|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Trung Quốc mỏi mắt tìm lối thoát khỏi cuộc ‘suy thoái bảng cân đối kế toán’

13:57 | 14/06/2023
Chia sẻ
Các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc bị đặt vào thế bí khi họ không còn có thể áp dụng các chiến lược trong quá khứ để kích thích chi tiêu và tăng trưởng kinh tế.

Đường phố tại Trung Quốc. (Ảnh: Bloomberg). 

Kích thích nhỏ giọt

Trung Quốc đang đứng trước bước ngoặt quan trọng. Các dữ liệu gần đây ảm đạm đến mức các chuyên gia ở đại lục đã không còn tranh cãi về việc liệu có nên kích thích nền kinh tế mà chuyển sang câu hỏi làm cách nào thì tốt nhất.

Theo tờ Bloomberg, Trung Quốc đang bước vào giai đoạn kinh tế kỳ lạ gọi là “suy thoái bảng cân đối kế toán”, tức là thay vì tìm cách tối đa hóa lợi nhuận thì mọi người lại mải mê giảm bớt nợ.

Chi phí vay nợ đã giảm xuống, nhưng người tiêu dùng vẫn không mở ví mua những mặt hàng có giá trị lớn mà lại dùng tiền tiết kiệm để nhanh chóng thanh toán các khoản vay thế chấp từ trước. Doanh nghiệp cũng không bỏ tiền đầu tư cho tương lai.

Cho tới nay, quy mô các giải pháp của chính phủ Trung Quốc có thể coi là khá khiêm tốn. Tuần trước, một vài ngân hàng lớn nhất Trung Quốc đã hạ lãi suất tiết kiệm. Giới quan sát coi đây là động thái mở màn cho việc các ngân hàng giảm nhẹ lãi suất cho vay.

Hôm 13/6, ngân hàng trung ương Trung Quốc đã điều chỉnh một loại lãi suất chính sách ngắn hạn, nhưng mức giảm chỉ là 10 điểm cơ bản, từ 2% xuống 1,9%.

Các nhà hoạch định chính sách cũng được cho là sẽ gia hạn khoảng thời gian ưu đãi thuế cho các giao dịch mua xe điện nhằm nỗ lực kích thích sản lượng công nghiệp.

Trung Quốc có lý do để hành động thận trọng. Đã có quá nhiều ý kiến được đưa ra để công chúng bàn luận, từ nghiêm túc cho đến viển vông.

Ông Ren Zeping, một nhà kinh tế có tiếng tại đại lục, gợi ý rằng “các nhà đầu tư trụ cột” như quỹ an sinh xã hội nên đổ thêm tiền vào thị trường chứng khoán để tạo ra hiệu ứng của cải và thúc đẩy niềm tin của người tiêu dùng.

Năm ngoái, ông còn nói rằng Trung Quốc nên phân phát 2.000 tỷ nhân dân tệ (tương đương khoảng 280 tỷ USD) để giúp giải quyết vấn đề tỷ lệ sinh thấp. Ý tưởng này bị các nhà phân tích chỉ trích và gây tranh cãi đến độ tài khoản của ông Ren bị mạng xã hội Weibo cấm đăng bài viết mới.

Hơn nữa, Bắc Kinh biết rằng cách nới lỏng định lượng và phát tiền trực tiếp cho người dân không thể đem lại lợi ích đồng đều cho xã hội, và có thể gây tranh cãi lớn.

Nay khác xưa

Trong quá khứ, Trung Quốc dựa vào chi tiêu cho cơ sở hạ tầng để kích thích nền kinh tế. Nhưng trong bối cảnh nợ quốc gia đã lên đến mức gần gấp ba lần GDP hàng năm, Bắc Kinh cần phải cẩn thận hơn và chỉ tiến hành các dự án có khả năng sinh lời hợp lý.

*Không bao gồm các khoản "nợ ẩn" của chính quyền địa phương.

Liệu chính phủ nên xây dựng đường sắt cao tốc tại sa mạc ở phía tây hay phát triển hệ thống tàu siêu tốc hyperloop quanh Thượng Hải, rồi chuyển một phần thuế thu được tại thành phố này sang những vùng khác nghèo hơn?

Tại một số khu vực của Trung Quốc, ví dụ như tỉnh Quý Châu và Vân Nam, doanh thu tài khóa của chính quyền địa phương chỉ bằng 1/3 chi phí phải bỏ ra.

Một bài toán nan giải và phức tạp khác là tìm cách ổn định ngành bất động sản, lĩnh vực chiếm tới 1/4 nền kinh tế thứ hai thế giới.

Giới chức Trung Quốc đã thực hiện nhiều chính sách nhỏ lẻ, dè dặt như nới lỏng giới hạn mua nhà tại các thành phố kém phát triển, nhưng chúng không tạo ra được hiệu quả đáng kể. Trong 4 tháng đầu năm 2023, số dự án bất động sản được xây dựng ít hơn cùng kỳ năm ngoái.

Liệu Trung Quốc có nên quay trở lại việc tái phát triển các khu nhà lụp xụp như trước? Khoảng 3.000 tỷ nhân dân tệ mà ngân hàng trung ương Trung Quốc cấp cho chương trình này từ năm 2015 đến 2018 đã giúp làm tăng giá nhà tại các thành phố nhỏ.

Một chương trình tương tự sẽ có ích cho các bộ phận kém sung túc trong xã hội, nhưng lại có nguy cơ đi ngược với châm ngôn “nhà là để ở, không phải để đầu cơ” của Chủ tịch Tập Cận Bình.

 

Trong khi đó, các biện pháp truyền thống đã mất đi hiệu quả. Hệ thống tài chính có thanh khoản dồi dào. Cung tiền M2 của Trung Quốc đã có tốc độ tăng trưởng hai chữ số kể từ tháng 4/2022, nhưng nền kinh tế chỉ tăng trưởng khiêm tốn còn lạm phát thì vẫn biệt tích.

Bất kỳ biện pháp kích thích lớn nào có thể giúp vực dậy Trung Quốc đều có thể biến thành rắc rối chính trị. Do vậy trong thời gian tới, nhiều khả năng các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc vẫn sẽ không thể tung ra bất kỳ biện pháp kích thích nào mang tính đột phá. 

Giang