Thế giới sợ lạm phát dai dẳng, Trung Quốc lo giảm phát kéo dài
Lạm phát là một hiện tượng đáng sợ. Lạm phát bào mòn sức mua của tất cả mọi người, từ cô bán rau cho đến những ông chủ ngân hàng quyền lực nhất.
Song, giảm phát có thể còn tồi tệ hơn. Việc giá cả giảm sút theo thời gian nghe có vẻ hấp dẫn, nhưng trên thực tế, môi trưởng giảm phát cực kỳ có hại cho tăng trưởng.
Ông Lloyd Blankfein, cựu CEO Goldman Sachs, giải thích: “Khi bạn kỳ vọng giảm phát sẽ diễn ra, bạn sẽ quyết định chờ đến ngày hôm sau mới mua hàng. Sáng hôm sau, bạn tỉnh dậy và tự nhủ: ‘Mình sẽ chờ thêm một ngày nữa vì giá đang ngày càng rẻ’… Cứ như thế, nền kinh tế sẽ rơi vào trạng thái trì trệ”.
- TIN LIÊN QUAN
-
Những nét tương đồng giữa Trung Quốc ngày nay và Nhật Bản trong 'thập kỷ mất mát' 06/06/2023 - 13:51
Ông công nhận lạm phát là điều tồi tệ. Nhưng giảm phát mới là điều mà các ngân hàng trung ương “không thể dung thứ”, bởi nó có thể bóp nghẹt nhu cầu khi người tiêu dùng và doanh nghiệp trì hoãn mua sẵm và đầu tư. Và đó chính là rắc rối Trung Quốc đang phải đối mặt.
Ông Greg Daco, nhà kinh tế trưởng của EY, nói với tờ Fortune: “Rủi ro mà hầu hết mọi nơi trên thế giới phải đối mặt là lạm phát dai dẳng. Nhưng mối nguy của Trung Quốc là giảm phát dai dẳng. Nhu cầu cuối cùng dành cho hàng hóa công nghiệp và tiêu dùng báo hiệu nguy cơ Trung Quốc phải đối mặt với giai đoạn giảm phát kéo dài”.
Lý do giá có thể tiếp tục giảm
Sau khi các hạn chế COVID-19 được dỡ bỏ, người dân Trung Quốc đã quay trở lại các trung tâm mua sắm và tham dự các concert trên toàn quốc. Tuy nhiên, việc mở cửa nền kinh tế vẫn không đem lại tác động như kỳ vọng.
Ngành bất động sản yếu ớt, tỷ lệ thất nghiệp cao trong giới trẻ và khối nợ của các chính quyền địa phương lên đến 35.000 tỷ USD đã đè nặng lên tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc và khiến giá tiêu dùng chững lại.
Trong tháng 5, Trung Quốc ghi nhận lạm phát giá tiêu dùng 0,2%. Tuy nhiên sang tháng 6, lạm phát xuống còn 0%, mức thấp nhất kể từ tháng 2/2021.
Theo tờ Fortune, lạm phát ở Trung Quốc suy giảm chủ yếu là do giá năng lượng và thịt heo đi xuống. Tuy nhiên, lạm phát lõi tháng 6 (không kể giá năng lượng và thực phẩm), lại giảm 0,1% so với một năm trước.
Các nhà phân tích của Nomura viết trong lưu ý ngày 10/7 rằng dữ liệu trên “cho thấy nhu cầu đối với các mặt hàng cơ bản đang khá yếu”. Nomura dự đoán lạm phát “sẽ tiếp tục hạ thấp” trong tháng tới, xuống còn -0,5%.
Chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 6 của Trung Quốc cũng sụt 5,4% so với một năm trước, mạnh hơn mức giảm 4,6% của tháng 5.
Đây là mức giảm mạnh nhất của giá sản xuất trong hơn 7 năm. Theo các nhà phân tích của Nomura, số liệu trên cho thấy “sự sụt giảm rõ rệt” của giá vật liệu thô và nhu cầu suy yếu của các nhà sản xuất.
Hồi chuông báo động
Nếu các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc không thể kích thích tăng trưởng và nền kinh tế nước này sa vào giảm phát, thì đây sẽ là kịch bản ác mộng đối với nền kinh tế thứ hai thế giới.
Nhà kinh tế Daco của EY giải thích: “Từ kinh nghiệm của Nhật Bản, chúng tôi thấy rằng sự kết hợp giữa môi trường giảm phát và khối nợ lớn là điều tồi tệ nhất đối với tăng trưởng kinh tế”.
- TIN LIÊN QUAN
-
Trung Quốc mỏi mắt tìm lối thoát khỏi cuộc ‘suy thoái bảng cân đối kế toán’ 14/06/2023 - 13:57
Ông Daco chỉ ra rằng giảm phát khiến nợ trở nên đắt đỏ hơn, đồng thời khiến người tiêu dùng trì hoãn chi tiêu và đầu tư vì họ kỳ vọng sẽ có được giá tốt hơn trong tương lai. Ông nói tiếp: “Vậy nên tăng trưởng bị đình trệ và chi phí vay nợ đi lên”.
Ông Richard Koo, nhà kinh tế trưởng của Viện Nghiên cứu Nomura, cảnh báo rằng Trung Quốc đang đối mặt với “suy thoái bảng cân đối kế toán” như những gì Nhật Bản chứng kiến trong “thập niên mất mát” 1990.
Suy thoái bảng cân đối kế toán có nghĩa là người tiêu dùng và doanh nghiệp chuyển từ đầu tư và chi tiêu sang tối thiểu hóa các khoản nợ do giảm phát dai dẳng.
Tin tốt cho Fed
Giảm phát rõ ràng sẽ không giúp ích gì cho nền kinh tế nội địa của Trung Quốc. Tuy nhiên, nhiều khả năng hiện tượng này sẽ là tín hiệu đáng mừng với Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Ông Ed Yardeni, nhà sáng lập Yardeni Research, cho biết giảm phát của Trung Quốc có thể giúp lạm phát giá sản xuất của Mỹ “bất ngờ đi xuống” khi số liệu này được công bố vào ngày 13/7. Lý do là trong lịch sử, PPI của Mỹ có “độ tương quan cao” với PPI của Trung Quốc do hai quốc gia là đối tác giao thương lớn của nhau.
Nhà kinh tế Daco của EY bình luận rằng Fed sẽ thấy vui mừng khi được chứng kiến “xu hướng giảm phát trong phần còn lại của thế giới” vì điều đó sẽ giúp ích cho họ trong cuộc chiến với lạm phát ở Mỹ.
Ông kết luận: “Nếu giá nhập khẩu giảm, đó là tín hiệu tích cực. Doanh nghiệp không cần phải tăng giá để bù đắp cho chi phí nhiều như trước, đồng nghĩa với lạm phát giá tiêu dùng hạ nhiệt. Do đó các xu hướng giảm phát trên toàn cầu chắc chắc là điều đáng mừng đối với Fed”.