|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Tiền của Trung Quốc rút khỏi phương Tây, đổ dồn vào Đông Nam Á và các nước giàu tài nguyên

07:45 | 25/07/2023
Chia sẻ
Các nhà đầu tư Trung Quốc từng vung tiền mua bất động sản tại Mỹ và châu Âu, nhưng giờ họ đang đổ vốn vào các nhà máy và dự án năng lượng ở châu Á cũng như các khu vực giàu tài nguyên trên thế giới.

Indonesia - quốc gia có trữ lượng niken lớn - là nước nhận được nhiều tiền đầu tư từ Trung Quốc nhất trong năm 2023. (Ảnh: Zuma Press). 

Lợi và hại của phương Tây 

Vài năm trước, tiền từ Trung Quốc lũ lượt đổ vào các nền kinh tế tiên tiến của phương Tây. Nhà đầu tư Trung Quốc công bố loạt thương vụ bom tấn, vung tiền mua hàng loạt tài sản có giá trị và danh tiếng cao, từ các khách sạn 5 sao ở New York cho đến công ty sản xuất robot khổng lồ của Đức. Nhưng thời đại đó đã chấm dứt.

Đầu tư từ Trung Quốc đang rút khỏi phương Tây trong bối cảnh Mỹ và châu Âu ngày càng có cái nhìn tiêu cực về dòng vốn của Trung Quốc. Thay vào đó, giới doanh nghiệp Trung Quốc đẩy mạnh rót tiền vào các nhà máy ở Đông Nam Á, dự án khai thác mỏ và năng lượng ở châu Á, Trung Đông và Nam Phi.

Hiện tại, Bắc Kinh đang tìm cách củng cố liên minh tại những khu vực này và đảm bảo quyền tiếp cận tới những nguồn tài nguyên thiết yếu, tờ Wall Street Journal (WSJ) cho biết. 

Theo ước tính sơ bộ của Viện Doanh nghiệp Mỹ, nước nhận được nhiều tiền đầu tư từ Trung Quốc nhất trong năm 2023 là Indonesia. Quốc gia Đông Nam Á này có nhiều niken - thành phần quan trọng trong các loại pin cho xe điện.

Sự chuyển hướng của dòng tiền đầu tư cho thấy cách Trung Quốc phản ứng với mối quan hệ xấu đi với phương Tây và thực tế rằng nước này đang củng cố các liên kết thương mại và đầu tư với những khu vực khác trên thế giới.

Dòng vốn đầu tư của Trung Quốc thoái lui khỏi phương Tây có thể khiến thị trường việc làm của một số nước bị tổn hại, đồng thời làm giảm nguồn vốn mà các doanh nhân ở những nơi như Thung lũng Silicon có thể tiếp cận.

Dữ liệu của Liên Hợp Quốc cho thấy trong năm 2022, đầu tư trực tiếp ra nước ngoài từ Trung Quốc đã giảm 18% so với một năm trước, xuống còn 147 tỷ USD. Số liệu này đạt đỉnh 196 tỷ USD vào năm 2016.

 

Theo các nhà phân tích, có rất ít khả năng Trung Quốc sẽ tích cực thực hiện các thương vụ mua bán và sáp nhập quốc tế như xưa, chủ yếu là do căng thẳng địa chính trị với Mỹ và các đồng minh.

Ngoài quan hệ với các nước khác, Trung Quốc cũng có rắc rối riêng như đồng nhân dân tệ mất giá và khu vực kinh tế tư nhân gặp nhiều khó khăn. Bắc Kinh cũng đang tập trung xây dựng nền kinh tế nội địa để củng cố khả năng tự lực. Tất cả những yếu tố trên sẽ khiến dòng vốn đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc suy yếu.

Ông Louis Kuijs, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á-Thái Bình Dương tại S&P Global Ratings, nhận xét: “Nói chung, khả năng Trung Quốc điều hướng tiền đầu tư sang các nền kinh tế tiên tiến đang thu hẹp”.

