|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Doanh nghiệp đua nhau hạ giá để sống sót, mối nguy giảm phát của Trung Quốc ngày càng lớn

10:38 | 08/08/2023
Chia sẻ
Trái với kỳ vọng của các chủ doanh nghiệp hồi đầu năm rằng việc kinh doanh sẽ khởi sắc sau khi chính phủ Trung Quốc dỡ bỏ các hạn chế chống dịch, họ giờ đang phải hạ giá để lôi kéo khách hàng. Một số doanh nghiệp phải thu hẹp lợi nhuận nhiều nhất có thể, đến mức chỉ đủ để sống sót.

 

Nhà máy sản xuất vải của Jiayao Textile tại thành phố Tô Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. (Ảnh: Jiayao Textile)

Hy vọng hóa thất vọng

Khi Trung Quốc dẹp bỏ các hạn chế chống dịch vào đầu năm nay, ông Nie Xingquan kỳ vọng doanh số tại công ty giày da thủ công của mình sẽ bùng nổ. Nhưng trên thực tế, nhu cầu của khách hàng thấp đến mức ông đã phải hạ giá 3% so với năm ngoái và giảm lợi nhuận.

Theo tờ Bloomberg, câu chuyện của ông Nie là dấu hiệu đáng ngại về áp lực giảm phát đang tấn công các doanh nghiệp Trung Quốc và đe dọa cản trở các kế hoạch kích thích kinh tế của Bắc Kinh.

Công ty Italy Elsina Group của ông Nie nằm ở thành phố Ôn Châu, miền đông Trung Quốc, chủ yếu phục vụ cho các nhà bán lẻ và người tiêu dùng trong nước. Ông cho biết việc kinh doanh đã xuống dốc kể từ tháng 2.

Nhiều khách hàng của ông vẫn còn sợ hãi trước những thiệt hại mà COVID-19 gây ra đối với dòng tiền và lợi nhuận. Thay vì đặt các đơn hàng mới, một số nhà bán lẻ đang cố gắng bán hết hàng tồn kho mà họ đã tích trữ khi kỳ vọng rằng doanh thu sẽ tăng mạnh.

Ông Nie cho biết: “Mọi người đều đang cố gắng xoay xở và thu hẹp lợi nhuận nhiều nhất có thể để tiếp tục sống sót”.

 

Trung Quốc đang trải qua giai đoạn giá cả suy giảm hiếm hoi trong lịch sử. Tình trạng này trái ngược với việc áp lực lạm phát phình to tại Mỹ và các nước Tây sau khi họ mở cửa nền kinh tế trở lại. 

So với cùng kỳ năm trước, giá sản xuất tại Trung Quốc đã sụt giảm liên tục kể từ tháng 10/2022, chủ yếu là do giá của những hàng hóa như than và dầu thô hạ nhiệt.

Dữ liệu công bố ngày 9/8 nhiều khả năng sẽ cho thấy giá tiêu dùng tháng 7 đi xuống, đánh dấu lần đầu tiên kể từ cuối năm 2020 giá sản xuất và tiêu dùng của Trung Quốc giảm cùng lúc. 

Chỉ số điều chỉnh GDP (GDP deflator) - thước đo giá cả của mọi hàng hóa và dịch vụ trong nền kinh tế - cho thấy Trung Quốc đã rơi vào tình trạng giảm phát.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) định nghĩa giảm phát là “sự sụt giảm kéo dài của thước đo tổng hợp về giá cả”, ví dụ như chỉ số điều chỉnh GDP hay chỉ số giá tiêu dùng (CPI).

Nguyên nhân khiến giá tiêu dùng của Trung Quốc sụt giảm lần này đáng lo hơn các giai đoạn gần đây trong năm 2020 và đầu năm 2021. Xuất khẩu của Trung Quốc đang sa sút do người tiêu dùng tại các thị trường lớn như Mỹ và châu Âu cắt giảm chi tiêu. Khủng hoảng kéo dài của ngành bất động sản dẫn tới việc giá thuê nhà, đồ nội thất và đồ gia dụng đi xuống.

Cuộc chiến giá cả giữa các nhà sản xuất xe hơi do Tesla khơi mào cũng đã dẫn tới việc các hãng xe lớn hạ giá sâu hồi đầu năm nay.

 

Giảm giá mạnh  

Nếu giá cả của nhiều loại hàng hóa tiếp tục đi xuống trong khoảng thời gian dài, người tiêu dùng có thể sẽ trì hoãn mua hàng, kìm hãm hoạt động kinh tế hơn nữa và buộc các doanh nghiệp giảm giá tiếp.

Điều này sẽ ảnh hưởng xấu đến doanh thu và lợi nhuận, khiến doanh nghiệp cắt giảm kế hoạch đầu tư và nhân sự - gây ra tình trạng trì trệ kinh tế như “thập niên mất mát” của Nhật Bản.

Rủi ro lạm phát trong các ngành hàng tiêu dùng là đáng ngại nhất. Ông Chen Yubing, Giám đốc của Jiayao Textile, một nhà sản xuất vải polyester và nylon có trụ sở tại tỉnh Chiết Giang, nói với tờ Bloomberg: “Có vẻ như mọi người không tiêu nhiều cho quần áo nhiều như trước nữa.

Cạnh tranh ngày càng trở nên gay gắt, nhiều nhà máy đang hạ giá để bán hàng, tạo ra vòng lặp tai hại”. Nhà máy của ông Chen đã phải giảm giá 5% trong năm nay dù chi phí cũng tăng 5%.

Một trong những yếu tố chính khiến giá cả duy trì ở mức thấp là sự tích lũy của hàng tồn kho trong đại dịch và trong quý I/2023 - khi tâm lý lạc quan bùng nổ vì chính phủ chấm dứt các hạn chế chống dịch. Nhưng hiện tại, các doanh nghiệp đang hạ giá để giảm lượng hàng tồn đọng.

Bà Vivian Feng sống ở Thượng Hải, chuyên thu mua các loại hàng hóa chiết khấu từ nông sản đến áo phông của Nike, rồi bán chúng cho những người hàng xóm trong cộng đồng dân cư của mình. Các nhà cung ứng của bà đã giảm giá đáng kể trong năm nay do hàng tồn kho cao và nhu cầu yếu.

Bà Feng cho biết: “Năm 2021, một số thương hiệu may mặc có tiếng từng cung cấp sản phẩm...với giá bằng khoảng 40% giá gốc, còn bây giờ họ bằng lòng với 10% hoặc thậm chí còn thấp hơn”.

 

Lạm phát thấp đang kéo lãi suất thực (tức lãi suất sau khi điều chỉnh cho lạm phát) đi lên, làm tăng chi phí trả nợ của doanh nghiệp và cản trở mục tiêu kích thích chi tiêu của ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBoC).

Các quan chức PBoC đã ra hiệu rằng họ sẽ thực hiện một số biện pháp nới lỏng, ví dụ như giảm dự trữ bắt buộc của các ngân hàng thương mại. Các nhà kinh tế cũng dự đoán PBoC sẽ giảm lãi suất chính sách 10 điểm cơ bản trong quý III.

Giang

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.