|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Trung Quốc bước vào thời kỳ tăng trưởng thấp, giấc mộng trở thành nước giàu ngày càng xa vời

09:30 | 19/07/2023
Chia sẻ
Chuyên gia dự kiến tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm của Trung Quốc sẽ chỉ đạt 3-4% trong hàng chục năm tới.

(Hình minh họa: Financial Times).

“Giống như suy thoái”

Trung Quốc đang bước vào thời kỳ tăng trưởng kinh tế chậm hơn hẳn so với trong quá khứ và nước này có thể sẽ không bao giờ trở nên giàu có. 

Trung Quốc có thể tăng trưởng 3-4% mỗi năm hoặc tệ hơn là rơi vào “thập niên mất mát” như Nhật Bản. Dù thế nào đi nữa, có vẻ như nhiều khả năng Trung quốc sẽ khiến các nhà hoạch định chính sách, giới trẻ và phần còn lại của thế giới phải thất vọng.

Giới lãnh đạo Trung Quốc muốn thu hẹp khoảng cách phát triển với Mỹ. Người trẻ mơ ước có công việc như ở các nền kinh tế tiên tiến. Châu Phi và Mỹ Latinh trông cậy rằng Trung Quốc sẽ mua hàng hóa của họ.

Ông Desmond Lachman, thành viên cấp cao tại Viện Doanh nghiệp Mỹ, nhận xét: “Nền kinh tế Trung Quốc khó có thể vượt qua Mỹ trong 10 hoặc 20 năm tới”.

Ông dự kiến tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc sẽ giảm xuống còn 3%, gây ra “cảm giác giống như suy thoái kinh tế” trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp của giới trẻ lên đến hơn 20%. Ông nói thêm: “Sự giảm tốc của Trung Quốc không phải điều tốt cho nền kinh tế thế giới”.

Khi kinh tế Nhật Bản rơi vào trạng thái đình trệ hồi thập niên 1990, GDP bình quân đầu người của quốc gia này đã vượt qua ngưỡng trung bình của các nước thu nhập cao và gần bằng Mỹ. Nhưng Trung Quốc ngày nay mới chỉ vượt quá mức thu nhập trung bình một chút.

 

Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng chính thức cho năm 2023 là khoảng 5% và tốc độ ghi nhận trong quý II là 6,3%.

Dự kiến sau đó, tăng trưởng của Trung Quốc sẽ chậm lại hơn nữa. Để so sánh, tốc độ tăng trưởng hàng năm bình quân của Trung Quốc đạt 7% trong thập kỷ trước và hơn 10% trong những năm 2000.

Theo tờ Reuters, các chuyên gia kinh tế không còn cho rằng sự suy yếu trong hoạt động tiêu dùng của các hộ gia đình và đầu tư của khu vực tư nhân là do tác động của đại dịch.

Giờ đây, họ cho rằng lỗi thuộc về các vấn đề mang tính cấu trúc. Những vấn đề này bao gồm sự đổ vỡ của bong bóng bất động sản, sự mất cân bằng lớn giữa đầu tư và tiêu dùng và núi nợ khổng lồ của chính quyền các địa phương.

Ông Wang Jun, nhà kinh tế trưởng tại Huatai Asset Management, chia sẻ: “Bài toán nhân khẩu học, cú hạ cánh cứng của ngành bất động sản, gánh nặng nợ của chính quyền địa phương, tâm lý bi quan của khu vực kinh tế tư nhân và căng thẳng Mỹ-Trung không cho phép chúng tôi có quan điểm lạc quan về tiềm năng tăng trưởng trong trung và dài hạn”.

 

Lối thoát

Ông Zheng Shanjie, Chủ tịch Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc, đã nhắc đến bẫy thu nhập trung bình trong bài viết đăng trên tạp chí Qiushi ngày 4/7. Ông nói rằng Trung Quốc phải “đẩy nhanh quá trình xây dựng hệ thống công nghiệp hiện đại” để tránh được cái bẫy này.

Bẫy thu nhập trung bình mô tả tình trạng các quốc gia đang phát triển gặp khó khăn trong việc chuyển từ mức thu nhập trung bình sang thu nhập cao do chi phí gia tăng và lợi thế cạnh tranh sụt giảm.

Các nhà kinh tế cho biết sự bùng nổ của lĩnh vực xe điện tại Trung Quốc là bằng chứng cho thấy sự tiến bộ. Tuy nhiên, phần lớn lĩnh vực công nghiệp của nước này không được nâng cấp với tốc độ tương tự. Doanh số bán ô tô ở nước ngoài mới chỉ chiếm 1,7% lượng xuất khẩu. 

Ông Richard Koo, nhà kinh tế trưởng tại Viện Nghiên cứu Nomura, đặt câu hỏi: “Nhiều nhà quan sát sẽ nhìn vào một số công ty Trung Quốc và thán phục ‘Trung Quốc có những sản phẩm tuyệt vời như vậy, tương lai hẳn sẽ rất xán lạn’. Nhưng câu hỏi của tôi là ‘Liệu Trung Quốc có đủ những công ty như vậy không?’”

Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc nói rằng họ muốn tiêu dùng của hộ gia đình thúc đẩy tăng trưởng, nhưng chưa vạch ra các bước cụ thể.

Ông Juan Orts, nhà kinh tế tại Fathom Consulting, cho biết nếu thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng, chính phủ Trung Quốc có thể lấy mất nguồn lực dùng để hỗ trợ các nhà sản xuất định hướng xuất khẩu.

Đây có thể là một trong những lý do Trung Quốc vẫn ngần ngại, chưa thực hiện các cải cách đáng kể. Trong khi đó, ông Orts cho rằng việc kích thích tiêu dùng lại chính là “lối thoát” khỏi tình trạng kinh tế ảm đạm.

Nhiều nhà kinh tế đã kêu gọi chính phủ Trung Quốc cải thiện y tế công, tăng lương hưu và trợ cấp thất nghiệp nhằm củng cố mạng lưới an sinh xã hội, giúp người tiêu dùng có tự tin để chi tiêu nhiều hơn và tiết kiệm ít đi.

Ông Zhu Ning, phó trưởng khoa tại Học viện Tài chính Cao cấp Thượng Hải, nói cải thiện phúc lợi xã hội có thể giúp Trung Quốc dễ dàng duy trì tốc độ tăng trưởng 3-4% hơn.

Nhà kinh tế Koo của Nomura nhìn nhận rằng các rắc rối ngày nay của Trung Quốc phức tạp hơn Nhật Bản trong quá khứ. Do đó, các nhà hoạch định chính sách dễ mắc sai lầm hơn nếu họ quyết định nắm bắt “cơ hội cuối cùng” để giúp người dân đạt được mức sống của các nước phát triển.

Theo đánh giá của ông Koo, Trung Quốc đang ở trong cuộc “suy thoái bảng cân đối kế toán”, tức là người tiêu dùng và doanh nghiệp nỗ lực giảm nợ thay vì vay tiền và đầu tư. Ông cho rằng giải pháp duy nhất của Trung Quốc là tung ra kích thích tài khóa “quy mô lớn, nhanh chóng và trong khoảng thời gian đáng kể”. Nhưng ông dự đoán Bắc Kinh sẽ không làm như vậy do lo ngại về nợ nần.

Trong những năm gần đây, các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng tại Trung Quốc đã tạo ra nhiều nợ hơn là tăng trưởng. Trong năm 2022, nợ của Trung Quốc bằng gấp ba lần GDP. 

 

Giang