|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Chính phủ Trung Quốc mở khoá cho thị trường bất động sản sau 6 năm, dồn sức giúp đỡ nền kinh tế

16:52 | 25/07/2023
Chia sẻ
Giới lãnh đạo Trung Quốc tuyên bố chính sách bất động sản trên toàn quốc sẽ được điều chỉnh kịp thời để thúc đẩy nền kinh tế. Trong suốt nhiều năm, Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhấn mạnh "nhà là để ở, không phải để đầu cơ", nhưng Bộ Chính trị không nhắc đến chủ trương này tại cuộc họp mới nhất.

Sự xuống dốc của thị trường bất động sản là thách thức lớn đối với tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. (Ảnh minh hoạ: Bloomberg). 

Cam kết của giới lãnh đạo

Sau 6 năm áp dụng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ đối với thị trường bất động sản, giới lãnh đạo Trung Quốc đã quyết định đây là lúc để thay đổi. Các nhà chức trách cam kết sẽ tối ưu hóa các chính sách quản lý để thúc đẩy lĩnh vực bất động sản và giảm bớt rủi ro tài chính trong nền kinh tế.

Tuyên bố ngày 25/7 của Bộ Chính trị Trung Quốc cho thấy Bắc Kinh đang chuẩn bị những thay đổi chính sách lớn nhằm kéo nền kinh tế ra khỏi tình trạng tăng trưởng ảm đạm.

Dữ liệu kinh tế được công bố vào tuần trước đã khiến thị trường thất vọng.GDP quý II của Trung Quốc chỉ tăng trưởng 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái và 0,8% so với quý liền trước.

Sau liệu thấp hơn kỳ vọng, một số ngân hàng Phố Wall đã hạ ước tính tăng trưởng cả năm của Trung Quốc, nhưng hầu hết vẫn ở mức cao hơn mục tiêu khoảng 5% của Bắc Kinh.

Công chúng, các chủ doanh nghiệp và nhà đầu tư ngoại lo sợ rằng cuộc phục hồi hậu COVID của Trung Quốc đang mất đi động lực và tình hình kinh tế sẽ ngày càng khó khăn khi các thách thức tăng dần lên.  

Bộ Chính trị Trung Quốc đã triệu tập hội nghị phân tích kinh tế sớm hơn so với những năm trước, vạch ra các nhiệm vụ chủ chốt cho nửa cuối năm 2023, bao gồm mở rộng nhu cầu nội địa, cải thiện niềm tin và ngăn ngừa rủi ro.

Cơ quan này cũng mô tả cuộc phục hồi kinh tế hậu COVID-19 là “sự phát triển theo hình sóng, có lúc dâng lên và hạ xuống”, và thời gian tới tăng trưởng sẽ đi lên.

Bất động sản từng là động cơ chính cho tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc nhưng gần đây đã trở thành nguồn gốc của rủi ro tài chính và bất ổn xã hội. Củng cố lĩnh vực này là một phần trong nỗ lực kích thích lòng tin của giới lãnh đạo quốc gia, bởi thuyết phục người dân chi tiêu và đầu tư là điều tối quan trọng cho tăng trưởng kinh tế.

 

24 thành viên của Bộ Chính trị Trung Quốc, dẫn đầu bởi Chủ tịch Tập Cận Bình, tuyên bố sau hội nghị: “Chúng ta nên điều chỉnh và tối ưu hóa chính sách bất động sản một cách kịp thời”.

Bất kỳ sự điều chỉnh nào tới chính sách bất động sản cũng nhận được sự quan tâm lớn của thị trường, bởi ngành này từng đóng góp tới hơn 25% tăng trưởng kinh tế hàng năm của Trung Quốc.

Bắc Kinh bắt đầu thắt chặt kiểm soát thị trường nhà đất từ năm 2017. Các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương đã tiến hành hàng loạt các biện pháp hạn chế liên quan đến giao dịch, thuế và tín dụng ngân hàng.

Đặc biệt, quy tắc “ba lằn ranh đỏ” áp dụng từ năm 2020 đã kích hoạt hàng loạt vụ vợ nỡ trái phiếu của những nhà phát triển bất động sản lớn như Evergrande. Đồng thời, nợ xấu từ lĩnh vực nhà đất cũng đe dọa hệ thống ngân hàng. 

Chủ trương “nhà là để ở, không phải để đầu cơ” của ông Tập thường xuyên được lặp lại trong các cuộc họp lớn của chính phủ trong suốt 6 năm qua. Tuy nhiên, khẩu hiệu này lại không được nhắc đến lần nào trong tuyên bố ngày 25/7 của Bộ Chính trị, tờ South China Morning Post (SCMP) cho biết. 

Bộ Chính trị Trung Quốc công nhận rằng thị trường nhà ở đã trải qua những thay đổi đáng kể trong vài năm qua. Tuyên bố viết: “Chúng ta nên tận dụng tốt các công cụ chính sách tùy theo điều kiện thực tế của từng thành phố, để có thể đáp ứng tốt hơn nhu cầu nhà ở của người dân, đồng thời thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định và lành mạnh”.

Bình luận của các chuyên gia

Ông Zhang Zhiwei, nhà kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management, nhận xét: “Chính phủ Trung Quốc thừa nhận các khó khăn nhưng vẫn cho rằng giai đoạn kinh tế ảm đạm chỉ là tạm thời”.

Khi nói về lời kêu gọi “điều chỉnh kịp thời” các chính sách bất động sản, ông Zhang coi đó là “tín hiệu thú vị bởi sự sa sút của thị trường nhà đất có thể coi là thách thức chính của nền kinh tế lúc này”.

Ông nói tiếp: “Có vẻ như Bắc Kinh đã nhận ra tầm quan trọng của việc thay đổi chính sách trong lĩnh vực bất động sản tới việc ổn định nền kinh tế”.

Ông Lu Ting, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Nomura, nhận xét: “Chính phủ Trung Quốc đã nhận ra áp lực suy giảm của nền kinh tế và xác định được mấu chốt của vấn đề là ngành bất động sản. Họ cũng đã đề xuất một số giải pháp để điều chỉnh chính sách nhà đất hiện tại. Tôi cho rằng đây là chuyển biến rất quan trọng”.

Ông Ding Shuang, nhà kinh tế trưởng của ngân hàng Standard Chartered tại thị trường tỷ dân, dự đoán rằng Trung Quốc có thể sẽ giới thiệu các chính sách bất động sản mới.

Nhưng ông cảnh báo: “Điều này chỉ có thể giúp ngành bất động sản hạ cánh suôn sẻ chứ không phải phục hồi mạnh mẽ. Trên thực tế, một cuộc hạ cánh ổn thỏa cũng có thể được coi là kết quả rất tốt rồi”.

Giang

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.