Nắng nóng khắc nghiệt ở Mỹ và châu Âu gây áp lực lên nền kinh tế
Những đợt nắng nóng diễn ra tại nhiều khu vực lớn trên toàn cầu đang gây áp lực cho lưới điện và khiến các doanh nghiệp không thể đảm bảo môi trường làm việc cho nhân công nên buộc phải đóng cửa.
Theo dự báo của các chuyên gia, một số khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất sẽ phải đối mặt với nhiệt độ cao hơn nữa trong những ngày tới.
Cơ quan Thời tiết Quốc gia Mỹ cho biết hơn 100 triệu người dân đang bị ảnh hưởng bởi đợt nắng nóng kéo dài. Thành phố Phoenix bị thiêu đốt dưới nhiệt độ hơn 42 độ C, bang Texas và các khu vực khác ở miền nam nước Mỹ thì bị tấn công bởi sóng nhiệt dai dẳng, theo tờ Wall Street Journal (WSJ).
Thời tiết khắc nghiệt cũng đang bao trùm khắp miền nam châu Âu. Nhiệt độ hàng ngày tại Italy, Hy Lạp và Tây Ban Nha liên tục vượt ngưỡng 38 độ C.
Hơn chục thành phố của Italy, bao gồm Rome và Florence, đã bị đặt trong tình trạng báo động đỏ vì nhiệt độ cực cao. Các nhà chức trách tại Athens phải đóng cửa địa điểm du lịch nổi tiếng là Đền Parthenon để bảo vệ sức khỏe cho du khách và các nhân viên làm việc.
Canada ghi nhận nhiệt độ cao kỷ lục tại miền bắc. Nước này cũng đang trải qua mùa cháy rừng tồi tệ nhất trong lịch sử, khiến các nhà máy gỗ xẻ ở Quebec phải đóng cửa. Giới phân tích và nhà đầu tư đang lo ngại rằng các đợt cháy rừng có thể khiến giá gỗ tăng trong mùa xây cao điểm xây dựng.
Các chuyên gia nghiên cứu tác động của những đợt sóng nhiệt gần đây cho thấy chúng có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Ông Derek Lemoine, nhà kinh tế tại Đại học Arizona, phát hiện “những dấu hiệu rõ ràng cho thấy những năm mà nhiệt độ cao hơn thông thường có liên quan đến sản lượng kinh tế thấp hơn”.
Nhiệt độ quá cao làm suy giảm năng suất lao động và có thể gây hại tới năng lực học tập ở trường học “vì con người không sử dụng não hiệu quả trong cái nóng”, ông giải thích.
Thời tiết khắc nghiệt đang tạo gánh nặng cho các cá nhân và doanh nghiệp nhỏ. Hệ thống điều hòa của cửa hàng Burger Fresh & More ở Texas bị hỏng vào tháng 6 giữa lúc nắng nóng tăng cao. Nhiệt độ trong nhà bếp có lúc lên tới 47 độ C.
Các lao động phải sử dụng khăn ướt và quạt phun sương để làm việc trong lúc một hệ thống mới được lắp đặt với chi phí 12.450 USD. Chủ cửa hàng đã phải xin cấp khoản vay cho doanh nghiệp nhỏ để có thể trang trải chi phí này.
Ngay cả những nhà hàng có thể bật điều hòa liên tục cũng có thể phải đóng cửa vì không chống chịu được với sức nóng. Nhân viên đứng bếp có nguy cơ bị sốc nhiệt khi nấu ăn trên bếp nóng trong thời gian dài. Cô Blanding, Utah, chủ quán Yak’s Café ở bang Utah, đã phải đóng cửa quán trong một khoảng thời gian sau khi nấu nướng quá lâu và bị sốc nhiệt.
Đợt sóng nhiệt đang gây áp lực lên lên lưới điện của Mỹ. North American Electric Reliability Corporation, tổ chức phi lợi nhuận theo dõi hoạt động của hệ thống năng lượng Mỹ, cho biết nhiều khu vực của nước Mỹ có thể bị mất điện trong mùa hè này.
Hiệp hội National Energy Assistance Directors Association ước tính trung bình hóa đơn tiền điện của các hộ gia đình Mỹ sẽ tăng 11,7% lên 578 USD trong mùa hè.
Giám đốc điều hành Mark Wolfe cảnh báo: “Nếu sóng nhiệt tiếp diễn thì sẽ có thêm nhiều người không có đủ tiền để làm mát nhà”. Chi phí gia tăng cho tiền điện sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế, vì các hộ gia đình sẽ còn lại ít tiền hơn để mua sắm.
Ông Gernot Wagner, nhà kinh tế khí hậu tại Trường Kinh doanh Columbia, nói thêm rằng nắng nóng cực độ có thể kích thích các hành vi phi lý trí làm tổn hại nền kinh tế. Ông lấy ví dụ: “Số vụ tai nạn xe cộ gia tăng, người lái xe trở nên hung hăng, các vụ tấn công xảy ra thường xuyên hơn”.
Một trong những rủi ro lớn của các đợt sóng nhiệt kéo dài là chúng có thể đẩy nhanh các quá trình nguy hiểm và không thể đảo ngược như sông băng tan chảy, dẫn đến tác hại kinh tế trên diện rộng.