|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Với Trung Quốc, hạt giống quan trọng không khác gì chất bán dẫn

13:59 | 04/07/2023
Chia sẻ
Trung Quốc đang tăng cường nỗ lực tự chủ trong lĩnh vực nông nghiệp để đảm bảo an ninh lương thực. Để đạt được mục tiêu này, Bắc Kinh sẽ cần xây dựng ngành công nghiệp hạt giống hiện đại.

Nông dân Trung Quốc đang tưới nước cho cây mạ. (Ảnh: VCG).

Trong những năm gần đây, chính phủ Trung Quốc đã đặt mục tiêu tự chủ trong nhiều lĩnh vực công nghiệp tiên tiến. Bắc Kinh đã xây dựng những kế hoạch trị giá hàng tỷ USD để làm chủ công nghệ bán dẫn, năng lượng nhiệt hạch hay hàng không vũ trụ.

Ngoài ra, còn một lĩnh vực khác được các quan chức Trung Quốc đặc biệt ưu tiên chính là an ninh lương thực. Trong bối cảnh khủng hoảng địa chính trị và biến đổi khí hậu, yêu cầu tự chủ lương thực đã ngày càng trở nên cấp bách. 

Và một trong những mắt xích quan trọng nhất để đạt được tự chủ lương thực chính là hạt giống. Tuy nhiên, ngành công nghiệp hạt giống của Trung Quốc đang thụt lùi hàng chục năm so với các quốc gia dẫn đầu.

Bởi vậy, Bắc Kinh đã gọi hạt giống là “chip bán dẫn” của ngành nông nghiệp và quyết tâm nâng cao chất lượng cho mặt hàng chiến lược này.

Bài toán lương thực cho 1,4 tỷ dân

Trung Quốc chiếm 20% dân số nhưng chỉ nắm 10% tổng diện tích đất nông nghiệp trên toàn cầu. Để bù đắp cho sự thiếu hụt tài nguyên kể trên, Trung Quốc đã phải dựa vào nhập khẩu để cung cấp lương thực cho 1,4 tỷ dân. 

Trung Quốc có diện tích đất nông nghiệp trên đầu người chỉ bằng 1/3 của Mỹ.

Hội đồng Quan hệ Quốc tế (CFR) trích dẫn số liệu từ Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) cho biết vào năm 2022, sản lượng ngũ cốc của nước này đạt kỷ lục 686,53 triệu tấn, bất chấp hoạt động trồng trọt bị đình trệ, thời tiết khắc nghiệt và đại dịch COVID-19 gây gián đoạn. 

Trung Quốc đang đứng đầu thế giới về sản xuất ngũ cốc, trái cây, rau, thịt, gia cầm, trứng và các sản phẩm thủy sản. Tuy nhiên, dù năng lực sản xuất trong nước liên tục phá kỷ lục, Trung Quốc vẫn là nước nhập khẩu ròng các sản phẩm nông nghiệp từ năm 2004.

Ngày nay, Trung Quốc nhập khẩu lương thực nhiều hơn bất cứ quốc gia nào trên thế giới. Trong giai đoạn từ năm 2000 đến 2020, tỷ lệ tự chủ lương thực của Trung Quốc đã giảm từ 93,6% xuống còn 65,8%. Vào năm 1996, Trung Quốc từng đặt ra mục tiêu tự chủ 95% lương thực.

Dữ liệu từ NBS cho thấy, vào năm ngoái, Trung Quốc đã nhập khẩu 147 triệu tấn ngũ cốc, 62% trong số này là đậu nành. Bắc Kinh đã chi tới 61 tỷ USD chỉ để nhập khẩu loại lương thực trên. Đậu nành là nguyên liệu quan trọng để sản xuất dầu ăn và thức ăn chăn nuôi.

Trung Quốc chủ yếu nhập khẩu đậu nành từ Brazil, Mỹ và Argentina. Trong hai năm vừa qua, Mỹ - đối thủ địa chính trị số một của Trung Quốc - đã xuất sang nước này khối lượng đậu nành, ngô, thịt bò, thịt gà, hạt cây và cao lương đạt mức kỷ lục. 

Xuất khẩu lương thực của Mỹ sang Trung Quốc đã lập kỷ lục vào năm ngoái.

Việc phụ thuộc quá lớn vào nước ngoài đã khiến nhiều quan chức Bắc Kinh lo ngại. Vào tháng 12/2022, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã phát biểu: “1,4 tỷ người ở nước ta đã được no đủ trong vài năm qua.

