và quý IV. Ngày càng có nhiều khả năng tăng trưởng GDP cả năm nay sẽ không chạm được mốc 5%”.
Một số ngân hàng lớn khác đã hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc sau dữ liệu kinh tế tháng 7 gây thất vọng. JPMorgan ước tính GDP Trung Quốc sẽ tăng trưởng 4,8% trong năm 2023, Barclays thì đưa ra dự báo còn bi quan hơn là 4,5%, tờ Bloomberg đưa tin.
Thủ tướng Trung Quốc hứa hẹn
Bắc Kinh đã thừa nhận những thách thức của nền kinh tế và báo hiệu sẽ cung cấp thêm chính sách hỗ trợ. Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã bất ngờ giảm lãi suất vào ngày 15/8. Nhưng các động thái này cần thời gian để phát huy tác dụng và cho đến nay chúng vẫn chưa củng cố được tâm lý thị trường, đặc biệt là khi các tin tức đáng ngại nổi lên.
Country Garden, gã khổng lồ bất động sản từng được coi là doanh nghiệp cuối cùng có thể trụ lại trên thị trường, giờ đang đứng trước bờ vực vỡ nợ. Trong tháng 8, Zhongrong International Trust, một trong những công ty lớn nhất trong ngành quỹ ủy thác của Trung Quốc, đã trễ hạn thanh toán với ba công ty đại chúng, theo thông tin từ Wind Information.
Trong cuộc họp của Hội đồng Nhà nước Trung Quốc hôm 16/8, Thủ tướng Lý Cường tuyên bố Trung Quốc sẽ nỗ lực để đạt được mục tiêu tăng trưởng đã đề ra cho năm 2023. Ông kêu gọi tăng cường nhu cầu nội địa và thúc đẩy tiêu dùng. Ông cũng nói rằng Trung Quốc nên cố gắng “kết hợp” giữa an ninh và phát triển - trong bối cảnh thúc đẩy hoạt động kinh doanh nói chung.
Tuy nhiên trong cuộc họp, ông Lý không đề cập đến thị trường bất động sản. Và khi nói về thị trường lao động, ông cũng chỉ kêu gọi “sử dụng nhiều kênh” để gia tăng việc làm.
Chọn giữa tăng trưởng và an ninh quốc gia
Ban đầu, việc các nhà chức trách Trung Quốc siết gọng kìm lên các nhà phát triển bất động sản là nhằm giảm sự phụ thuộc của tăng trưởng kinh tế vào thị trường nhà đất. Trong năm 2023, Bắc Kinh nhấn mạnh giảm thiểu rủi ro là một trong những mục tiêu hàng đầu. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng đang trong quá trình tái cơ cấu các cơ quan quản lý lĩnh vực tài chính.
Công ty nghiên cứu Rhodium viết trong báo cáo tháng 6 rằng nợ của các chính quyền địa phương Trung Quốc vẫn đang ở mức cao và tiền mặt trong tay họ thì lại giảm.
Báo cáo lưu ý rằng giới chức trách tại các địa phương đã chi tiền mua đất, thay thế nhu cầu từng đến từ các nhà phát triển bất động sản tư nhân.
Các nhà phân tích nhìn nhận: “Tình hình tài chính yếu ớt của các chính quyền địa phương đang ngăn cản Bắc Kinh tối ưu hóa chính sách tài khóa để hỗ trợ nền kinh tế”.
Đối với nhiều người, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài, việc Bắc Kinh trì hoãn động thái chính sách lớn là dấu hiệu khẳng định rằng chính phủ đã quyết tâm thay đổi các ưu tiên.
Ông Gabriel Wildau, Giám đốc điều hành tại công ty tư vấn Teneo, viết trong báo cáo ngày 15/8: “Phản ứng hờ hững với thị trường nhà đất... báo hiệu rằng giới lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc đã giảm bớt sự chú trọng vào tăng trưởng kinh tế để ưu tiên cho những yếu tố như an ninh quốc gia và khả năng tự lực về công nghệ. Và tín hiệu này có ảnh hưởng sâu rộng hơn nhiều dự đoán của chúng tôi”.
Ông cho biết: “Chúng tôi dự đoán rằng các nhà hoạch định chính sách sẽ tăng cường kích thích nhà ở một cách đáng kể trong những tháng tới, giúp doanh số bán hàng và hoạt động xây dựng vào cuối năm cải thiện”.