|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Nền kinh toàn cầu thay đổi chóng mặt: Mexico vượt Trung Quốc thành đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ

14:11 | 13/07/2023
Chia sẻ
Kim ngạch thương mại giữa Mỹ và Mexcio đạt 263 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm 2023, giúp Mexico trở thành đối tác số một của Mỹ, vượt qua Trung Quốc và Canada.

Tổng thống Mỹ Joe Biden bắt tay với Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrado. (Ảnh: Getty Images). 

Gần gũi

Theo bài phân tích mới của ông Luis Torress, nhà kinh tế cấp cao của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chi nhánh Dallas, Mexico đã một lần nữa củng cố vị thế đối tác thương mại hàng đầu với Mỹ.

Trong 4 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hoá giữa hai nước đạt 263 tỷ USD. Mexico chiếm khoảng 15,4% thương mại hàng hoá của Mỹ, lớn hơn đôi chút tỷ trọng của Canada (15,2%) và Trung Quốc (10,2%).

Trong hai thập kỷ qua, Trung Quốc đã ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế Mỹ. Việc Mexico giành được vị trí số một của Trung Quốc là dấu hiệu rõ ràng cho thấy những sự kiện bất thường của năm 2020 sẽ tiếp tục định hình nền kinh tế thế giới trong nhiều năm nữa.

Theo Fed chi nhánh Dallas, những hạt giống cho sự thay đổi này đã được gieo từ trước khi đại dịch diễn ra – mở màn với việc cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế quan lên hàng hóa Trung Quốc và ký thỏa thuận thương mại Mỹ-Canada-Mexico.

Nhưng ông Torres lưu ý rằng thay đổi trên cũng cho thấy sự tăng tốc của “nearshoring” – quá trình một quốc gia cố gắng kéo chuỗi cung ứng của các hàng hóa quan trọng tới những nước gần gũi với mình về mặt địa lý và chính trị.

Ông viết: “Dữ liệu chúng ta có được về nearshoring gần đây khá ít và bằng chứng của xu hướng này chủ yếu là những câu chuyện truyền miệng.

Tuy nhiên, sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ và các chính sách công nghiệp liên quan cũng phù hợp với việc thương mại toàn cầu suy giảm, thương mại khu vực tăng, xu hướng nearshoring và reshoring (quá trình đưa hoạt động sản xuất trở về quê nhà) mạnh lên”.

 

Khu vực hóa

Hoạt động nearshoring tăng lên trong thời đại dịch do chi phí vận chuyển sản phẩm qua Thái Bình Dương tăng vọt và người tiêu dùng mong muốn thời gian giao hàng được rút ngắn. Tờ New York Times cho biết các công ty như Walmart đang tìm kiếm những nhà sản xuất gần Mỹ hơn để đáp ứng nhu cầu của người dân trong bối cảnh căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh nóng lên.

Ông Michael Burns, đối tác tại công ty đầu tư Murray Hill chuyên về chuỗi cung ứng, nhận xét: “Việc doanh nghiệp tìm cách rời khỏi Trung Quốc không phải minh chứng cho hiện tượng phi toàn cầu hóa. Đây là giai đoạn tiếp theo của toàn cầu hóa, tập trung vào các mạng lưới khu vực”.

Bà Shannon O’Neil, thành viên cấp cao của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, ủng hộ xu hướng khu vực hóa và lập luận rằng việc mang các dây chuyền sản xuất về gần nước Mỹ sẽ giúp ích cho người lao động Mỹ.

Trong cuốn sách mới nhất, bà viết rằng trung bình hàng hóa nhập khẩu từ Mexico có “40% do Mỹ sản xuất”, tức là 40% các bộ phận được sử dụng trong sản phẩm cuối cùng vẫn được chế tạo tại Mỹ. Đối với hàng hóa mua từ Canada, tỷ lệ này là 25%. Còn đối những mặt hàng nhập từ Trung Quốc, chỉ 4% bộ phận là do Mỹ sản xuất, bà nhấn mạnh.

Tuy nhiên, trong những tháng gần đây, Tổng thống Joe Biden đã cố gắng cải thiện quan hệ Mỹ-Trung. Ngoại trưởng Antony Blink đã gặp gỡ Chủ tịch Tập Cận Bình trong tháng 6, và gần đây Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cũng có chuyến công du 4 ngày tới Trung Quốc, tờ Business Insider cho hay. 

Ông Tập và ông Blinken hứa hẹn sẽ nỗ lực ổn định quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ. Trong khi đó, bà Yellen bày tỏ lo ngại về “các chính sách kinh tế không công bằng” nhưng hy vọng hai bên có thể hợp tác tốt hơn. Bà nhấn mạnh: “Thế giới đủ lớn cho cả Mỹ và Trung Quốc cùng phát triển”.

Tuy nhiên, Mỹ và Trung Quốc vẫn còn những bất đồng đáng kể. Trong bối cảnh này, nhiều khả năng thương mại giữa Mỹ và Mexico sẽ tiếp tục tăng lên.

Giang