Chúng ta đã cầm chắc trong tay bát cơm của mình. Giờ đây, nhu cầu lương thực ngày càng tăng, áp lực để giữ bát cơm cũng càng nhân lên”.  

Tụt hậu về năng suất

Ông Wendong Zhang, Phó Giáo sư tại Đại học Cornell cho biết: “Căng thẳng địa chính trị và rủi ro khí hậu ngày càng lớn đã khiến Trung Quốc phải nỗ lực nhiều hơn để cố gắng thúc đẩy sản lượng trong nước của các loại cây lương thực quan trọng và ngũ cốc làm thức ăn chăn nuôi, đồng thời đầu tư và thử nghiệm công nghệ biến đổi gen (GMO)”

Tuy nhiên, “ở các mặt hàng chính như ngô và đậu nành, Trung Quốc có khoảng cách về năng suất đáng kể khi so sánh với Mỹ và Brazil. Và điều này cho thấy Trung Quốc sẽ tiếp tục dựa vào thị trường toàn cầu để nhập khẩu [những mặt hàng trên]", ông nói thêm. 

Trung Quốc đang ngày càng phụ thuộc vào ngũ cốc nhập khẩu.

Hiện tại, nỗ lực tự chủ lương thực của Trung Quốc đang phải đối mặt với hai thách thức chính. Trở ngại đầu tiên là sâu bệnh. Chẳng hạn, giống sâu spodoptera frugiperda, hay sâu keo mùa thu, đã gây hại cho 1/3 diện tích ngô của Trung Quốc vào năm 2019. 

Loại sâu bệnh này cũng gây tình trạng mất mùa trên diện rộng tại châu Phi, châu Á và Bắc Mỹ vào cùng năm. Tại Trung Quốc, chúng đã trở nên kháng thuốc trừ sâu hơn. Các giống ngô lai được trồng ở Trung Quốc cũng trở nên kém chống chịu sâu bệnh hơn. 

Trở ngại thứ hai là việc tăng năng suất giống cây trồng bằng phương pháp lai tạo đang ngày càng khó khăn hơn. Năng suất ngô và đậu nành tại Trung Quốc đã đạt đỉnh sau nhiều năng cải thiện bằng phương pháp lai tạo thông thường. 

Năng suất ngô của Trung Quốc gần như không đổi trong suốt 30 năm.

Hạt giống có phải câu trả lời?

SCMP dẫn lời các quan chức tại tỉnh Hồ Bắc cho biết giống ngô và đậu nành được sản xuất trong nước “kém hơn 20 năm so với” Mỹ về mặt sản lượng. Những quan chức này cũng nói rằng năng suất của cả hai giống cây trồng trên chỉ bằng khoảng 60% so với của Mỹ.

Việc không sử dụng cây trồng biến đổi gen cũng đang khiến Trung Quốc thụt lùi so với các cường quốc nông nghiệp khác. Ông Zhang cho biết: “Kinh nghiệm của Mỹ cho thấy rằng hai thập kỷ áp dụng cây trồng biến đổi gen có thể khiến năng suất tăng khoảng 20%”.  

Sản lượng đậu nành của Trung Quốc chỉ tăng khoảng 25% trong vòng 30 năm, trong khi Brazil tăng gấp đôi nhờ áp dụng giống cây biến đổi gen.

Trung Quốc ngày càng coi công nghệ là chìa khóa để đạt được khả năng tự chủ lương thực. Tờ Global Times, một trong những cơ quan ngôn luận chính thức của Bắc Kinh, gọi hạt giống là “vi mạch của ngành” nông nghiệp, đồng thời cảnh báo về “sự phụ thuộc quá mức vào nhập khẩu trong bối cảnh bất ổn toàn cầu vẫn tiếp tục”.

Năm 2017, Tập đoàn Hóa chất Quốc gia Trung Quốc (ChemChina) đã mua lại Syngenta, tập đoàn hạt giống và thuốc trừ sâu Thụy Sỹ với giá 43 tỷ USD. Syngenta là công ty hàng đầu thế giới về thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu và là nhà sản xuất hạt giống lớn thứ ba thế giới - bao gồm các giống lai và đột biến gen.

Cùng năm, CITIC Agri Fund đã mua lại một số hoạt động kinh doanh của Dow Chemical tại Brazil. Theo tuyên bố công khai của Dow Chemical, thỏa thuận bao gồm việc mua lại các trung tâm nghiên cứu hạt giống và quyền tiếp cận ngân hàng mầm ngô Brazil của Dow AgroSciences.

