|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Các nhà đầu tư ngoại quay lưng với Trung Quốc, rót tiền vào Việt Nam và các thị trường mới nổi

15:10 | 27/07/2023
Chia sẻ
Thay vì để tiền vào chứng khoán Trung Quốc, ngày càng nhiều nhà đầu tư ngoại lựa chọn rót vốn vào những quốc gia đang thay thế Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu hoặc có triển vọng tăng trưởng tốt hơn.

(Hình minh họa: Shutterstock). 

Đầy rẫy mối lo

Ngày càng nhiều nhà đầu tư quốc tế đã bỏ qua thị trường Trung Quốc để lựa chọn những thị trường mới nổi khác. Phân tích của Reuters cho thấy tài sản của các quỹ tương hỗ và quỹ ETF chuyên đầu tư vào các thị trường mới nổi không bao gồm Trung Quốc đã tăng vọt.

Thiện cảm của các nhà đầu tư đối với Trung Quốc tiếp tục xuống dốc trong năm nay sau khi cuộc phục hồi kinh tế hậu COVID-19 suy yếu, phản ứng chính sách của các nhà lãnh đạo gây thất vọng và căng thẳng Mỹ-Trung tiếp tục gia tăng.

Một phần tiền của các nhà đầu tư ngoại đang được chuyển sang những quốc gia đang thay thế Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu như Việt Nam, Ấn Độ và Mexico. Những người khác thì lựa chọn các thị trường có triển vọng tăng trưởng tốt hơn Trung Quốc như Brazil.

Ông Malcolm Dorson, người phụ trách danh mục đầu tư tại công ty quản lý quỹ Global X, cho biết: “Thế thống trị của Trung Quốc trong hoạt động xuất khẩu đang suy giảm, tạo ra cơ hội lấp đầy chỗ trống cho những nước khác, bao gồm Ấn Độ, Mexico và các quốc gia Đông Nam Á”.

Ông dự đoán những thay đổi lớn trong chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ thúc đẩy dòng vốn chuyển sang những thị trường mới nổi bên ngoài Trung Quốc trong khoảng 10 năm nữa.

Theo dữ liệu của Refinitiv, các quỹ tương hỗ tập trung vào Trung Quốc đã bị rút ròng 674 triệu USD trong quý II. Ngược lại, các quỹ tương hỗ đầu tư vào thị trường mới nổi không tính Trung Quốc thu hút được số vốn gần 1 tỷ USD.

Quỹ iShares MSCI Emerging Markets ex-China ETF - quỹ ETF lớn nhất trên thế giới, chuyên tìm kiếm lợi nhuận ở các thị trường mới nổi trừ Trung Quốc - hút ròng kỷ lục 1 tỷ USD trong nửa đầu năm 2023.

Ông John Lau, nhà quản lý danh mục đầu tư cấp cao của SEI, nói với Reuters: “Trong nhóm các thị trường mới nổi, Trung Quốc là quốc gia lớn mà các nhà đầu tư lo ngại nhất”.

Dữ liệu từ Goldman Sachs cho thấy trong vòng 12 tháng tính đến tháng giữa tháng 7, khối ngoại đã mua tổng cộng 39 tỷ USD cổ phiếu của các thị trường mới nổi ở châu Á trừ Trung Quốc. Đây là lần đầu tiên dòng vốn đổ vào những thị trường này lớn hơn vốn rót vào cổ phiếu Trung Quốc đại lục thông qua chương trình Stock Connect.

Tính toán dựa trên dữ liệu của 815 quỹ ngoại tập trung vào Trung Quốc và 33 quỹ thị trường mới nổi trừ Trung Quốc có sẵn trên Lipper. 

Đỏ mắt tìm nhà đầu tư

 

Quy mô của 10 quỹ tương hỗ lớn nhất tập trung vào Trung Quốc theo dõi đã sụt 40% so với mức đỉnh hồi năm 2021, theo Morningstar.

Cuối tháng 6, quỹ China Opportunity Equity Fund nổi tiếng của UBS chứng kiến tài sản giảm xuống còn 4,5 tỷ USD, chỉ bằng 1/4 so với tháng 1/2021.

Các chuyên gia cố vấn và nhà quản lý quỹ đang phải vật lộn để thu hút tiền vào các sản phẩm tài chính tập trung vào thị trường Trung Quốc. Ông Benjamin Low, Giám đốc đầu tư cấp cao tại công ty tư vấn Cambridge Associates, cho biết: “Trong 6 đến 12 tháng qua, hầu như không một khách hàng nào của chúng tôi hỏi thăm về các sản phẩm tập trung vào Trung Quốc”.

Chỉ số CSI 300 của Trung Quốc hiện nay chỉ cao hơn chút ít so với hồi đầu năm.

Nhiều nhà đầu tư đã trở nên e dè sau khi chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump cấm người Mỹ đầu tư vào các công ty quân sự Trung Quốc. Sự quan ngại của họ càng tăng lên sau khi Tổng thống Joe Biden mở rộng danh sách cấm sang những lĩnh vực như chip và máy tính lượng tử.

 

Tính toán dựa trên dữ liệu của 815 quỹ ngoại tập trung vào Trung Quốc và 33 quỹ thị trường mới nổi trừ Trung Quốc có sẵn trên Lipper.  

Cuộc chiến đầu tư?

Ngoài rủi ro tài chính, các nhà đầu tư tổ chức phương Tây còn lo ngại về rủi ro danh tiếng. Các nhà quản lý danh mục của nhiều quỹ đầu tư cho biết họ ngày càng khó giải thích các khoản đầu tư vào Trung Quốc ngay cả đối với ban quản lý và bộ phận giám sát nội bộ.

Hồi tháng 5, Canada đã tổ chức một phiên điều trần trước quốc hội để đánh giá mối quan hệ của một số quỹ hưu trí trong nước với Trung Quốc. Chính quyền Tổng thống Biden cũng đang soạn thảo một sắc lệnh hành pháp nhằm hạn chế người Mỹ đầu tư vào Trung Quốc.

Ông Wong Kok Hoi, Giám đốc đầu tư của APS Asset Management, cho biết: “Các nhà đầu tư Mỹ, Canada và một số nhà đầu tư châu Âu đang rút khỏi Trung Quốc do áp lực chính trị. Nhìn bề ngoài, Mỹ dường như đã bắt đầu một cuộc chiến đầu tư, sau chiến tranh thương mại và công nghệ”.

Giang