Thay vào đó, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ sắp xếp lại các khoản đầu tư để củng cố ưu thế trong các lĩnh vực như năng lượng tái tạo và xe điện.

Để làm được điều này, Trung Quốc sẽ cần tăng cường đầu tư vào những thị trường mới nổi ở Đông Nam Á, Trung Đông và châu Phi. Ví dụ, trong tháng 7, nhà sản xuất xe điện Trung Quốc BYD đã thông báo kế hoạch đầu tư hơn 600 triệu USD vào vài nhà máy ô tô ở Brazil, tờ WSJ đưa tin. 

 

Ông Derek Scissors, thành viên cấp cao tại Viện Doanh nghiệp Mỹ, cho rằng Mỹ sẽ không bị ảnh hưởng nhiều bởi việc Trung Quốc rút vốn đầu tư. Tuy nhiên, hiện tượng này có thể gây ra nỗi đau tới những nền kinh tế nhỏ hơn của phương Tây như Australia, Canada hay Hungary.

Tuy nhiên, việc tiền từ Trung Quốc vào các nước phương Tây vơi đi cũng đem đến một số lợi ích. Một trong số đó là làm giảm bớt hành vi đầu cơ đã khiến giá bất động sản tăng vọt tại những nơi như Mỹ, Australia và Canada trong giai đoạn trước đại dịch.

Ông Jim Costello, nhà kinh tế trưởng tại công ty nghiên cứu bất động sản MSCI Real Assets, cho biết: “Khi người Trung Quốc mua nhà ở nước ngoài, họ khiến cả thị trường chuyển động. Họ khiến những người mua khác phải quyết liệt lên và trả giá cao hơn”. 

Cột mốc 2016

Trước năm 2016, Bắc Kinh từng khuyến khích doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài để giúp mở rộng sức mạnh kinh tế của Trung Quốc. Các tập đoàn như hãng hàng không HNA và ông lớn bất động sản Dalian Wanda đổ tiền vào các ngân hàng, chuỗi khách sạn và rạp chiếu phim trên toàn thế giới.

Nhưng đến năm 2016, nỗi lo về dòng vốn tháo chạy và tình trạng căng thẳng tài chính tại các tập đoàn Trung Quốc đã khiến Bắc Kinh siết chặt việc kiểm soát vốn và tăng cường giám soát các thương vụ ở nước ngoài.

Năm 2016, các tổ chức thuộc sở hữu nhà nước và doanh nghiệp Trung Quốc đã thực hiện 120 khoản đầu tư tại các nền kinh tế G7, 67 trong số đó là ở Mỹ, theo dữ liệu của Viện Doanh nghiệp Mỹ và Quỹ Di sản. Năm ngoái, Trung Quốc chỉ tiến hành 13 khoản đầu tư tại các nước G7.

Năm 2016, 84 tỷ USD mà các công ty Trung Quốc rót vào G7 chiếm khoảng một nửa tổng số tiền Trung Quốc đầu tư ra nước ngoài. Còn trong năm 2022, quy mô các khoản đầu tư vào G7 đạt tổng cộng 7,4 tỷ USD, tương đương 18% khoản đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc.

Doanh nghiệp và các thực thể nhà nước Trung Quốc đã rót tổng cộng 24,5 tỷ USD vào châu Á, Nam Mỹ và Trung Đông trong năm ngoái, tăng 13% so với năm 2021. Các thương vụ đáng chú ý bao gồm khoản đầu tư 1,9 tỷ USD của đại gia dầu khí Cnooc vào Brazil và tiền đầu tư của hai nhà sản xuất ô tô BYD và Great Wall Motor vào Thái Lan.

Sau khi các hạn chế COVID-19 được gỡ bỏ, hoạt động đầu tư quốc tế của Trung Quốc cũng chứng kiến mức tăng khiêm tốn. Trong nửa đầu năm 2023, đầu tư ra nước ngoài của các công ty Trung Quốc đạt tổng cộng 29,5 tỷ USD, theo ước tính sơ bộ của Viện Doanh nghiệp Mỹ. 

Giang