|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Bắc Kinh vẫn đang quá tự tin vào nền kinh tế Trung Quốc?

15:18 | 01/08/2023
Chia sẻ
Sau dữ liệu kinh tế quý II ảm đạm, chính phủ Trung Quốc vẫn từ chối tung ra các biện pháp kích thích lớn. Điều này có thể khiến nền kinh tế tỷ dân suy yếu nặng nề hơn nữa.

Thị trường lao động của Trung Quốc có nguy cơ tiếp tục đi xuống. (Ảnh minh hoạ: Reuters). 

Niềm tin lạc quan

Nền kinh tế Trung Quốc đang bước vào khoảng lặng bình thường trong quá trình phục hồi hậu đại dịch. Hoặc, Trung Quốc đang đứng trước bờ vực của một giai đoạn tồi tệ hơn, chính là giảm phát kết hợp với tăng trưởng sa sút.

Theo tờ Wall Street Journal (WSJ), số liệu PMI tháng 7 mới được Bắc Kinh công bố cho thấy kịch bản thứ hai có khả năng cao hơn nhiều.

Song, giới lãnh đạo Trung Quốc dường như vẫn đang chờ đợi và quan sát. Bắc Kinh đang tăng cường hỗ trợ cho những ngành được ưu ái như xe điện và động viên các doanh nhân, nhưng không hề tung ra các biện pháp kích thích tài khóa và tiền tệ lớn. Sự tự tin này có thể sẽ khiến họ phải trả giá.

Tâm lý lạc quan về nền kinh tế thứ hai thế giới được diễn giải như sau: Trung Quốc chỉ vừa chấm dứt các hạn chế COVID-19 khoảng nửa năm trước, thu nhập của các hộ gia đình vẫn đang phục hồi và thị trường lao động của các nước khác cũng mất nhiều thời gian để tìm lại chỗ đứng sau đại dịch.

Tuần trước, Bộ Chính trị Trung Quốc lưu ý rằng cuộc phục hồi kinh tế “có lúc thăng lúc trầm” nhưng triển vọng dài hạn vẫn tươi sáng, cho thấy Bắc Kinh tin vào kịch bản lạc quan về tăng trưởng. Bộ Chính trị Trung Quốc khuyến nghị thực hiện thêm chính sách hỗ trợ nhưng không đưa ra bất kỳ công bố “bom tấn” nào.

 

Các vấn đề hiện tại của Trung Quốc, đặc biệt là trong lĩnh vực dịch vụ, có vẻ đáng ngại một cách khác thường khi so sánh với giai đoạn trước COVID. Điều này có nghĩa là quá trình trở về giá trị trung bình - giống như những gì đã diễn ra tại nhiều nền kinh tế lớn khác sau đại dịch - sẽ đặt nền kinh tế Trung Quốc vào vị thế vững chắc hơn nhiều.

PMI dịch vụ của Trung Quốc đạt 51,5 điểm vào tháng 7, con số thấp nhất được ghi nhận từ tháng 12 năm ngoái - và thấp hơn gần 2 điểm so với mức trung bình trong giai đoạn từ năm 2012 đến khi đại dịch bắt đầu. PMI xây dựng tháng 7 đạt 51,2 điểm, còn mức trung bình trong giai đoạn trước đại dịch là khoảng 60 điểm. 

Viễn cảnh tiêu cực

Còn theo cách diễn giải bi quan thì những gì đang xảy ra tại Trung Quốc không thực sự giống với trải nghiệm hậu COVID-19 tại những nền kinh tế lớn khác.

Thị trường địa ốc của Trung Quốc vẫn còn chìm trong khủng hoảng. Các nhà phát triển bất động sản vẫn gặp căng thẳng tài chính. Moody’s lưu ý rằng 72% nhà phát triển bất động sản phát hành trái phiếu trả lợi suất cao mà hãng theo dõi có thanh khoản thấp vào tháng 6. Các dự án tương lai của họ cũng gặp rắc rối trầm trọng.

Xuất khẩu - lĩnh vực giúp Trung Quốc giảm bớt thiệt hại kinh tế khi thị trường bất động sản xuống dốc trong năm 2021 và 2022 - đang sụt giảm trong bối cảnh châu Âu gặp khó khăn và sự bùng nổ nhu cầu dành cho hàng điện tử trong thời đại dịch lắng xuống.

Các hộ gia đình Trung Quốc thì khó khăn đủ bề. So với các hộ gia đình phương Tây, họ phải chịu đựng giai đoạn phong tỏa và tuân thủ các hạn chế chống dịch trong thời gian dài hơn.

Tài sản quan trọng nhất của họ - nhà ở - đang bắt đầu mất giá trị lần nữa. Và trong vài năm qua, chính phủ Trung Quốc đã siết quản lý lên một số ngành tạo ra nhiều việc làm, bao gồm công nghệ và dạy thêm.

Dưới những tình huống trên, những phát biểu khích lệ giới doanh nghiệp và người tiêu dùng của các quan chức cấp cao có thể không đủ để xoay chuyển tình thế.

Nền kinh tế Trung Quốc có lẽ cần sự hỗ trợ lớn hơn, ví dụ như phát tiền mặt trực tiếp cho các hộ gia đình, cải thiện đáng kể của mạng lưới an sinh xã hội hoặc chương trình cải cách đầy tham vọng, thân thiện với thị trường.

Mối nguy lúc này là Bắc Kinh coi các rắc rối hiện tại là hiện tượng nhất thời, và sự yếu kém của lĩnh vực xuất khẩu và xây dựng lại tiếp tục kéo thị trường lao động đi xuống.

Ngay lúc này, Trung Quốc đã chứng kiến những dấu hiệu cảnh báo. Trong chỉ số PMI xây dựng, thước đo phụ về việc làm đã giảm xuống 45,2 điểm trong tháng 7, mức thấp nhất kể từ tháng 12. Chỉ số phụ về việc làm trong nhà máy cũng giảm nhẹ.

Chuyển biến tại thủ đô Bắc Kinh trong vài tháng sau có thể đóng vai trò rất quan trọng đối với quá trình phát triển của nền kinh tế Trung Quốc trong vài năm tới. Tuy nhiên, cho đến nay, giới lãnh đạo Trung Quốc dường như vẫn bằng lòng với việc chờ đợi và hy vọng điều tốt đẹp nhất sẽ tự xảy ra.

Giang