Báo cáo lạm phát tháng 6 sẽ thay đổi lộ trình lãi suất của Fed?
Báo cáo do Bộ Lao động Mỹ công bố hồi cuối tuần trước cho thấy thị trường việc làm tại nền kinh tế số một thế giới đã hạ nhiệt trong tháng 6 nhưng vẫn còn chịu một số nút thắt.
Sau báo cáo nói trên, nhà đầu tư đang trông chờ số liệu lạm phát tháng 6 để có thêm manh mối về sức khoẻ của nền kinh tế Mỹ.
Tuy nhiên, một số nhà đầu tư cho rằng báo cáo lạm phát mới khó có thể thay đổi quỹ đạo lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Tín hiệu từ thị trường lao động
Báo cáo của Bộ Lao động Mỹ cho thấy, nền kinh tế lớn nhất thế giới đã tạo thêm 209.000 việc làm trong tháng 6, thấp hơn dự đoán của các nhà kinh tế là 225.000.
Đây là mức tăng hàng tháng nhỏ nhất kể từ khi số liệu việc làm sụt giảm giảm vào tháng 12/2020, CNN lưu ý.
Song, đó chỉ là tín hiệu trên bề mặt. Thực chất, thị trường việc làm vẫn còn nóng. Thu nhập trung bình mỗi giờ của người Mỹ vẫn tăng 0,4% so với tháng 5 và 4,4% so với cùng kỳ, cho thấy lạm phát tiền lương vẫn còn cao.
Tỷ lệ thất nghiệp nói chung đã giảm từ mức 3,7% xuống 3,6%, dù tỷ lệ thất nghiệp của người lao động da màu và gốc Tây Ban Nha tăng mạnh.
Chia sẻ với CNN, ông Joseph Davis, kinh tế trưởng tại hãng quản lý đầu tư Vanguard, cho hay: “Báo cáo mới không khiến chúng tôi thay đổi quan điểm, Fed vẫn còn nhiều việc phải làm”.
Các nhà đầu tư hiện kỳ vọng rằng Fed sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản (bps) tại cuộc họp cuối tháng 7. Theo dữ liệu của CME Group tính đến ngày 7/7, xác suất mà thị trường đưa ra cho khả năng này là 92%.
Kể từ tháng 3/2022, Fed đã tăng lãi suất 10 lần liên tiếp, đưa chi phí đi vay liên ngân hàng lên phạm vi 5 - 5,25%. Các nhà hoạch định chính sách đã tạm dừng tay tại cuộc họp tháng 6 để có thêm thời gian đánh giá tác động của lãi suất lên nền kinh tế.
Chờ đợi báo cáo lạm phát
Mỹ sẽ công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6, một thước đo lạm phát quan trọng, vào ngày 12/7 tới. Các nhà kinh tế dự đoán CPI sẽ tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước, tức là đã hạ nhiệt so với mức tăng 4% ghi nhận vào tháng 5.
Các dữ liệu gần đây cho thấy lạm phát tại Mỹ đang trên đà đi xuống, dù vẫn còn cao hơn nhiều mục tiêu 2% của Fed.
Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCEPI), thước đo lạm phát ưa thích của ngân hàng trung ương Mỹ, đã tăng 3,8% so với cùng kỳ vào tháng 5. Tháng 4, chỉ số này tăng 4,3% so với một năm trước.
Tuy nhiên, CPI tháng 6 khó có thể thay đổi quỹ đạo lãi suất của Fed, trừ khi báo cáo ghi nhận một mức tăng hoặc giảm lớn, Giám đốc James Ragan của ngân hàng đầu tư DA Davidson cho hay.
Ông Ragan lưu ý rằng trong những tuần gần đây, giới chức Fed, bao gồm Chủ tịch Jerome Powell, đã phát tín hiệu sẽ tiếp tục thắt chặt chính sách.
Song, điều đó không đồng nghĩa rằng các nhà đầu tư nên kỳ vọng Fed sẽ tăng lãi suất một cách không ngừng nghỉ trong một thời gian dài.
Bà Candice Tse, trưởng bộ phận tư vấn giải pháp tại Goldman Sachs Asset Management, nhận định: “Chúng tôi dự đoán Fed sẽ sớm kéo lãi suất lên đến đỉnh và tiến gần hơn đến giai đoạn cuối của chu kỳ thắt chặt...”
Cuộc đình công của nhân viên UPS
Công ty chuyển phát hàng hoá hàng đầu thế giới UPS và công đoàn Teamsters đang đàm phán hợp đồng cho hàng trăm nghìn nhân viên. Nếu hai bên không đạt được tiếng nói chung, 340.000 nhân sự của UPS có thể đình công vào ngày 1/8.
Theo một phân tích của CNN, một cuộc đình công như vậy có thể gây tổn hại cho nền kinh tế Mỹ.
UPS hiện vận chuyển khoảng 6% tổng sản phẩm quốc nội của Mỹ. Hãng đã chuyển phát trung bình 20,8 triệu gói hàng mỗi ngày trong năm 2022 và con số này chỉ giảm nhẹ trong năm nay.
Nói cách khác, các dịch vụ của UPS đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng của Mỹ. Một cuộc đình công có thể khiến chuỗi cung ứng xáo trộn như vài năm trước, bao gồm khả năng kéo giá cả hàng hoá đi lên do thời gian vận chuyển kéo dài.
Chính quyền Tổng thống Joe Biden đang theo dõi sát các cuộc đàm phán giữa UBS và Teamsters, do tầm quan trọng của công ty này đối với nền kinh tế, quyền Bộ trưởng Bộ Lao động Julie Su cho hay vào cuối tuần trước.