|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Thị trường việc làm tiếp tục hạ nhiệt, mở đường cho Fed hạ cánh mềm nền kinh tế Mỹ

08:52 | 10/07/2023
Chia sẻ
Báo cáo việc làm tháng 6 cho thấy thị trường lao động Mỹ vẫn hoạt động bền bỉ, không quá nóng bỏng cũng chẳng quá nguội lạnh. Đây là điều kiện lý tưởng để Fed hạ cánh mềm nền kinh tế.

Công nhân trên một công trường xây dựng ở Mỹ. (Ảnh: AP).

Cứ mỗi tháng nữa trôi qua, thị trường lao động Mỹ lại đón thêm một tin vui. Báo cáo mới đây nhất cho thấy, nền kinh tế lớn nhất thế giới đã có thêm 209.000 việc làm mới trong tháng 6.

Đây là mức tăng hàng tháng nhỏ nhất trong hai năm rưỡi qua, nhưng vẫn là một con số lành mạnh, đủ để tỷ lệ thất nghiệp giảm từ 3,7% xuống còn 3,6% - gần mức thấp nhất trong khoảng 50 năm trở lại.

Và đây là một bằng chứng khác chứng tỏ nền kinh tế Mỹ vẫn trụ vững bất chấp những dự báo dai dẳng về suy thoái, tờ AP nhấn mạnh.

Dấu hiệu mới nhất này cho thấy gần như chắc chắn là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục tăng lãi suất vào cuối tháng 7 sau khi tạm dừng chu kỳ thắt chặt vào tháng 6 vừa qua.

 Song, cũng có những tín hiệu trong báo cáo việc làm cho thấy thị trường lao động đang hạ nhiệt và ghi nhận tốc độ tăng trưởng bền vững hơn.

Nếu tiếp tục, xu hướng trên có thể trấn an các nhà hoạch định chính sách rằng Fed có thể hạ gục lạm phát mà không làm chệch hướng nền kinh tế, tức là không đẩy Mỹ vào suy thoái.

Bà Julia Coronado, Giám đốc cấp cao tại hãng nghiên cứu kinh tế MacroPolicy Perspective, nhận định: “Báo cáo tháng 6 có vẻ rất khả quan. Thị trường việc làm đang khá bền bỉ, không quá nóng, cũng không quá nguội lạnh”.

 

Tuyển dụng mạnh mẽ

Nền kinh tế Mỹ đang bị đè nặng bởi việc lãi suất tăng nhanh, lạm phát cao và nỗi lo không dứt về suy thoái - một hệ quả bắt nguồn từ những nỗ lực kiềm chế áp lực giá của Fed.

Song, một số yếu tố đang giúp thị trường lao động chống lại những cơn gió ngược nêu trên và duy trì hoạt động tuyển dụng. Tuyển dụng mạnh mẽ thường giúp thúc đẩy chi tiêu và kích thích nền kinh tế.

Các ngành đặc biệt nhạy cảm với lãi suất cao - chẳng hạn như nhà đất và ô tô - dường như đã điều chỉnh theo lãi suất của Fed, AP cho hay.

Ví dụ, lãi suất cho vay thế chấp mua nhà tại Mỹ đã tăng gần gấp đôi kể từ khi Fed bắt đầu chu kỳ thắt chặt 15 tháng trước. Tuy nhiên, hầu hết mức tăng xuất hiện vào mùa thu năm ngoái.

Trong những tháng gần đây, thị trường nhà ở đã có dấu hiệu phục hồi, doanh số bán nhà và hoạt động xây dựng nhà ở mới đều đi lên.

Và lãi suất cao thường được cho là sẽ gây ra tình trạng mất việc làm trong lĩnh vực xây dựng và sản xuất. Lần này, điều ngược lại đã xảy ra.

Các công ty xây dựng tại Mỹ đã tạo thêm 23.000 việc làm vào tháng 6, trong khi các nhà sản xuất xe hơi có thêm 4.3000 nhân viên.

Nguồn cung nhà có sẵn thấp đến nỗi nhu cầu về nhà ở của người dân Mỹ thậm chí còn đang thúc đẩy ngành xây dựng và tạo ra nhiều việc làm hơn.

Tương tự như vậy, mặc dù lãi suất cho vay hiện nay cao hơn so với trước, doanh số bán ô tô đã đi lên trong năm nay, phần lớn do nhu cầu bị dồn nén sau nhiều năm nguồn cung đi xuống.

Các công ty xây dựng cũng đang hưởng lợi từ việc chính quyền Tổng thống Joe Biden tăng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng và một số ngành công nghiệp khác.

 

Ông Mick Groneweld là CEO của một công ty như vậy, Fehr Graham. Groneweld cho biết công ty kỹ thuật môi trường của ông đang tìm cách bổ sung ít nhất 40 công nhân vào đội ngũ nhân viên gồm 230 người.

Fehr Graham chuyên thiết kế các dự án nước và nước thải, đường xá và khu công nghiệp. Nhu cầu dành cho dịch vụ của công ty đang tăng lên. Hiện, Fehr Graham đang muốn tuyển thêm kỹ sư, nhà khoa học môi trường, kế toán và khảo sát viên.

