Phố Wall khuyến nghị gì cho Bắc Kinh sau khi đồng loạt hạ dự báo tăng trưởng của nền kinh tế tỷ dân?
Đầu tuần này, Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) đã công bố một loạt dữ liệu kinh tế gây thất vọng. Ngay sau đó, một số ngân hàng lớn đã hạ dự báo tăng trưởng cả năm của Trung Quốc.
JPMorgan Chase, Morgan Stanley và Citigroup là một vài trong những ngân hàng đã giảm dự báo tăng trưởng năm 2023 của Trung Quốc xuống còn 5%. Họ cảnh báo Bắc Kinh có thể sẽ không hoàn thành mục tiêu tăng trưởng chính thức là khoảng 5%.
Các dữ liệu mới cho thấy nền kinh tế tỷ dân đã mất đà trong quý II, khi tăng trưởng chi tiêu của người tiêu dùng yếu đi thấy rõ trong tháng 6 và đầu tư vào lĩnh vực bất động sản thu hẹp, theo Bloomberg.
Dưới đây là những nhận định chính của giới chuyên gia sau khi NBS công bố loạt dữ liệu quý II:
Mục tiêu tăng trưởng GDP bị đe doạ
Các nhà kinh tế của Citigroup đã hạ dự báo tăng trưởng GDP cả năm 2023 từ 5,5% xuống 5%, đồng thời cho rằng mục tiêu chính thức mà Bắc Kinh đặt ra vào tháng 3 đang gặp rủi ro.
Nhóm chuyên gia của Citigroup cho biết dự báo mới đã tính đến những hỗ trợ chính sách “thực tế hơn” trong những tháng tới.
Cuộc họp của Bộ Chính trị Trung Quốc vào cuối tháng này sẽ cung cấp thêm thông tin về các biện pháp hỗ trợ mới, nhưng vẫn có rủi ro là chính sách “đi sau hoặc không tạo ra tác động như kỳ vọng”, Citigroup lưu ý.
JPMorgan cắt giảm dự báo tăng trưởng của Trung Quốc từ 5,5% xuống 5%, trong khi Morgan Stanley điều chỉnh ước tính từ 5,7% xuống 5%. Ngoài ra, United Overseas Bank, Capital Economics và Societe General cũng hạ dự đoán.
Khó có gói kích thích tài khoá lớn
Ông Lu Ting, kinh tế trưởng của Nomura Holdings tại thị trường Trung Quốc, khuyến nghị các nhà đầu tư nên kiềm chế kỳ vọng về một gói kích thích “nhanh chóng, có thể giải quyết tất cả vấn đề” của nền kinh tế tỷ dân.
Vị chuyên gia nói: “Nomura không cho rằng dữ liệu mới sẽ thúc đẩy Bắc Kinh bơm thêm kích thích, dù chúng tôi vẫn dự dự báo tăng trưởng GDP cả năm 2023 ở mức 5,1%”.
Mặc dù ông Lu đoán Bắc Kinh sẽ tung ra một số biện pháp hỗ trợ, bao gồm hai đợt hạ lãi suất 10 điểm cơ bản và cấp thêm ngân sách cho chính quyền địa phương, ông cảnh báo rằng “những công cụ này không thể xoay chuyển tình thế”.
Nhà kinh tế của Nomura nêu ra một loạt thách thức hiện có của chính phủ Trung Quốc, gồm niềm tin của người tiêu dùng sa sút, doanh số bán đất sụt giảm gây thâm hụt tài chính của các địa phương, “các kênh truyền tải bị nghẽn, hòm công cụ bị thu hẹp” và quá trình ra quyết định kinh tế chậm chạp.
Ông Frederic Neumann, kinh tế trưởng của HSBC tại thị trường châu Á, cảnh báo rằng ngay bây giờ, nếu Bắc Kinh kích thích tài khoá quá tay thì chính sách “có thể phản tác dụng”.
