|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Cỗ máy xuất khẩu của Trung Quốc tiếp tục suy yếu, kim ngạch sụt hơn 14% so với cùng kỳ

12:00 | 08/08/2023
Chia sẻ
Số liệu vừa mới công bố cho thấy hoạt động xuất khẩu và nhập khẩu của Trung Quốc đều sụt giảm mạnh hơn dự kiến trong tháng 7.

Vào tháng 7, xuất khẩu và nhập khẩu của Trung Quốc đều giảm mạnh hơn dự kiến. (Ảnh minh hoạ: Reuters).

Xuất, nhập khẩu cùng yếu đi

Báo cáo do chính phủ Trung Quốc công bố hôm nay (ngày 8/8) cho thấy kim ngạch xuất khẩu tính theo đồng USD của nước này đã giảm 14,5% so với cùng kỳ vào tháng 7. Đồng thời, nhập khẩu sụt 12,4%.

Kết quả này tồi tệ hơn những gì các nhà phân tích đã dự đoán. Tham gia khảo sát của Reuters, các nhà kinh tế cho rằng xuất khẩu của Trung Quốc sẽ giảm 12,5% trong tháng 7, trong khi nhập khẩu sụt 5%.

Theo CNBC, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ đã lao dốc 23,1% so với cùng kỳ, trong khi sang Liên minh châu Âu (EU) giảm 20,6%. Xuất khẩu sang Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sụt 21,4%.

Dữ liệu còn cho thấy vào tháng 7, nhập khẩu của Trung Quốc từ Nga đã giảm 8,1% so với một năm trước.

Nhập khẩu dầu thô của thị trường tỷ dân thấp hơn cùng kỳ khoảng 20,8%, trong khi nhập khẩu mạch tích hợp giảm gần 17%.

Sự chững lại của Mỹ và các nền kinh tế lớn khác đã đè nặng lên cỗ máy xuất khẩu của Trung Quốc từ đầu năm nay. Trong khi đó, nhu cầu nội địa của Trung Quốc vẫn còn yếu ớt.

Số liệu của tháng 7 càng nhấn mạnh sự yếu kém trong hoạt động xuất và nhập khẩu của Trung Quốc những tháng qua. Tính chung 7 tháng đầu năm, xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm 5% so với một năm trước, còn nhập khẩu sụt khoảng 7,6%.

Chỉ một vài mặt hàng giá trị cao chứng kiến kim ngạch xuất khẩu đi lên trong 7 tháng đầu năm so với cùng kỳ, bao gồm xe ô tô, dầu tinh chế và túi xách, vali.

Trong khi đó, bột giấy, than đá và dầu thực vật là những mặt hàng nhập khẩu ghi nhận mức tăng trưởng tương đối trong 7 tháng đầu năm.

 

Bộn bề khó khăn

Hiện tại, xuất khẩu vẫn là một phần quan trọng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, dù tỷ trọng của ngành này đã giảm bớt trong những năm gần đây.

Trong quý II vừa qua, GDP của Trung Quốc chỉ tăng 6,3% so với cùng kỳ, thấp hơn ước tính 7,3% của các nhà kinh tế mà Reuters đã khảo sát. So với quý liền kề, GDP quý II chỉ nhích 0,8%, thấp hơn tốc độ 2,2% ghi nhận trong ba tháng đầu năm 2023.

Đáng ngại là tỷ lệ thất nghiệp của những người trong độ tuổi từ 16 đến 24 lại vọt lên 21,3% trong tháng 6, mức cao nhất từ trước đến nay.

Ông Fu Linghui, người phát ngôn của Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, từng lưu ý rằng nước này đang phải đối mặt với môi trường địa chính trị và kinh tế quốc tế phức tạp.

Tại cuộc họp của Bộ Chính trị vào tháng trước, các nhà lãnh đạo cấp cao đã hứa hẹn sẽ tung ra các biện pháp kích thích kinh tế mới.

Tuần trước, cơ quan hoạch định chính sách của Trung Quốc cũng cho biết sẽ có thêm kích thích. Song, nhà đầu tư cho đến nay vẫn chưa thấy hứng thú với các đề xuất mở rộng tiêu dùng trong lĩnh vực ô tô, bất động sản và dịch vụ của Bắc Kinh.

 

Reuters nhận định rằng chính phủ Trung Quốc đang cố gắng thúc đẩy tiêu dùng trong nước mà không nới lỏng chính sách tiền tệ quá mức vì e ngại rằng dòng vốn sẽ tháo chạy khi các nền kinh tế lớn nâng lãi suất để chế ngự lạm phát.

Hoạt động xuất khẩu yếu kém là dấu hiệu mới nhất cho thấy tăng trưởng GDP quý III có thể giảm tốc hơn nữa. Hoạt động xây dựng, sản xuất và dịch vụ, cùng với đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc, đều đang yếu đi.

Sự sa sút của Trung Quốc đang ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế ở các nước châu Á khác. Xuất khẩu của Hàn Quốc sang Trung Quốc đã sụt 25,1% so với cùng kỳ vào tháng 7, mức giảm mạnh nhất trong ba tháng qua.

Thặng dư thương mại của Trung Quốc đã tăng 80,6 tỷ USD vào tháng 7, vượt qua kết quả khảo sát của Reuters là 70,6 tỷ USD.

Khả Nhân

Toàn cảnh kết quả kinh doanh quý I: Vượt qua giai đoạn khó khăn nhất
SSI Research cho biết kết quả lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết duy trì tăng trưởng trong quý I/2024, tuy nhiên tốc độ tăng đã chậm lại. Song đơn vị phân tích này nhìn nhận kết quả lợi nhuận của các doanh nghiệp có thể đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất để bước vào giai đoạn tăng trưởng ổn định hơn.