Đường cong lợi suất đảo ngược đáng ngại, suy thoái đã cận kề nước Mỹ?
Các nhà đầu tư dự đoán vào cuối tháng 7, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ thực hiện thêm một đợt tăng lãi suất khác để chế ngự lạm phát cao dai dẳng.
Kỳ vọng này đã đẩy phần đảo ngược trên đường cong lợi suất trái phiếu Kho bạc xuống mức thấp nhất kể từ năm 1981 vào ngày 3/7. Một lần nữa, các nhà đầu tư lại phải lo sợ về rủi ro suy thoái kinh tế.
Trong năm qua, ngân hàng trung ương Mỹ đã tăng mạnh lãi suất để khống chế lạm phát. Dù đã lùi xa mức đỉnh 40 năm, lạm phát tại Mỹ vẫn đang cao hơn đáng kể so với mức mục tiêu 2% của Fed.
Đường cong lợi suất đảo ngược khi lợi suất của trái phiếu Kho bạc ngắn hạn cao hơn lợi suất của trái phiếu dài hạn, tờ Reuters giải thích.
Hiện tượng này cho thấy, các nhà đầu tư kỳ vọng lãi suất sẽ tăng trong thời gian tới, đồng thời họ cũng tin rằng chi phí đi vay cao hơn cuối cùng sẽ gây tổn hại cho nền kinh tế, buộc Fed phải nới lỏng chính sách tiền tệ.
Đường cong lợi suất đảo ngược được các nhà đầu tư theo dõi sát sao vì nó thường xảy ra trước các cuộc suy thoái trong quá khứ.
Thị trường dự đoán khả năng Fed tăng lãi suất 25 điểm cơ bản (bps) vào cuối tháng 7 là hơn 80%. Song, họ cho rằng Fed khó có thể đi xa hơn dù các quan chức cho biết vào tháng 6 rằng ngân hàng trung ương Mỹ có thể nâng thêm 50 bps từ đây đến cuối năm.
Lợi suất trái phiếu Kho bạc kỳ hạn hai năm, thường biến động cùng chiều với kỳ vọng lãi suất, đã giảm 2,7 bps xuống 4,85% vào ngày 3/7. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm giảm 3,9 bps xuống còn 3,78%.
Dưới đây là tổng hợp nhanh của Reuters về ý nghĩa của đường cong lợi suất đảo ngược, hiện tượng này dự báo suy thoái trong quá khứ như thế nào và tín hiệu nó đang phát đi ở hiện tại:
Đường cong lợi suất thường trông ra sao?
Đường cong lợi suất, biểu thị lợi tức của tất cả chứng khoán nợ mà Bộ Tài chính phát hành, thường dốc lên khi lãi tăng theo thời gian (kỳ hạn của trái phiếu). Lợi suất biến động ngược chiều với giá trái phiếu.
Đường cong dốc lên thường báo hiệu kỳ vọng về hoạt động kinh tế mạnh mẽ hơn, lạm phát và lãi suất cao hơn. Đường cong phẳng có thể cho thấy các nhà đầu tư nghĩ lãi suất sẽ tăng trong ngắn hạn và bi quan về tăng trưởng kinh tế.
Đường cong lợi suất hiện nay như thế nào?
Các nhà đầu tư xem một số phần của đường cong lợi suất như một chỉ báo suy thoái kinh tế. Trong đó, chênh lệch giữa lợi suất tín phiếu Kho bạc 3 tháng và trái phiếu 10 năm, hoặc giữa trái phiếu 2 năm và 10 năm được quan tâm hơn cả.
Lợi suất của trái phiếu Kho bạc kỳ hạn 2 năm đã cao hơn lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm kể từ tháng 7 năm ngoái.
Mức chênh lệch đó đã có lúc đạt -109,5 bps vào đầu tuần này, do lợi suất trái phiếu ngắn hạn giảm ít hơn lợi suất trái phiếu dài hạn. Đây là mức chênh lệch lớn nhất kể từ năm 1981.
Tại thời điểm năm 1981, nền kinh tế Mỹ đang ở trong những tháng đầu của một cuộc suy thoái và tình hình tiếp tục xấu đi cho đến tháng 11/1982 - đánh dấu cuộc suy thoái tồi tệ nhất kể từ Đại Khủng hoảng.
Ông Brian Jacobsen, chiến lược gia đầu tư cao cấp tại Allspring Global Investments, cho biết: “Không có gì lạ khi đường cong lợi suất đảo ngược, nhưng mức chênh lệch lớn như vậy thì không bình thường”.
“Trong suốt một thời gian dài, tôi chưa từng thấy đường cong đảo ngược xuống mức sâu như thế”, vị chuyên gia nhấn mạnh với Reuters.
Đường cong đảo ngược có hàm ý gì?
Hiện tượng đường cong lợi suất đảo ngược xảy ra khi nhà đầu tư dự đoán lãi suất trong ngắn hạn sẽ lên cao hơn, nhưng đồng thời họ cũng lo lắng không biết liệu Fed có thể khống chế lạm phát mà không làm tổn hại đáng kể đến tăng trưởng hay không.
Đường cong lợi suất của trái phiếu Kho bạc kỳ hạn 2 và 10 năm đã đảo ngược từ 6 đến 24 tháng trước mỗi cuộc suy thoái kể từ năm 1955, theo một báo cáo năm 2018 của Fed chi nhánh San Francisco. Cho đến nay, đường cong lợi suất đảo ngược chỉ phát tín hiệu sai một lần.
Bà Anu Gaggar, chiến lược gia cấp cao tại Commonwealth Financial Network, nhận thấy đường cong lợi suất của trái phiếu kỳ hạn 2 và 10 năm đã đảo ngược 28 lần kể từ năm 1900. Trong 22 lần, suy thoái đã xảy ra sau đó.
Trong 6 cuộc suy thoái gần nhất, trung bình mỗi cuộc bắt đầu từ 6 đến 36 tháng sau khi đường cong lợi suất đảo ngược, bà Gaggar lưu ý.
Trước năm nay, lần cuối cùng đường cong này bị đảo ngược là vào năm 2019. Năm sau, Mỹ bước vào thời kỳ suy thoái do đại dịch COVID-19 gây ra.
Tác động ra sao đến nền kinh tế thực?
Khi lãi suất ngắn hạn tăng lên, các ngân hàng tại Mỹ sẽ nâng lãi suất của nhiều khoản cho vay tiêu dùng và thương mại. Chi phí đi vay của người dân sẽ trở nên tốn kém hơn.
Khi đường cong lợi suất dốc lên, các ngân hàng có thể đi vay với lãi suất thấp hơn và cho vay với lãi suất cao hơn. Khi đường cong phẳng hơn, biên lợi nhuận của họ bị siết chặt và hoạt động cho vay bị ảnh hưởng.