|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Giới đầu tư lo nền kinh tế Trung Quốc và châu Âu sẽ kéo Mỹ sa vào suy thoái

11:00 | 18/07/2023
Chia sẻ
Các nhà đầu tư đang bắt đầu lo ngại về kịch bản nền kinh tế Mỹ không thể hạ cánh mềm nếu cả Trung Quốc và châu Âu đều suy yếu.

(Hình minh họa: Thorsten Kirchhoff). 

Mình Mỹ chống chọi cả thế giới?

Giờ đây, rủi ro Mỹ suy thoái không còn là điều duy nhất mà các nhà đầu tư quan tâm. Thị trường đang sợ rằng Trung Quốc và châu Âu có thể kéo nền kinh tế số một thế giới đi xuống.

Nỗi lo trên được thể hiện qua diễn biến phiên giao dịch ngày 17/7. Tốc độ tăng trưởng GDP quý II thấp hơn dự kiến của Trung Quốc có vẻ có ảnh hưởng tới thị trường lớn hơn lời trấn an của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen.

Các thị trường chứng khoán châu Âu hầu hết đều sụt giảm. Các chỉ số chứng khoán chính của Mỹ có phần dao động trong phiên giao dịch sáng nhưng sau đó đã xóa bỏ nghi ngờ về triển vọng của Mỹ và đóng cửa ở mức cao hơn.

Dữ liệu của Trung Quốc cũng tác động đến hàng hóa, khiến giá vàng giảm và giá dầu thô đi xuống trong phiên thứ hai liên tiếp.

Theo tờ MarketWatch, việc nhiều thị trường cùng quan tâm tới triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc cho thấy sự thay đổi trong lối suy nghĩ của các nhà đầu tư.

Trong suốt nhiều tháng, các nhà đầu tư hầu như chỉ chú ý tới câu hỏi nền kinh tế Mỹ sẽ hạ cánh cứng, hạ cánh mềm hay không hạ cánh. Họ không bàn luận nhiều về việc liệu nền kinh tế Mỹ mạnh mẽ có chống chọi nổi sự suy yếu của nền kinh tế toàn cầu hay không.

Nền kinh tế khu vực đồng euro đã rơi vào suy thoái kỹ thuật hồi đầu năm nay. Còn tại Trung Quốc, cuộc phục hồi hậu COVID-19 đang mất đà và áp lực giảm phát ngày càng mạnh lên. Dữ liệu mới công bố cho thấy GDP Trung Quốc chỉ tăng trưởng 0,8% trong quý II so với quý liền trước, và tăng 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Giá USD – vốn thay đổi tương ứng với góc nhìn của nhà đầu tư về tình hình của Mỹ so với phần còn lại của thế giới – biến động hỗn loạn vào ngày 17/7, dựa trên chỉ số USD của ICE. 

 

Ông Keith Buchanan, nhà quản lý danh mục đầu tư trị giá khoảng 2,5 tỷ USD tại GLOBALT Investments, cho biết: “Gần đây ba người chơi lớn nhất trong môi trường kinh tế vĩ mô là Mỹ, Trung Quốc và châu Âu đã có một số sự chia rẽ. Mỗi bên tăng trưởng với tốc độ khác nhau, áp lực lạm phát không giống nhau và thời điểm chấm dứt các hạn chế thời đại dịch cũng khác biệt.

Trong khi châu Âu đang đối mặt với lạm phát dai dẳng thì ở Trung Quốc, câu hỏi đặt ra là ‘liệu chúng ta có cần thêm biện pháp kích thích kinh tế?’ Trung Quốc đang ở trong cuộc chiến hoàn toàn khác với Mỹ và châu Âu. Do đó, câu hỏi quan trọng là ‘liệu cả ba có thể tự bước đi trên con đường của mình mà không ảnh hưởng đến bên khác không?’

Trong thời gian qua, thị trường dự đoán rằng Mỹ đang tiến tới giai đoạn cuối của chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ và lạc quan về triển vọng nền kinh tế hạ cánh mềm. Nhưng thực sự, liệu chúng ta có thể hạ cánh mềm trong khi phần còn lại của thế giới gặp rắc rối? Chỉ thời gian mới có thể đưa ra câu trả lời.

Lúc này, câu hỏi quan trọng hơn cả là liệu Trung Quốc có sẵn sàng kích thích nền kinh tế hay không. Sau đó, chúng ta mới có thể cân nhắc khả năng Mỹ tránh được suy thoái”.

Tác động lan tỏa

Trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen thừa nhận rằng sự giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc có thể gây ra tác động lan tỏa lên toàn thế giới. Tuy nhiên, bà không tin Mỹ sẽ rơi vào suy thoái.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và giá sản xuất (PPI) tháng 6 của Mỹ đã đem lại cho các nhà đầu tư niềm lạc quan rằng lạm phát có thể tiếp tục tự hạ xuống mà không gây tổn hại nghiêm trọng cho thị trường lao động. Nhờ đó mà tính chung trong cả tuần qua, cả ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đều tăng điểm.

 

Ông Raffi Boyadjian, nhà phân tích đầu tư hàng đầu tại công ty XM, nhận xét: “Trong quý II/2023, nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 6,3% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn hẳn dự báo 7,3%. Con số này làm dấy lên lo ngại về sự giảm tốc kinh tế ngày càng nghiêm trọng và sự thiếu vắng của các kích thích tài khoá".

Nhà phân tích này viết trong lưu ý rằng “tâm lý thất vọng và lo lắng về triển vọng kinh tế của Trung Quốc đang ngày càng gia tăng”.

Giang

Toàn cảnh kết quả kinh doanh quý I: Vượt qua giai đoạn khó khăn nhất
SSI Research cho biết kết quả lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết duy trì tăng trưởng trong quý I/2024, tuy nhiên tốc độ tăng đã chậm lại. Song đơn vị phân tích này nhìn nhận kết quả lợi nhuận của các doanh nghiệp có thể đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất để bước vào giai đoạn tăng trưởng ổn định hơn.