Theo AP, một xu hướng khác cũng đang thúc đẩy hoạt động tuyển dụng. Nhiều nhân viên của Fehr Graham đã nghỉ hưu trong đại và sau đại dịch, đồng thời công ty cần nhiều công nhân trẻ hơn.

“Có vô sơ cơ hội việc làm tại công ty chúng tôi. Fehr Graham đang tuyển người nhưng chưa tìm thấy. Chúng tôi phải rất chật vật để lấp đầy các vị trí trống”, vị CEO bày tỏ.

Ông ước tính công ty của mình đã tăng lương 10 - 15% so với chỉ một năm trước để thu hút nhiều lao động hơn.

Ngoài ra, lĩnh vực dịch vụ - vốn chiếm tỷ trọng lớn trong tăng trưởng GDP của Mỹ, hiện không bị ảnh hưởng bởi các đợt tăng lãi suất của Fed. Từ các ngân hàng đến nhà hàng, doanh nghiệp nhìn chung đều có xu hướng mở rộng tuyển dụng.

Thị trường hạ nhiệt

Dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy hoạt động tuyển dụng đang chậm lại là trên thực tế, không nhiều lĩnh vực đang tạo thêm việc làm.

Hầu hết mức tăng trong tháng 6 đến từ ba nhóm lớn, không bị ảnh hưởng bởi các xu hướng kinh tế là chính phủ, chăm sóc sức khoẻ và giáo dục tư nhân. Tính chung, cả ba ngành này đã tạo thêm 133.000 việc làm.

Các lĩnh vực trên không phụ thuộc vào chi tiêu của người tiêu dùng như phần còn lại của nền kinh tế, nên mức tăng việc làm của cả ba không phản ánh nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng của người dân - nguyên nhân chính gây ra lạm phát.

Ngược lại, các nhà bán lẻ, công ty vận tải và doanh nghiệp kho bãi đều cắt giảm nhân sự. Tình trạng mất việc làm tạm thời này có thể là dấu hiệu cho thấy các công ty đang cần ít lao động hơn.

 

Chuyên gia kinh tế Dean Baker tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Kinh tế lưu ý rằng tổng số việc làm của khu vực tư nhân (không bao gồm chính phủ) đã tăng 149.000 trong tháng 6, một con số khó có thể khiến Fed lo ngại.

“Thật khó để nói rằng đó là một tốc độ quá nhanh. Tôi nghĩ mức tăng này là khá bền vững”, ông Baker nhận xét.

Trong báo cáo mới nhất, Bộ Lao động Mỹ cũng đã hạ số liệu của tháng 4 và tháng 5 tổng cộng khoảng 110.000. Trong ba tháng qua, tăng trưởng việc làm (không bao gồm chính phủ) đạt trung bình 196.000 mỗi tháng, giảm so với con số 317.000 cách đây một năm.

Và tỷ lệ thất nghiệp trong nhóm người da màu đã tăng tháng thứ hai liên tiếp lên 6%, sau khi chạm mức thấp kỷ lục là 4,7% vào tháng 4. Một số nhà kinh tế nhận thấy lao động da màu thường là những người đầu tiên mất việc khi nền kinh tế chững lại.

Fed sẽ phản ứng ra sao?

Các nhà đầu tư dự đoán Fed sẽ tăng lãi suất tại cuộc họp cuối tháng 7. Việc Fed có tăng lần nữa trong cuộc họp tiếp theo vào tháng 9 hay không thì khó dự đoán hơn, theo AP.

Các nhà hoạch định chính sách của Fed có thể ân tâm phần nào khi hoạt động tuyển dụng chậm lại, đặc biệt là khi họ loại trừ số liệu việc của chính phủ vì chúng vốn không phản ánh thực trạng nhu cầu trong nền kinh tế.

Tại cuộc họp tháng 6, các quan chức Fed kỳ vọng họ tăng lãi suất khoảng 50 điểm cơ bản (bps) nữa trước cuối năm nay. Giả sử mỗi đợt nâng 25 bps, Fed sẽ còn khoảng hai lần tăng lãi suất nữa.

Song, Chủ tịch Jerome Powell cũng cho biết ông hy vọng Fed sẽ giúp Mỹ “hạ cánh mềm”, tức là nền kinh tế sẽ chậm lại vừa đủ để chế ngự lạm phát mà không rơi vào suy thoái.

Theo nhận định của giới chuyên gia, báo cáo việc làm tháng 6 cho thấy Fed có thể đạt được mục tiêu đó.

Bà Betsey Stevenson, giáo sư kinh tế tại Đại học Michigan, cho hay: “Fed đang trên đà hạ cánh mềm. Những gì họ phải làm là lèo lái nền kinh tế đi hết con đường còn lại...”

Một yếu tố đã giúp hỗ trợ thị trường việc làm là số người lao động tìm việc đang tăng lên. Nhiều doanh nghiệp thấy số đơn đăng ký đã gia tăng và họ dễ dàng lấp đầy các vị trí trống hơn.

Lạm phát cao và triển vọng kinh tế khó đoán có vẻ đang thu hút người Mỹ quay trở lại thị trường việc làm. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của những người từ 24 đến 54 tuổi đã tăng lên 80,9%, cao hơn trước đại dịch và đang ở đỉnh 22 năm.

 

Yên Khê