Trong kịch bản đó, khối nợ của Trung Quốc sẽ phình to hơn và sự mất cân đối của nền kinh tế cũng sẽ trợ nên trầm trọng hơn, ông Neumann cho hay.
Theo nhà phân tích Zerlina Zeng của CreditSights, những hạn chế về ngân sách của chính quyền các địa phương có thể là một yếu tố khác khiến Bắc Kinh khó kích thích nền kinh tế.
Vực dậy ngành bất động sản là chìa khoá cho tăng trưởng
Bà Jacqueline Rong, kinh tế trưởng của BNP Paris tại Trung Quốc, cho biết Bắc Kinh sẽ cần phải vực dậy thị trường nhà đất để nền kinh tế tăng trưởng tốt hơn.
“Động lực tăng trưởng duy nhất còn lại là đầu tư, trong đó vấn đề lớn nhất là bất động sản”, bà Rong gợi ý.
“Hỗ trợ cấp thiết nhất cho thị trường là ổn định phía cung, hiện có quá nhiều nhà phát triển gặp khó khăn và không thể có thêm nhiều vụ vỡ nợ quy mô lớn nữa, nếu không hoạt động xây dựng nhà ở sẽ bị đình trệ”, vị chuyên gia nói tiếp.
Niềm tin của người tiêu dùng giảm dần
Dữ liệu mới cũng cho thấy tốc độ tăng trưởng doanh số bán lẻ đã chậm lại rõ rệt - số liệu của tháng 6 chỉ tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước.
Điều đó thật đáng lo ngại, ông Louis Kuijs, kinh tế trưởng khu vực châu Á Thái Bình Dương của S&P Global Ratings, nhận định.
“Chúng tôi từng kỳ vọng lĩnh vực tiêu dùng và dịch vụ sẽ dẫn dắt cuộc phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc. Nếu ngành này cũng suy yếu, Trung Quốc không còn động cơ nào nữa...”, ông Kuijs cho hay.
Vị chuyên gia kinh tế của S&P Global Ratings cũng bày tỏ lo ngại về sự sa sút của lĩnh vực xuất khẩu - vốn là động lực tăng trưởng chủ lực trong vài năm qua - cũng như thị trường bất động sản.
“Nếu xuất khẩu và bất động sản đều yếu, chúng ta không thể hy vọng quá nhiều vào lĩnh vực công nghiệp [trong quá trình phục hồi kinh tế]”, ông nhận định.
Tỷ lệ thất nghiệp ở người trẻ tăng cao hơn nữa
Hôm 17/7, các quan chức chính phủ cảnh báo rằng tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc, vốn đã ở trên mức 20% trong tháng thứ ba liên tiếp, có thể tăng cao hơn nữa trong tháng 7.
Nhà kinh tế Ding Shuang của Standard Chartered cho biết: “Tình trạng thất nghiệp ở người trẻ là một vấn đề mang tính cấu trúc”.
Ông nói thêm rằng Bắc Kinh có thể sẽ thực hiện các biện pháp hỗ trợ tập trung hơn để giải quyết vấn nạn đó, thay vì “kích thích toàn diện” như cắt giảm lãi suất.
Nguy cơ giảm phát là có thật
Ngày càng có nhiều người bày tỏ lo ngại về tình trạng giảm phát, sau khi Trung Quốc công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) không tăng và chỉ số giá sản xuất (PPI) giảm 5,4% so với cùng kỳ vào tháng 6.
Dữ liệu do NBS công bố đầu tuần này cho thấy chỉ số giảm phát GDP (GDP deflator) đã âm vào quý II, lần đầu tiên kể từ năm 2020. Thước đo này được tính bằng chênh lệch giữa tốc độ tăng trưởng GDP danh nghĩa và tốc độ đã điều chỉnh theo lạm phát.
“Rủi ro giảm phát là rất nghiêm trọng”, ông Zhiwei Zhang, Giám đốc cấp cao kiêm kinh tế trưởng của Pinpoint Asset Management, nhấn mạnh.