Ngoài ra, theo Global Affairs, các công ty công nghệ hạt giống của Trung Quốc cũng vướng vào một số cáo buộc về trộm cắp hoặc “gián điệp kinh tế” trong ngành nông nghiệp. Theo Giám đốc FBI Christopher Wray, “[Trung Quốc] đang muốn nghiên cứu mọi thứ, từ thiết bị quân sự đến turbine gió hay hạt giống lúa và ngô”.

Ông cảnh báo rằng ngành nông nghiệp Mỹ là một trong những mục tiêu dễ bị đánh cắp tài sản trí tuệ nhất, thông qua việc truy cập vào nghiên cứu của doanh nghiệp, chuyển thông tin ra ngoài trường đại học, cơ sở nghiên cứu hoặc đào hạt giống từ cánh đồng. 

Thận trọng với cây trồng biến đổi gen

Theo The China Project, bất chấp nỗ lực hiện đại hóa ngành hạt giống của Bắc Kinh, Trung Quốc vẫn chưa chính thức phê duyệt việc trồng thương mại những giống cây biến đổi gen như lúa, ngô hoặc đậu nành.

Những loại cây biến đổi gen này hiếm khi được phép gieo trồng. Trung Quốc cũng đã hạn chế nhập khẩu vì rủi ro an toàn sinh học, bảo vệ sự phát triển của ngành công nghệ sinh học trong nước và tránh nỗi sợ của công chúng.

Nông dân Trung Quốc thu hoạch ngô. (Ảnh: Reuters).

Tuy vậy, Trung Quốc đã cho phép nhập khẩu một số cây trồng đã biến đổi gen, chẳng hạn như ngô, đậu nành và cỏ linh lăng để sử dụng trong thức ăn chăn nuôi và chế biến thực phẩm.

Chính phủ cũng đang mở rộng thí điểm các dự án ngô và đậu nành biến đổi gen. Tuy nhiên, những chương trình này chỉ hướng tới việc dùng cây trồng biến đổi gen làm thức ăn chăn nuôi, chứ không phải thực phẩm. 

Cho tới nay, vẫn chưa có bất cứ cây lương thực biến đổi gen nào được cấp phép trồng đại trà ở Trung Quốc. 

Vào tháng 2, Trung Quốc đã mở cửa một phần thị trường ngô cho những hạt giống biến đổi gen. Bộ Nông nghiệp nước này dự kiến sẽ dành khoảng 270.000 ha đất (chưa tới 1% diện tích ngô của Trung Quốc) để trồng giống ngô biến đổi gen trong năm nay. 

Tuy nhiên, các công ty vẫn không đặt nhiều kỳ vọng rằng hoạt động sản xuất thương mại sẽ bắt đầu trong năm nay bởi Bắc Kinh không đưa ra một mốc thời gian rõ ràng. 

Ông Wendong Zhang nói: "Ngô là một loại nhiên liệu và thức ăn chăn nuôi ngày càng quan trọng, bởi vậy chính phủ Trung Quốc [đã] sẵn lòng hơn trong việc sử dụng công nghệ GMO cho ngô".

Nhìn chung, Bắc Kinh vẫn cảnh giác với việc thương mại hóa công nghệ biến đổi gen, làm chậm sự phát triển của ngành hạt giống so với các quốc gia khác.

Hai giấy phép trồng GMO được Trung Quốc cấp là bông vào năm 1997 và đu đủ năm 2006. Tuy nhiên, triển vọng thương mại của hai loại giống này vẫn bị đình trệ.

Đồng thời, cây trồng biến đổi gen vẫn chưa nhận được sự ủng hộ của công chúng Trung Quốc. Vào năm 2018, một cuộc khảo sát cho thấy chỉ 12% người dân Trung Quốc có cái nhìn tích cực về GMO.  Nhiều người lo ngại rằng thực phẩm làm từ thực vật biến đổi gen có nguy cơ về an toàn, cũng như những tác động tiềm ẩn lâu dài đối với sức khỏe con người và môi trường.

Minh Quang

Bậc thầy đầu tư: Michael Burry, người đàn ông ‘độc nhãn’ nhìn thấu cuộc khủng hoảng nhà đất Mỹ
Michael Burry là một thiên tài dị biệt, rất dở trong việc nói chuyện với mọi người nhưng rất giỏi phát hiện các cơ hội trong thị trường tài chính. Ông là một trong những người hiếm hoi phát hiện sớm cuộc khủng hoảng trong thị trường nhà đất Mỹ và lãi đậm từ sự kiện đó.