|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Trung Quốc công bố kế hoạch toàn diện 31 điểm để thúc đẩy nền kinh tế, nhưng liệu có thành công?

17:19 | 20/07/2023
Chia sẻ
Vài ngày sau khi số liệu tăng trưởng GDP quý II khiến thị trường thất vọng, Bắc Kinh đã tiết lộ kế hoạch mới để hỗ trợ nền kinh tế. Giới phân tích kêu gọi chính phủ Trung Quốc thực hiện đúng lời hứa, can thiệp và cứu các doanh nghiệp gặp khó khăn thoát khỏi bờ vực đóng cửa hoặc phá sản.

Trung Quốc vừa công bố kế hoạch hỗ trợ nền kinh tế toàn diện nhất kể từ khi ông Tập Cận Bình bắt đầu nhiệm kỳ chủ tịch nước mới vào tháng 3/2023. (Hình minh họa: Financial Times). 

"Thiếu sót lớn nhất"

Hôm 19/7, Trung Quốc đã công bố gói chính sách mới để tiếp thêm sinh khí cho nền kinh tế, trong đó có kế hoạch hành động đã được mong đợi từ lâu nhằm hỗ trợ khu vực tư nhân.

Số liệu công bố hồi đầu tuần cho thấy GDP quý II của Trung Quốc chỉ tăng 0,8% so với quý I. Theo tờ South China Morning Post (SCMP), dữ liệu mới đã dấy lên nỗi sợ rằng cuộc phục hồi kinh tế của Trung Quốc đang mất đà và khiến thị trường lo lắng về các giải pháp chính sách của giới lãnh đạo cấp cao.

Kế hoạch hành động 31 điểm mới được công bố là phương án toàn diện nhất kể từ khi ông Tập Cận Bình bắt đầu nhiệm kỳ chủ tịch nước thứ ba vào tháng 3.

Kế hoạch này đề cập đến hàng loạt vấn đề được chú ý nhiều như khả năng gia nhập thị trường, môi trường cạnh tranh công bằng, bảo vệ doanh nghiệp khỏi nguy cơ mất khả năng thanh toán và quyền sở hữu trí tuệ.

Bắc Kinh quyết tâm cải thiện môi trường kinh doanh trong nước và giải quyết các khó khăn thực tế của doanh nghiệp. Còn giới đầu tư và các nhà phân tích muốn thấy chính phủ hành động nhanh lẹ, hiệu quả và triệt để nhằm ngăn lòng tin trong khu vực kinh tế tư nhân suy yếu hơn nữa và giúp đỡ doanh nghiệp thoát khỏi nguy cơ phá sản.

 Tốc độ tăng trưởng GDP trung bình trước thời COVID-19 được tính từ Q1/2011 đến Q4/2019, tốc độ trung bình trong đại dịch được tính từ Q1/2020 đến Q4/2022.

 

Theo văn bản của chính phủ Trung Quốc, khu vực tư nhân được coi là nền tảng quan trọng cho sự phát triển kinh tế chất lượng cao của đất nước. 

Các nhà chức trách lặp lại cam kết sẽ phá bỏ rào cản gia nhập thị trường đối với các doanh nghiệp tư nhân và sẽ tiến hành đánh giá khả năng gia nhập thị trường, đồng thời chấp nhận các khiếu nại được gửi đến.

Kế hoạch hành động cũng tuyên bố sẽ cải thiện cơ chế hiện tại để ngăn doanh nghiệp rơi vào cảnh mất khả năng thanh toán - vấn đề mang tính sống còn với nhiều doanh nghiệp nhỏ.

Ông Wu Hai, nhà sáng lập chuỗi karaoke Mei KTV, bình luận: “Rõ ràng chính quyền trung ương và các nhà lãnh đạo địa phương hiện đang tập trung vào nền kinh tế. Đó là điều tốt, nhưng kết quả sẽ phụ thuộc vào việc thi hành chính sách”.

Ông Wu nói rằng các cơ quan địa phương thường chào đón doanh nghiệp lớn nhưng lại có xu hướng ngó lơ những công ty nhỏ hơn. Doanh nghiệp nhỏ cũng bị ảnh hưởng nhiều hơn bởi các cuộc thanh tra đột xuất, tiền phạt và các vấn đề về giấy phép.

Ông chỉ ra: “Thái độ của những cơ quan này là thiếu sót lớn nhất trong nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh”.

 

Trụ cột của nền kinh tế

 

Trung Quốc có hơn 47 triệu công ty tư nhân đã đăng ký kinh doanh, phần lớn trong số đó có quy mô nhỏ, cùng với hơn 100 triệu cơ sở tự doanh. Những doanh nghiệp này bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch.

Bên cạnh đó, những công ty trong những lĩnh vực như phát triển bất động sản hay dạy thêm trực tuyến cũng gặp khó khăn trong chiến dịch siết chặt kiểm soát của Bắc Kinh.

Cho đến nay, vị thế tài chính của những công ty đó vẫn chưa được cải thiện. Số liệu của Cục Quản lý Quốc gia Trung Quốc cho thấy trong 5 tháng đầu năm 2023, lợi nhuận của các công ty công nghiệp tư nhân lao dốc gần 22% so với một năm trước.

Đầu tư tư nhân trong 6 tháng đầu năm giảm 0,2%, trong khi đó tổng đầu tư trong toàn nền kinh tế lại tăng 3,8%. 

Kế hoạch hành động mới là một phần trong nỗ lực của Bắc Kinh nhằm ổn định nền kinh tế. Các bộ ngành lớn của Trung Quốc cũng đang gấp rút triển khai biện pháp hỗ trợ để kích thích tiêu dùng, nới lỏng các hạn chế về bất động sản và củng cố niềm tin của nhà đầu tư, tờ SCMP cho biết. 

Bắc Kinh cũng lên kế hoạch nâng cao vị thế chính trị của các doanh nhân tư nhân. Tài liệu mới khuyến khích họ tham gia các cơ quan tư vấn hoặc lập pháp ở các cấp khác nhau và “đóng vai trò lớn hơn” trong các hoạt động kinh tế quốc tế.

Những cam kết mới nhất, cộng với buổi hội nghị giữa Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường cùng các công ty công nghệ như Alibaba vào cuối tuần trước, càng thể hiện rõ rằng Trung Quốc đang thay đổi đường lối chính sách sau chiến dịch siết chặt quản lý lên các công ty tư nhân trong hai năm rưỡi qua.

Khu vực kinh tế tư nhân chiếm hơn 60% GDP Trung Quốc, đóng góp hơn 70% tiến bộ công nghệ và cung cấp việc làm cho 80% lực lượng lao động thành thị. Những con số này thường xuyên được trích dẫn trong các thông tư của chính phủ để nhấn mạnh tầm quan trọng của nền kinh tế tư nhân đối với sự phát triển của Trung Quốc. 

Giang

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.