|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Vì sao Trung Quốc có quá ít lựa chọn tốt để vực dậy nền kinh tế?

08:20 | 10/08/2023
Chia sẻ
Hệ số nợ/GDP quá cao khiến chính phủ Trung Quốc khó có thể tung ra các biện pháp kích thích lớn để củng cố tăng trưởng nền kinh tế.

Một con phố tại Trung Quốc. (Ảnh: Bloomberg). 

Trong vài tuần qua, các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc liên tục hứa hẹn sẽ thực hiện thêm biện pháp để củng cố nền kinh tế.

Đôi khi những lời cam kết này có vẻ đã thuyết phục được các nhà đầu tư, giúp thị trường chứng khoán Trung Quốc tăng điểm. Nhưng thường thì nhà đầu tư sẽ mặc kệ và chờ đợi những biện pháp hỗ trợ hữu hình hơn từ chính phủ.

Tuy nhiên, các nhà phân tích và chuyên gia kinh tế nói với CNN rằng hy vọng của nhà đầu tư sẽ khó thành hiện thực bởi Trung Quốc đã mắc nợ quá nhiều để có thể thúc đẩy nền kinh tế như trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 15 năm trước.

Ngoại trừ một số bước nhỏ để trợ giúp thị trường bất động sản và điều chỉnh lãi suất, chính phủ Trung Quốc hầu như không đưa ra dấu hiệu nào cho thấy họ sẽ phát tiền cho người tiêu dùng hay doanh nghiệp.

Ông Craig Singleton, chuyên gia cấp cao tại tổ chức nghiên cứu Foundation for Defense of Democracies, đánh giá: “Các nhà hoạch định chính sách không sẵn lòng thực hiện kích thích tài khóa hoặc tiền tệ lớn, nhiều khả năng do họ sợ khuếch đại rủi ro nợ nần của Trung Quốc”.

Ông nói thêm: “Chúng ta chỉ có thể mong đợi các các biện pháp ít ỏi, chủ yếu từ phía cung, nhằm thu hút thêm vốn tư nhân và tăng cường sở hữu xe điện”.

Các biện pháp cần thiết

Sau khi chấm dứt các hạn chế phòng dịch, nền kinh tế thứ hai thế giới có khởi đầu năm mạnh mẽ. Nhưng cuộc phục hồi hậu COVID của Trung Quốc đã mất đà.

GDP quý II của nước này gần như không tăng trưởng so với quý trước. Các dấu hiệu giảm phát cũng xuất hiện nhiều hơn, làm dấy lên lo ngại rằng Trung Quốc có thể bước vào giai đoạn trì trệ kéo dài.

 

 

 

 

Bà Alicia Garcia-Herrero, nhà kinh tế trưởng tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương tại ngân hàng đầu tư Natixis, cho biết Trung Quốc có nguy cơ sẽ bước vào “bẫy thanh khoản”, tức là chính sách tiền tệ hầu như mất tác dụng và người tiêu dùng giữ lấy tiền mặt thay vì chi tiêu.

Các nhà phân tích cho biết để đưa nền kinh tế đi đúng hướng, Bắc Kinh cần phải đi kèm hành động với lời nói.

Theo UBS Global Wealth Management, Trung Quốc “rõ ràng” đã kiềm chế để không tung ra các gói kích thích khổng lồ trong thời COVID như các nền kinh tế phát triển. Ví dụ, quy mô kích thích tài khóa của Trung Quốc chỉ bằng 1/3 Mỹ, và nước này cũng không phát tiền mặt trực tiếp cho dân.

Sự kiềm chế này giúp Trung Quốc tránh được cú sốc lạm phát xảy ra tại Mỹ và các nước phương Tây. Tuy nhiên, thu nhập khả dụng của các hộ gia đình đã giảm sút cùng lúc với giá trị bất động sản chững lại.

Các đợt cắt giảm lãi suất sẽ không tạo ra được đủ tác động, trừ khi chúng được thực hiện đồng thời với chính sách tài khóa để kích thích nhu cầu.

Nghiên cứu gần đây của UBS gợi ý, để khôi phục niềm tin của người tiêu dùng, Trung Quốc nên kết hợp chính sách tài khóa và tiền tệ, đầu tư cơ sở hạ tầng, bất động sản và tiêu dùng, cùng với các cải cách cơ cấu nền kinh tế.

Hết đạn dược

Quỹ đạo kinh tế của Trung Quốc là nỗi lo lớn đối với các nhà đầu tư quốc tế và những nhà hoạch định chính sách trông cậy nước này sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Nhưng có vẻ Bắc Kinh đã cạn kiệt đạn dược.

Hồi năm 2008, giới lãnh đạo Trung Quốc từng tung ra gói kích thích tài khóa trị giá 4.000 tỷ nhân dân tệ (tương đương khoảng 586 tỷ USD) để giảm bớt hậu quả của khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Chiến lược này được đánh giá là thành công, giúp tăng cường vị thế của Bắc Kinh và tăng trưởng của Trung Quốc. GDP Trung Quốc tăng tới 9% trong nửa cuối năm 2009.

Nhưng những biện pháp trên, với trọng tâm là các dự án cơ sở hạ tầng do chính phủ chỉ đạo, cũng đồng thời dẫn đến việc mở rộng tín dụng chưa từng có và sự tăng mạnh của nợ chính quyền địa phương. Năm 2012, Bắc Kinh tuyên bố sẽ không làm như vậy lần nữa. Cái giá phải trả quá cao.

Rắc rối nợ nần của Trung Quốc càng trở nên trầm trọng trong đại dịch COVID-19. Các nhà phân tích ước tính rằng các khoản nợ chưa thanh toán của chính quyền Trung Quốc đã vượt quá 123.000 tỷ nhân dân tệ (khoảng 18.000 tỷ USD) vào năm ngoái.

Gần 10.000 tỷ USD trong số đó là “nợ ẩn” thuộc về những công cụ huy động vốn rủi ro của các chính quyền địa phương.

*Số liệu chính thức không bao gồm nợ ẩn của các chính quyền địa phương. 

Nhà kinh tế Garcia-Herrero nhận xét: “Bắc Kinh chưa công bố gói kích thích tài khóa nào. Điều này cho thấy các nhà hoạch định chính sách vẫn lo ngại về sự gia tăng quá nhanh của nợ công”.

Bà ước tính rằng nếu Bắc Kinh hành động, nợ công của Trung Quốc sẽ vượt quá ngưỡng 100% GDP của hiện tại, và đẩy nền kinh tế thứ hai thế giới “vào nhóm những quốc gia nợ nần nhất trên thế giới”.

Chuyên gia Singleton nhận định rằng “đội ngũ lãnh đạo kinh tế mới của Trung Quốc có quá ít công cụ để vực dậy tăng trưởng một cách có ý nghĩa”.

Ông dự đoán ngành bất động sản sẽ đè nặng lên tăng trưởng trong nhiều năm tới. Mức nợ đáng báo động của quốc gia và việc người tiêu dùng trong và ngoài nước ngần ngại chi tiêu cũng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế Trung Quốc.

Giang