|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Giới chức Fed lên tiếng trước cuộc họp tháng 7: Ba người đòi tăng lãi suất, một người kêu gọi các đồng nghiệp ‘kiên nhẫn’

10:43 | 11/07/2023
Chia sẻ
Trong khi ít nhất ba quan chức thúc giục Fed tiếp tục tăng lãi suất, một người đã kêu gọi các đồng nghiệp tạm ngưng tại cuộc họp tháng 7.

Hầu hết các nhà quan sát dự kiến Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 7. (Ảnh: Financial Times). 

Chưa thể ngơi tay

Phát biểu tại các sự kiện riêng lẽ vào ngày 10/7, ba quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đề nghị các nhà hoạch định chính sách nên tăng lãi suất lên cao hơn nữa trong năm nay để đưa lạm phát quay trở về mục tiêu 2%.

Chia sẻ tại cuộc họp của Trung tâm Chính sách Lưỡng đảng, ông Michael Barr, Phó Chủ tịch Fed, cho hay: “Trong năm qua, chúng tôi đã đạt được rất nhiều tiến bộ trong chính sách tiền tệ. Tôi dám nói rằng chúng tôi đã gần xong nhiệm vụ nhưng vẫn còn còn chút việc phải làm”.

Sau khi tăng lãi suất 10 lần liên tiếp, Fed đã tạm ngừng tay trong cuộc họp chính sách tháng 6. Lãi suất mục tiêu của ngân hàng trung ương Mỹ hiện đang nằm trong phạm vi 5-5,25%.

Theo dự báo được công bố sau cuộc họp gần nhất, hầu hết các nhà hoạch định chính sách dự kiến sẽ tăng lãi suất thêm 0,5 điểm % trong nửa cuối năm 2023.

 

Bà Mary Daly, Chủ tịch Fed chi nhánh San Francisco, trình bày tại Viện Brookings ở Washington: “Nhiều khả năng Fed sẽ cần tung ra thêm vài đợt tăng lãi suất nữa trong năm nay để thực sự đưa lạm phát về con số 2%”.

Phát biểu tại sự kiện được tổ chức bởi Đại học California, Chủ tịch Fed chi nhánh Cleveland là bà Loretta Mester cho biết quan điểm của bà “giống với” dự báo trung vị của các đồng nghiệp là thêm hai đợt tăng lãi suất nữa.

Bà nói thêm: “Để đảm bảo lạm phát đang trên lộ trình chắc chắn và kịp thời về mức 2%, lãi suất của Fed sẽ cần tăng thêm một chút so với mức hiện tại và giữ nguyên ở đó trong một khoảng thời gian trong lúc chúng tôi có thêm thông tin về nền kinh tế”.

"Rắc rối số một"

Cuộc họp Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) tiếp theo sẽ diễn ra trong hai ngày 25-26/7. Đông đảo giới quan sát dự kiến các nhà hoạch định chính sách sẽ tiếp tục tăng lãi suất tại sự kiện đó.

Bà Daly nói rằng trong hành trình chống lạm phát, rủi ro khi phản ứng quá yếu ớt vẫn lớn hơn rủi ro khi hành động quá mạnh tay. Tuy nhiên, bà đã bắt đầu nhận thấy dấu hiệu nền kinh tế chậm lại và cho rằng cung-cầu đang bước vào trạng thái cân bằng tốt hơn.

Báo cáo công bố tuần trước của Cục Thống kê Lao động Mỹ cho thấy tốc độ tăng trưởng việc làm đã chững lại trong tháng trước, nhưng tiền lương vẫn đi lên mạnh mẽ. Bà Mester nhận xét tốc độ tăng trưởng tiền lương hiện tại vẫn “cao hơn nhiều mức phù hợp với lạm phát 2%”.

 

Lạm phát lõi vẫn là mối lo của Fed. Trong tháng 5, chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCEPI) tăng 3,8% so với cùng kỳ năm trước, mức thấp nhất trong hơn hai năm qua. Tuy nhiên, PCE lõi (core PCE) lại cao hơn 4,6% so với một năm trước, cho thấy lạm phát cơ bản vẫn chưa bị khuất phục. Bà Daly nhấn mạnh: “Lạm phát là rắc rối số một của Fed”.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 của Mỹ sẽ được công bố vào ngày 12/7. Theo khảo sát của Bloomberg, các chuyên gia dự báo rằng CPI lõi sẽ tăng 0,3% so với tháng trước đó và cao hơn 5% so với cùng kỳ năm ngoái.

 

Ông Raphael Bostic, Chủ tịch Fed chi nhánh Atlanta, có quan điểm trái ngược với đa số các đồng nghiệp tại Fed. Ông cho rằng dù tỷ lệ lạm phát vẫn đang rất cao, các nhà hoạch định chính sách nên kiên nhẫn chờ đợi thêm bởi đã có bằng chứng cho thấy nền kinh tế đang giảm tốc.

Ông Bostic nói chuyện với Phòng Thương mại Hạt Cobb ở Atlanta: “Theo quan điểm của tôi, Fed có thể cần kiên nhẫn hơn – rõ ràng chính sách tiền tệ hiện nay đang kìm hãm nền kinh tế.

Chúng tôi tiếp tục chứng kiến thêm các dấu hiệu cho thấy nền kinh tế đang giảm tốc. Điều này cho tôi biết rằng các biện pháp kìm hãm đang phát huy tác dụng”.

Giang

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.