|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Xuất khẩu suy giảm và nỗi lo về kinh tế Trung Quốc

22:30 | 17/07/2023
Chia sẻ
Lạm phát, lãi suất ngân hàng cao và giá năng lượng leo thang do xung đột Nga-Ukraine (U-crai-na) đang ảnh hưởng đến nhu cầu quốc tế đối với hàng “Made in China” (sản xuất tại Trung Quốc). Nhu cầu toàn cầu suy yếu khiến hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc giảm mạnh, làm tăng thêm mối lo ngại về khả năng phục hồi tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong năm nay.

Ảnh minh hoạ: Bloomberg.

Vì đâu nên nỗi

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, kim ngạch xuất nhập khẩu tháng Năm ở mức 501,19 tỷ USD, giảm 6,2% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó xuất khẩu giảm 7,5% xuống 283,5 tỷ USD, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng Một, trong khi nhập khẩu giảm 4,5% xuống 217,69 tỷ USD, qua đó đẩy thặng dư thương mại giảm 16,1% xuống 65,81 tỷ USD.

Tính chung trong 5 tháng đầu năm, tổng giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu của Trung Quốc giảm 2,8% so với cùng kỳ năm 2022 xuống 2.440 tỷ USD.

Ngoại trừ xuất khẩu sang Nga duy trì đà tăng ấn tượng 114,3%, xuất khẩu của Trung Quốc sang các thị trường chủ chốt đều giảm mạnh. Trong số ba thị trường xuất khẩu quan trọng hàng đầu của Trung Quốc, xuất khẩu sang ASEAN trong tháng Năm giảm 15,9% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu lần đầu tiên sụt giảm kể từ tháng 5/2020. Xuất khẩu sang Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) lần lượt giảm 18% và 7% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó riêng xuất khẩu sang Đức giảm đến 8,3%. Tương tự, xuất khẩu  sang Nhật Bản ghi nhận mức giảm 9,8% trong tháng Năm. Ngoài ra, hoạt động xuất khẩu sang châu Phi và Mỹ Latinh cũng cùng chung tình trạng đi xuống.

Về tình hình xuất khẩu các mặt hàng chủ chốt, xuất khẩu nhôm chưa gia công (nhôm nguyên chất) và các sản phẩm từ nhôm giảm 42,1% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi xuất khẩu đất hiếm giảm 32,3%, còn xuất khẩu thép nguyên liệu giảm 20%. Điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu tháng Năm của Trung Quốc chính là kim ngạch xuất khẩu ô tô (bao gồm khung gầm), với mức tăng ấn tượng 123,5%, xuất khẩu tàu  với mức tăng 23,5% và xuất khẩu dầu thành phẩm với mức tăng 18,4% so với cùng kỳ năm 2022.   

Giới phân tích cho rằng, có ba nguyên nhân chính khiến xuất khẩu của Trung Quốc sụt giảm. Một là, hoạt động xuất khẩu của nước này chịu ảnh hưởng từ xu thế sa sút của các nền kinh tế bên ngoài, đặc biệt khi tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế phát triển như Mỹ, châu Âu… suy giảm rõ rệt, khiến nhu cầu nước ngoài hiện nay nhìn chung yếu. Điều này được thể hiện tương đối rõ nét trong tháng Năm.

Hai là sau khi trải qua đỉnh dịch, vào tháng 5/2022, xuất khẩu của Trung Quốc tăng 16,9% so với cùng kỳ năm trước đó, khiến cơ sở so sánh của tháng Năm năm nay cao hơn nhiều, qua đó hạ thấp tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của tháng Năm so với cùng kỳ năm ngoái.

Ba là thị phần xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ đã giảm tương đối nhanh trong thời gian gần đây, khi Mỹ chuyển sang nhập khẩu nhiều hơn từ thị trường châu Âu và Bắc Mỹ. Nguyên nhân đằng sau diễn biến này là sự phục hồi mạnh mẽ của nhóm hàng hóa tiêu dùng lâu bền và có giá trị cao trong cơ cấu hàng hóa nhập khẩu của Mỹ. Điều này cũng gây ảnh hưởng nhất định đối với xuất khẩu tổng thể của Trung Quốc.   

 Ảnh minh hoạ: Getty Images.

