Sáng kiến ‘thành phố bọt biển’ hàng tỷ USD không bảo vệ nổi Trung Quốc trước mưa lũ kỷ lục
Tờ Bloomberg cho biết chỉ tính riêng trong năm 2023, các trận lũ lụt đã ảnh hưởng đến 30 triệu người Trung Quốc, bao gồm ít nhất 20 người chết trong vài ngày qua. Những con số này đặt ra câu hỏi về sự chuẩn bị của Trung Quốc trước các hiện tượng thời tiết thảm khốc do biến đổi khí hậu gây ra.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã đầu tư hàng tỷ USD để phòng vệ trước các trận mưa lớn sau khi cơn lũ năm 2012 ở Bắc Kinh giết chết 79 người. Sau sự kiện này, Chủ tịch Tập Cận Bình đã lên tiếng kêu gọi xây dựng “những thành phố như bọt biển”.
Ý tưởng của chiến lược này rất đơn giản: sử dụng các khu vườn trên mái nhà, vỉa hè có thể thấm nước, bể chứa ngầm và các tính năng giống như bọt biển khác để hấp thụ lượng mưa lớn và sau đó từ từ xả ra sông hoặc hồ chứa. Kể từ đó, hàng chục thành phố từ Bắc Kinh cho đến Trùng Khánh đã cam kết thực hiện chuyển đổi.
Nhưng số người tử vong tại miền bắc Trung Quốc kể từ ngày 29/7 đến giờ đã làm dấy lên hồi chuông cảnh báo về hiệu quả của những chiến lược này.
Lấy ví dụ về sân bay quốc tế Đại Hưng ở ngoại ô Bắc Kinh. Các hồ nước đẹp đẽ, bể chứa và hệ thống thoát nước của sân bay được thiết kế để hấp thụ lượng nước mưa tương đương với khoảng 1.300 bể bơi kích cỡ theo tiêu chuẩn Olympic.
Dù là sân bay đầu tiên ở Trung Quốc được thiết kế theo kiểu “bọt biển”, một phần đường băng của Đại Hưng vẫn bị ngập nước khi Bắc Kinh hứng chịu trận mưa kỷ lục.
Tại tỉnh Hà Bắc kế cận, thành phố Hình Đài cũng trở thành nạn nhân của trận mưa khốc liệt, mặc dù họ đã tham gia chiến dịch toàn quốc từ năm 2016 để bổ sung thêm nhiều công trình “bọt biển”.
Khi lượng mưa bằng với hai năm - 1.003 mm - rơi xuống Hình Đài trong hai hôm, trận lũ mà nó gây ra đã khiến 5 người chết và 4 người mất tích, theo dữ liệu trang Caixin cập nhật đến ngày 2/8.
Sân bay Đại Hưng và thành phố Hình Đài không phải là những ví dụ duy nhất. Vào cuối thập kỷ trước, Trịnh Châu đã đầu tư 53,5 tỷ nhân dân tệ (khoảng 7,4 tỷ USD) để cải tiến cơ sở hạ tầng hiện có và biến mình thành một “miếng bọt biển”.
Tuy nhiên, trận lũ lụt kinh hoàng xảy ra ở thành phố này vào năm 2021 đã khiến 380 người thiệt mạng và cuốn trôi số tài sản trị giá khoảng 41 tỷ nhân dân tệ (khoảng 5,7 tỷ USD).
Tại một số khu vực, cơ sở hạ tầng “bọt biển” chỉ chiếm một phần diện tích của thành phố. Còn tại những khu vực khác, một số địa điểm bị ngập lụt vì chúng là nơi được chỉ định để xả lũ.
Ông Hongzhang Xu, nhà nghiên cứu tại Đại học Quốc gia Australia, đánh giá: “Các thành phố bọt biển là kế hoạch khá tốt khi mới được áp dụng, bởi nó là giải pháp tổng thể để giải quyết những vấn đề về nước ở đô thị, bao gồm kiểm soát ô nhiễm, quản lý nước mưa và giảm thiểu lũ lụt. Nhưng kế hoạch này không tính đến các sự kiện bất thường và những thảm họa như lũ quét”.
Ông Ma Jun, Giám đốc Viện Vấn đề Công cộng và Môi trường ở Bắc Kinh, cho rằng chiến lược “bọt biển” hữu dụng và nên được phổ biến rộng rãi hơn nữa. Tuy nhiên, các chiến thuật đơn lẻ là không đủ để đối phó với những hiện tượng cực đoan và cần được kết hợp với các biện pháp khác.
Để nâng cao năng lực của các “thành phố bọt biển”, nhà nghiên cứu Xu đề xuất khôi phục các tuyến đường thủy bị bỏ hoang được xây dựng từ thời nhà Thanh để thoát lũ và chuyển hướng nước. Ông cũng khuyến nghị chính phủ Trung Quốc cải thiện hệ thống cảnh báo để giảm thiểu thiệt hại.