Trung Quốc thúc giục các nhà băng gia hạn nợ cho doanh nghiệp BĐS, tăng cường hỗ trợ thị trường
Hai trong số các cơ quan quản lý tài chính hàng đầu Trung Quốc đã gia tăng áp lực lên các định chế tài chính, kêu gọi họ giảm bớt các điều khoản cho vay đối với doanh nghiệp bất động sản và khuyến khích các bên đàm phán để gia hạn nợ.
Trong một tuyên bố chung vào ngày 10/7, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) và Cơ quan Quản lý Tài chính Quốc gia (NFRA) cho biết mục đích của các chính sách mới là để đảm bảo doanh nghiệp bất động sản có thể bàn giao những dự án nhà ở mà họ đang xây dựng.
Một số khoản vay - bao gồm các khoản vay ủy thác đáo hạn vào cuối năm 2024 - sẽ được gia hạn thanh toán thêm một năm, tuyên bố cho hay. Trước đây, các điều khoản ưu đãi như vậy chỉ được áp dụng cho những khoản vay đáo hạn vào cuối tháng 5/2023, theo Bloomberg.
Cuộc khủng hoảng bất động sản đang cản trở sự phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, khiến giới chuyên gia kỳ vọng chính phủ Trung Quốc sẽ thực hiện nhiều bước đi hơn nữa để kích thích nhu cầu.
Doanh số bán nhà đã quay lại đà giảm trong tháng 6, sau khi ghi nhận đợt phục hồi ngắn vào đầu năm nay. Điều này đã gây thêm áp lực cho các nhà phát triển nặng nợ tại đất nước tỷ dân.
Bên cạnh thị trường bất động sản, các mặt khác của nền kinh tế Trung Quốc cũng đang cho thấy sự yếu kém. Chi tiêu tiêu dùng trì trệ, xuất khẩu giảm sút và nợ của chính quyền địa phương đang tăng vọt.
Dữ liệu công bố vào đầu tuần cho thấy lạm phát giá tiêu dùng của Trung Quốc không thay đổi vào tháng 6, trong khi lạm phát giá sản xuất tiếp tục đi xuống.
Kết quả này đã làm dấy thêm lo ngại về tình trạng giảm phát và là bằng chứng khác cho thấy cuộc phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang yếu đi.
Trong tuyên bố chung, PBoC và NFRA cho biết những khoản vay đặc biệt do các ngân hàng thương mại cấp cho các nhà phát triển bất động sản trước cuối năm 2024 sẽ không được phân loại là rủi ro cao.
Hai cơ quan quản lý cũng thúc giục các định chế tài chính tăng cường hỗ trợ để đảm bảo doanh nghiệp địa ốc có thể sớm bàn giao dự án.
Ông Larry Hu, trưởng bộ phận phân tích kinh tế của Macquarie Group tại Trung Quốc, đánh giá: “Động thái nới lỏng hôm nay, chủ yếu tập trung vào việc hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp, là không đủ để ổn định lĩnh vực bất động sản”.
“Xét cho cùng, rủi ro tín dụng đối với các ngân hàng sẽ vẫn tăng cao nếu thị trường địa ốc vẫn yếu”, vị chuyên gia cảnh báo. Song, ông nói bước đi này có thể cho thấy rằng chính phủ sẽ tiếp tục hỗ trợ ngành bất động sản.
“Trong tương lai, chúng tôi hy vọng chính phủ sẽ nới lỏng các quy định liên quan đến phía cầu, chẳng hạn như giảm tỷ lệ thanh toán trước và giảm bớt các hạn chế mua nhà”, ông Hu bày tỏ.
Căng thẳng trong lĩnh vực bất động sản đã leo thang trong tuần này, sau khi một nhà phát triển được chính phủ hậu thuẫn là Sino-Ocean Group Holding chứng kiến giá trái phiếu sụt giảm do nhà đầu tư lo ngại về gánh nặng nợ nần của công ty.
Ngoài ra, một công ty đã vợ nỡ là Shimao Group Holdings đã không tìm được người mua cho dự án 1,8 tỷ USD mà họ rao bán tại một cuộc đấu giá bắt buộc.
Công ty xây dựng hàng đầu Trung Quốc China Vanke cho biết thị trường bất động sản trong nước “đang tệ hơn dự kiến”, trong khi Goldman Sachs dự đoán tỷ lệ vỡ nợ của các trái phiếu quốc tế sẽ tăng cao hơn.
Các nhà phân tích của Bloomberg Intelligence nhận định: “Chừng nào bất động sản vật chất vẫn chưa lấy lại sức hấp dẫn như một loại tài sản đầu tư, thì niềm tin của người mua nhà sẽ khó đảo ngược và doanh số bán nhà cũng khó đi lên”.