Đà giảm vẫn chưa dừng lại        

Sau khi Trung Quốc từ bỏ chính sách Không COVID vào cuối năm 2022, tình hình kinh tế đầu năm nay thể hiện rõ xu thế phục hồi lạc quan. Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay ở mức 5%, và tốc độ tăng trưởng kinh tế trong quý I đã đạt 4,5%. Tuy nhiên, số liệu xuất nhập khẩu tháng Năm đã phủ bóng lên kỳ vọng tăng trưởng kinh tế năm nay của Trung Quốc.   

Theo Chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp Đức tại Bắc Kinh Jens Hildebrandt, số liệu xuất nhập khẩu mới nhất của Trung Quốc chứng tỏ nền kinh tế nước này vẫn không ổn định. Các doanh nghiệp trong nước cũng ngày càng thận trọng về kỳ vọng tăng trưởng kinh doanh. Dựa vào những diễn biến hiện nay, xu thế phục hồi trung hạn trở nên khó dự đoán hơn nhiều so với với trước đây.

Nhà phân tích Khoon Goh từ ngân hàng ANZ cho rằng, số liệu xuất khập khẩu mới nhất của Trung Quốc một lần nữa gây thất vọng, làm dấy lên lo ngại về kỳ vọng tăng trưởng kinh tế và những đồn đoán rằng chính phủ có thể hỗ trợ chính sách nhiều hơn trong thời gian tới.

Một số nhà quan sát dự báo, để thúc đẩy phục hồi kinh tế, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) có thể sẽ hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến cho rằng PBoC có thể sớm phát đi thông điệp về việc giảm lãi suất. 

Nhà kinh tế trưởng Trương Trí Uy của công ty quản lý tài sản Pinpoint nhấn mạnh, xuất khẩu suy yếu cho thấy trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại, Trung Quốc cần phải dựa vào nhu cầu trong nước. Do nhu cầu toàn cầu có thể sẽ tiếp tục suy yếu trong nửa cuối năm, áp lực thúc đẩy nhu cầu trong nước của Chính phủ Trung Quốc sẽ lớn hơn trong thời gian còn lại của năm nay.

Ngoài ra, do cơ sở so sánh về tốc độ tăng trưởng xuất khẩu trong cùng kỳ năm trước của giai đoạn ba tháng tới vẫn tương đối cao, nên xuất khẩu của Trung Quốc trong những tháng tiếp theo có thể duy trì xu thế tăng trưởng âm.

Tuy nhiên, xét từ góc độ điểm đến xuất khẩu, tỷ trọng của các đối tác thương mại chủ chốt trong xuất khẩu của Trung Quốc đang có sự thay đổi. Tỷ trọng của các điểm đến xuất khẩu chính hàng năm như Mỹ, Nhật Bản đang giảm xuống, trong khi tỷ trọng xuất khẩu sang Nga và ASEAN lại tăng nhanh. Số liệu thống kê cho thấy tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 5 tháng đầu năm của Trung Quốc với Mỹ và Nhật Bản lần lượt giảm 5,5% và 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngược lại, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Trung Quốc với ASEAN và Nga lần lượt tăng 9,9% và 51,9% so với cùng kỳ năm 2022. Đồng thời, ASEAN cũng vượt EU trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc, các vị trí tiếp theo là EU, Mỹ và Nhật Bản.

Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) có hiệu lực vào đầu năm ngoái là nguyên nhân chủ yếu thúc đẩy quan hệ thương mại Trung Quốc-ASEAN tăng trưởng. Còn về phía Nga, các biện pháp trừng phạt kinh tế của Mỹ và châu Âu đối với Nga liên tục gia tăng sau khi xung đột Nga-Ukraine bùng nổ vào tháng 2/2022 khiến Nga không thể sử dụng hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT. Điều này đã thúc đẩy Nga tăng cường trao đổi thương mại với Trung Quốc.

Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu tiếp tục ảm đạm và môi trường lãi suất cao hiện nay chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, đà suy giảm xuất khẩu của Trung Quốc được dự báo sẽ tiếp diễn trong thời gian tới, từ đó tác động tiêu cực đến tình kinh tế tổng thể của cả năm. Sau kết quả tăng trưởng không như kỳ vọng của quý I, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) liên tục suy yếu và hoạt động xuất khẩu giảm sút trong những tháng gần đây là những chỉ báo cho thấy nền kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục có một năm đầy sóng gió.

Có lẽ đây là thời điểm Trung Quốc cảm nhận được sự phụ thuộc vào sức khỏe của nền kinh tế toàn cầu hơn bao giờ hết, đặc biệt là những khu vực thị trường đã giúp Trung Quốc cất cánh trước đây.

Thạch Bình (P/V TTXVN tại Hong Kong, Trung Quốc)