|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Trung Quốc báo cáo GDP quý II gây thất vọng, tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ lập kỷ lục mới

11:12 | 17/07/2023
Chia sẻ
Quý II năm nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc thấp hơn dự báo của các nhà phân tích. Dù vậy, người phát ngôn của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc vẫn khẳng định nước này có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng cả năm là 5%.

Hôm 17/7, dữ liệu do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố cho thấy GDP quý II tăng trưởng 6,3% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn ước tính 7,3% của các nhà phân tích mà Reuters khảo sát. So với quý liền kề, GDP quý II chỉ tăng 0,8%, thấp hơn tốc độ 2,2% ghi nhận trong ba tháng đầu năm 2023.

Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp của những người trong độ tuổi từ 16 đến 24 lại leo lên 21,3% trong tháng 6, đánh dấu mức cao nhất từ trước đến nay.

Ông Fu Linghui, người phát ngôn của NBS lưu ý rằng nước này đang phải đối mặt với môi trường địa chính trị và kinh tế quốc tế phức tạp. Tuy nhiên, ông khẳng định Trung Quốc vẫn có thể hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm 2023 là 5%.

 

Báo cáo của NBS còn cho thấy, doanh số bán lẻ tháng 6 tăng 3,1%, không kém là bao so với dự báo 3,2%. Trong đó, nhóm hàng ăn uống, thể thao, giải trí cùng với rượu và thuốc lá chứng kiến mức tăng mạnh nhất. Còn doanh số bán ô tô, sản phẩm văn phòng và đồ dùng hàng ngày thì đi xuống.

Sản lượng công nghiệp tháng 6 tăng 4,4% so với một năm trước, cao hơn kỳ vọng ban đầu là 2,7%. Đầu tư cho tài sản cố định trong nửa đầu năm tăng 3,8%, cao hơn dự báo là 3,5%.

Tuy nhiên, đầu tư cho lĩnh vực bất động sản trong tháng 6 đã giảm sâu hơn so với tháng 5. Đầu tư cho sản xuất tiếp tục tăng trưởng ổn định, nhưng đầu tư cho cơ sở hạ tầng thì chững lại, tờ CNBC đưa tin. Tỷ lệ thất nghiệp tại thành thị của Trung Quốc trong tháng 6 là 5,2%.

Trung Quốc chấm dứt các biện phát kiểm soát đại dịch vào tháng 12 năm ngoái nhưng cuộc phục hồi kinh tế hậu COVID gần đây đã mất đà. Ngành bất động sản vẫn ngập trong khó khăn, còn xuất khẩu thì lao dốc do nhu cầu quốc tế sụt giảm.

Trong nước, nhu cầu tiêu dùng yếu ớt khiến cho lạm phát tháng 6 xuống còn 0%. Tuần trước, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoc) dự đoán lạm phát giá tiêu dùng sẽ rơi xuống mức âm trong tháng 7 trước khi phục hồi vào cuối năm.

Du lịch nội địa là điểm sáng trong quá trình phục hồi của Trung Quốc. Chi tiêu của các cư dân thành thị cho du lịch đã tăng hơn gấp đôi trong nửa đầu năm nay so với cùng kỳ năm trước, lên đến 1.980 tỷ nhân dân tệ (tương đương khoảng 280 tỷ USD), theo số liệu của Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc. Nhưng trong cùng giai đoạn, chi tiêu cho do lịch của người dân khu vực nông thôn chỉ tăng 40%.

Tổng cộng, chi tiêu cho du lịch của người đân Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm 2023 đạt 2.300 tỷ nhân dân tệ, thấp hơn khoảng 480 tỷ nhân dân tệ so với cùng kỳ năm 2019. Điều này có nghĩa là ngành du lịch của Trung Quốc vẫn chưa phục hồi về mức trước đại dịch.

Tuần trước, Bắc Kinh thông báo sẽ gia hạn các biện pháp hỗ trợ ngành bất động sản. Đồng thời, các nhà chức trách cũng công bố kế hoạch hỗ trợ cho lĩnh vực xuất khẩu. Trung Quốc cũng đã gia hạn chính sách miễn giảm thuế cho người mua ô tô điện – ngành công nghiệp đang trên đà tăng trưởng mà Bắc Kinh muốn ủng hộ.

Nhưng chính phủ vẫn tỏ vẻ ngần ngại trong việc tung ra các biện pháp kích quy mô lớn hơn, đặc biệt là trong bối cảnh nợ của chính quyền các địa phương tăng cao. Cuộc họp của Bộ Chính trị Trung Quốc dự kiến ​​diễn ra vào cuối tháng này có thể sẽ cung cấp thêm thông tin chi tiết về chính sách kinh tế trong thời gian tới.

Giang

Khối ngoại chưa dừng bán ròng tuần VN-Index hồi phục
Bất chấp xu hướng hồi phục của TTCK, NĐT nước ngoài đẩy mạnh bán ròng gần 5.200 tỷ đồng trên HOSE. Điểm sáng là trong phiên cuối tuần khối ngoại đảo chiều mua ròng nhẹ hơn 31 tỷ đồng. Đây là phiên mua ròng đầu tiên sau 21 ngày bán ròng liên tiếp.