Cuộc phục hồi kinh tế suy yếu, Trung Quốc rơi vào tình trạng giảm phát
Tờ Financial Times đưa tin nền kinh tế Trung Quốc đã chính thức rơi vào tình trạng giảm phát. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 giảm 0,3% so với một năm trước, lần đầu tiên trong vòng hai năm.
Đây là một trong những chỉ báo rõ ràng nhất cho thấy thách thức lớn mà các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc phải đối mặt khi nỗ lực hồi sinh lĩnh vực tiêu dùng.
Giá tiêu dùng của Trung Quốc đã mấp mé gần bờ vực giảm phát trong suốt nhiều tháng qua. Trong tháng 6, lạm phát tính theo CPI của Trung Quốc đã tụt xuống còn 0%.
Nền kinh tế Trung Quốc đã không thể bật tăng mạnh mẽ như kỳ vọng hồi đầu năm, sau khi chính phủ dỡ bỏ các hạn chế chống dịch khắt khe.
Việc Trung Quốc rơi vào tình trạng giảm phát nhiều khả năng sẽ khiến giới chuyên gia tiếp tục kêu gọi chính phủ bơm thêm kích thích. Trong khi đó, các nhà hoạch định chính sách cũng đang đối mặt với sự sa sút của lĩnh vực bất động sản và sự suy yếu của hoạt động thương mại.
Dữ liệu công bố ngày 8/8 cho thấy kim ngạch xuất khẩu tháng 7 của Trung Quốc đã lao dốc 14,5% so với một năm trước, đánh dấu mức giảm mạnh nhất kể từ đầu đại dịch.
Ông Eswar Prasad, chuyên gia về tài chính Trung Quốc tại Đại học Cornell, bình luận: “Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang đối mặt với rủi ro nghiêm trọng là rơi vào giai đoạn giảm phát, khiến tốc độ tăng trưởng và niềm tin trong khu vực tư nhân không ngừng đi xuống”.
Chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu lạm phát trung bình cả năm 2023 là 3%. Dữ liệu chính thức mới nhất làm nổi bật lên sự khác biệt giữa kỳ vọng của các quan chức và tình hình thực tế.