|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

NHTW Trung Quốc mắc kẹt giữa một nền kinh tế suy yếu và đồng nhân dân tệ mất giá

17:19 | 06/07/2023
Chia sẻ
NHTW Trung Quốc đang nỗ lực đảo ngược đà giảm của đồng nhân dân tệ. Nhưng để kích thích tăng trưởng kinh tế, các nhà hoạch định chính sách phải cắt giảm lãi suất, và điều này có thể khiến nhân dân tệ mất giá sâu hơn nữa.

Nhân dân tệ. (Ảnh: Alamy). 

Tiến thoái lưỡng nan

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đang lâm vào thế tiến thoái lưỡng nan giữa hai nhiệm vụ là cố gắng hỗ trợ đồng nhân dân tệ và kích thích nền kinh tế đang mất đi động lực phục hồi. 

Vấn đề nan giải của PBoC như sau: Công cụ chính để thúc đẩy tăng trưởng của ngân hàng trung ương này là hạ lãi suất, nhưng phương án đó sẽ đồng thời làm tăng áp lực giảm giá lên đồng nhân dân tệ. Trong khi đó, từ đầu năm đến nay, nhân dân tệ đã giảm 5% so với USD.

Các quan chức PBoC có vẻ đang cố gắng làm được cả hai việc bằng cách tăng cường can thiệp giá nhân dân tệ thông qua lời nói và cùng lúc hạ lãi suất.

Hôm 5/7, Financial News – tờ báo được PBoC hậu thuẫn – đã đăng tải một bài bình luận với nội dung là ngân hàng trung ương Trung Quốc có đủ công cụ để ổn định thị trường tiền tệ ngay cả khi đồng nhân dân tệ rơi vào tình trạng "hoảng loạn".

Tuần trước, tờ báo này cho rằng nhân dân tệ sẽ ổn định trong suốt nửa cuối năm 2023 và cảnh báo các nhà đầu cơ đừng thừa nước đục thả câu. Tờ báo viết: “Đừng đặt cược vào sự tăng giá hay giảm giá của nhân dân tệ. Nếu bạn đánh bạc trong thời gian dài, bạn sẽ thua”.

Tương tự, hồi tháng 5, PBoC tuyên bố rằng đồng nhân dân tệ có “nền tảng vững chắc" nhờ tỷ giá hối đoái hợp lý.

Loạt bình luận trên xuất hiện trong bối cảnh các biện pháp can thiệp khác của PBoC đã mất dần hiệu quả. PBoC đặt ra tỷ giá tham chiếu hàng ngày và cho phép nhân dân tệ dao động quanh mức đó trong giới hạn nhất định.

Trong những ngày gần đây, PBoC đã nỗ lực thúc đẩy đồng nhân dân tệ bằng cách thiết lập tỷ giá tham chiếu ở mức cao, nhưng sau đó đồng tiền này vẫn tiếp tục sụt giảm, Markets Insider cho biết.

Trong khi đó, PBoC lại thực hiện các động thái lãi suất trái ngược với những lời trấn an về đồng nội tệ. Tháng trước, PBoC đã cắt giảm một loạt lãi suất ngắn hạn và trung hạn để kích thích nền kinh tế đang trì trệ.

 

"Quá trình đau đớn"

Sau khi Trung Quốc gỡ bỏ các hạn chế thời đại dịch, các nhà quan sát quốc tế đã kỳ vọng rằng nền kinh tế thứ hai thế giới sẽ phục hồi mạnh mẽ.

GDP quý I của Trung Quốc tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước, nhưng những dữ liệu gần đây cho thấy sự giảm tốc đáng kể của sản lượng công nghiệp, doanh số bán lẻ và đầu tư.

Các đợt giảm lãi suất của PBoC đã nới rộng khoảng cách với lãi suất của Mỹ trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang (Fed) tiếp tục thắt chặt chính sách, làm tăng sức hấp dẫn của tài sản USD trong mắt nhà đầu tư.

Nguồn tin của Wall Street Journal cho biết Bắc Kinh đang lên kế hoạch triển khai một số biện pháp hỗ trợ nền kinh tế. Tuy nhiên, giới chuyên gia dự đoán chúng sẽ có quy mô nhỏ hơn và tạo ra tác động khiêm tốn hơn các gói kích thích khác trong quá khứ.

 

Bà Tao Wang, nhà kinh tế của UBS Investment Research, cho rằng nhiều khả năng chính phủ Trung Quốc sẽ chỉ hỗ trợ khiêm tốn cho nền kinh tế và tăng nhẹ chi tiêu cho cơ sở hạ tầng.

Bà Wang chia sẻ nhận định trên tờ Financial Times hồi tháng 6: “Quan trọng hơn hết là, tôi nghĩ các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc hiểu rằng những rắc rối kinh tế này không chỉ mang tính chu kỳ. Kích thích quy mô lớn không thể giải quyết các vấn đề cơ cấu sâu sắc.

Dù muốn hay không, Trung Quốc cũng đang cố thoát khỏi giai đoạn tăng trưởng được dẫn dắt bởi bất động sản và chi tiêu cơ sở hạ tầng của chính quyền địa phương, và đây là một quá trình đau đớn”.

Giang